Lãnh đạo tỉnh Bình Định quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các địa phương nếu để xảy ra cháy rừng, rừng bị phá thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu.
Tăng cường ứng dụng công nghệ
Những năm trước đây, phải đến tháng 6 tháng 8 trên địa bàn Bình Định mới xảy ra nắng nóng. Thế nhưng năm nay, mới tháng 3 nắng nóng đã xuất hiện và kéo dài, khiến những cánh rừng trên địa bàn Bình Định phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng cao.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 6 vụ cháy rừng trồng, tổng diện tích thiệt hại là 23,69 ha. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 6 vụ, diện tích rừng bị cháy tăng 23,69 ha. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ xử lý hành chính 2 vụ, 4 vụ chưa xử lý do chưa xác định được nguyên nhân cháy và đối tượng gây cháy.
Lực lượng kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) tuần tra rừng. Ảnh: V.Đ.T.
Theo phân tích của lãnh đạo các hạt kiểm lâm trên địa bàn Bình Định, hiện nay, trách nhiệm của chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) chưa cao, đáng quan ngại nhất là vấn nạn nhiều hộ trồng rừng tự ý đốt thực bì sau khai thác rừng trồng không đúng theo quy định.
Thêm nữa, những diện tích rừng trồng nằm gần khu dân cư thường xuyên “ăn” lửa do người dân đốt rác, đốt tổ ong, gặp thời tiết nắng nóng gay gắt mà có gió là rất dễ xảy ra cháy rừng. Đó là những nguyên nhân dẫn tới cháy rừng mà ngành chức năng Bình Định cần phải khẩn trương khắc phục, nhất là trong bối cảnh thời tiết nắng nóng khô hanh kéo dài, cấp dự báo cháy rừng ở Bình Định thường xuyên ở cấp IV, cấp V.
Một thực tế khác cũng là nỗi lo lớn của ngành chức năng Bình Định là công tác tổ chức chữa cháy rừng đang gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở; một số khu vực rừng còn tiềm ẩn nguy hiểm như bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh dễ phát nổ. Thêm vào đó, lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác PCCCR còn mỏng, thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
“Một trong những giải pháp hiệu quả trong công tác BVR và PCCCR là tăng cường ứng dụng công nghệ. Sở NN-PTNT Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh xin nguồn kinh phí Trung ương, dự kiến khoảng 14 tỷ đồng để mua sắm thiết bị phục vụ công tác PCCCR”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.
Bảo vệ rừng bằng mọi giá
Theo ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trong công tác BVR và PCCCR trên địa bàn năm 2024 được UBND tỉnh giao phải bảo vệ thật tốt hơn 214.543 ha rừng tự nhiên và hơn 131.000 ha rừng trồng. Trong công tác PCCCR, ngành chức năng các cấp phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng đốt rừng; phát hiện sớm lửa rừng, huy động lực lượng chữa cháy rừng kịp thời và triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra cả về diện tích lẫn số vụ.
“Trong năm 2024, Bình Định sẽ nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác BVR và PCCCR của các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong công tác BVR và PCCCR. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức quản lý BVR và PCCCR năm 2023”, ông Lê Đức Sáu cho hay.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, nguyên nhân chủ quan dẫn đến cháy rừng là không ít. Ví như phương án, giải pháp PCCCR trong năm 2024 của một số cấp, ngành, lực lượng, đặc biệt là ở các địa phương còn chung chung. Ông Thanh cho rằng quy chế phối hợp trong công tác PCCCR phải hết sức cụ thể, phân định rõ sự quản lý, điều hành, trách nhiệm từng cấp, từng lực lượng, từng địa phương mới mang lại hiệu quả cao.
Cũng theo ông Thanh, Bình Định là tỉnh có diện tích rừng lớn, vậy nên khả năng và nguy cơ cháy rừng, phá rừng là rất lớn. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là của ngành nông nghiệp, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và chủ rừng là hết sức quan trọng.
