Cho rằng việc lấy ý kiến nhân dân trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023, có ý kiến đề nghị kéo dài thời gian đến hết ngày 15/3/2023.
Chiều nay 13/12, tại phiên họp 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thực hiện Kế hoạch số 329/KH-UBTVQH15 ngày 30/9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi dự án luật rất quan trọng này.
Yêu cầu lần này của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được xác định là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan.
Việc tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua và dự kiến được thông qua vào cuối năm 2023 theo quy trình 3 kỳ họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết; bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân.
“Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)” – ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Cơ quan này cũng đề nghị quy định đối tượng lấy ý kiến bao gồm “các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần được làm rõ hơn về cơ quan đầu mối tổ chức triển khai lấy ý kiến và tiếp nhận ý kiến, hình thức lấy ý kiến, cách thức thông tin, tuyên truyền để người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể tiếp cận được dự thảo Luật và tài liệu có liên quan.
Về nội dung lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.
Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4, lựa chọn những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, làm rõ các loại ý kiến, ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến, tạo cơ sở để nhân dân xem xét, góp ý, trong đó quan tâm đến một số nội dung như sau: Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại; Nguyên tắc “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” khi bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất...
Về hình thức lấy ý kiến, thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để gia tăng khả năng tiếp cận dự thảo Luật và tính hiệu quả của việc lấy ý kiến nhân dân.
Liên qua thời gian xin ý kiến, ông Vũ Hồng Thanh cho biết vẫn còn ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành thời gian như quy định trong dự thảo Nghị quyết (bắt đầu từ ngày 3/1 đến hết ngày 28/2/2023).
Loại ý kiến thứ hai cho rằng thời gian lấy ý kiến như trên trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023, do đó, việc lấy ý kiến nhân dân có thể gặp khó khăn, nên đề nghị kéo dài thời gian đến hết ngày 15/3/2023.
“100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai” – ông Vũ Hồng Thanh nói.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật, đặc biệt tập trung vào các vấn đề quan trọng và các vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, nếu cần thiết nên xây dựng một Đề án riêng về nội dung này.
Theo vov.vn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.