“Giải pháp căn cơ là ngành chức năng phải rà soát lại diện tích rừng hiện nay, diện tích nào cần đưa ra khỏi quy hoạch, diện tích nào chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để tính toán phù hợp cho phát triển kinh tế-xã hội. Các địa phương cũng cần tìm ra nguyên nhân dẫn tới phá rừng, cháy rừng để có hướng xử lý”, ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh còn quan ngại là diện tích rừng sản xuất giao UBND cấp xã quản lý, trên thực tế, nhiều nơi quản lý rất lỏng lẻo, để người dân lấn chiếm trồng, rồi lại đi cưỡng chế. Do đó các cấp, ngành phải tính lại việc giao rừng, theo nguyên tắc “rừng phải có chủ”, sau đó chuyển cho cá nhân hoặc tổ chức quản lý.
Ông Thanh phân tích, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới rừng bị phá. Một là bà con dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, dù trước đây tỉnh đã cấp cho bà con rồi nhưng nay gia đình có thêm người, nếu họ thật sự thiếu thì địa phương phải quy hoạch hợp lý để họ không phá rừng hoặc hỗ trợ họ chuyển đổi nghề. Hai là người dân cố ý phá rừng, trong trường hợp này thì phải cương quyết xử lý.
Cảnh báo nguy cơ cháy rẫy mía mùa nắng nóng
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra nhiều vụ cháy rẫy mía gây thiệt hại lớn cho người dân. Rác mía là chất rất dễ cháy, trong điều kiện thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy mía càng tiềm ẩn nhiều phức tạp, chỉ cần một bất cẩn nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, chính quyền các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế các vụ cháy mía xảy ra.
Tối ngày 7/5, tại khoảnh 6 tiểu khu 59, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa quản lý đã xảy ra vụ cháy rừng trồng sản xuất. Do rừng có nhiều thực bì, kèm thời tiết nắng nóng, gió mạnh, đám cháy đã nhanh chóng lan sang các rẫy trồng keo, mía, xoài của người dân.
Vụ cháy gây thiệt hại khoảng 30 hecta rừng trồng keo từ 7-8 năm tuổi; 9 hecta keo từ 2-4 năm tuổi, 6 hecta xoài và khoảng 45 hecta gốc mía tái sinh của người dân. Còn xót lại sau vụ cháy xảy ra tối ngày 7/5 tại xã Ninh Sơn là những gốc mía bị cháy đen. Để có thể canh tác trở lại, người dân chỉ còn cách cày xới lên và trồng gốc mới.
Mía là một trong những cây trồng chủ lực của người dân thị xã Ninh Hòa. Hiện nay trên địa bàn thị xã có khoảng 4.500 hecta mía. Đặc thù canh tác cây mía của người dân là sau khi thu hoạch sẽ tiến hành gom, phát dọn và đốt rác mía. Bên cạnh đó, ở những vùng cách xa nguồn nước, nhiều người dân đã giữ lại phần lá trên cánh đồng mía sau thu hoạch để ngăn cản sự bốc hơi nước, tạo điều kiện cho diện tích mía lưu gốc tiếp tục phát triển.
Việc này vô hình chung lại tạo thành một chất dễ cháy rất nguy hiểm. Do lá mía có đặc điểm là mỏng, trong điều kiện thời tiết nắng nóng thì lá mía rất khô, cháy rất nhanh và rất bén. Nếu không may xảy ra cháy thì sẽ cháy rất lớn và lan rất nhanh, rất khó dập. Theo Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực 3, thời gian qua trên địa bàn đơn vị quản lý đã xảy ra rất nhiều vụ cháy mía, cháy cỏ rác. Tuy nhiên do được phát hiện và xử lý kịp thời nên thiệt hại không đáng kể.
Theo lực lượng chức năng, các vụ cháy mía xảy ra chủ yếu do sự chủ quan, bất cẩn của con người. Do đó người dân cần nêu cao ý thức, tuân thủ nghiêm những quy định trong quá trình đốt dọn ruộng mía.
Bà con chỉ nên đốt, dọn rẫy mía vào thời điểm chiều tối, khi trời đã dịu nắng và cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy mía gây ra.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.