Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững, Điện Biên đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo và nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo để các dự án, tiểu dự án triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
Người dân Tênh Phông giảm nghèo nhờ thảo quả
Với hầu hết hộ dân của các bản Ten Hon, Há Dùa, Xá Tự (xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo), diện tích trồng cây thảo quả là tài sản lớn nhất, mang lại thu nhập chính cho gia đình. Nơi vùng cao này, thảo quả thực sự là “cây vàng, cây bạc”, là mô hình xóa đói giảm nghèo để người dân vươn lên thay đổi cuộc sống.
Người dân bản Há Dùa (xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo) thu hoạch thảo quả.
Thời gian thu hoạch, sơ chế chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 tuần nhưng người dân các bản có diện tích thảo quả dưới tán rừng Tênh Phông đã phải lập các tổ, chốt trông giữ, bảo vệ thảo quả suốt hơn 2 tháng trước đó. Bởi lẽ, thảo quả là nguồn thu chính trong năm mà các hộ đều trông chờ. Thảo quả bén rẽ đất Tênh Phông từ những năm 1980, nhưng từ khoảng năm 2000 - 2010 mới mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có trên 83ha, tập trung dưới tán rừng 3 bản Ten Hon, Há Dùa, Xá Tự. Vụ năm nay, thảo quả được mùa, năng suất tăng 20 - 25% so với mọi năm, tuy nhiên giá đang thấp, chưa như mong đợi. Sau thu hoạch, các hộ dân đều đã sấy khô, đóng bao cất giữ thảo quả, chờ được giá mới bán.
Ten Hon là bản đầu tiên của xã thử nghiệm cây thảo quả, 125/128 hộ trồng thảo quả với diện tích hơn 30ha. Ông Mùa A Lầu, Trưởng bản chia sẻ: “Từ khi trồng thảo quả, các hộ dân bản Ten Hon có của ăn của để, đỡ vất vả, nghèo khó. Thảo quả thường thu hoạch nửa cuối năm, giúp bà con có cái tết ấm no, nhiều gia đình sửa được nhà ở kiên cố, vững chãi và mua sắm được đồ dùng gia đình trước khi đón năm mới”. Được biết thảo quả không tốn công sức và phân bón chăm sóc, không phải trồng lại, trồng mới hàng năm. 1ha thảo quả thu được khoảng 2 tấn quả tươi, 10kg quả tươi được 2 - 2,5kg khô. Những năm trước, thảo quả khô được giá 100.000 đồng/kg, có năm lên đến 115.000 đồng/kg, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Dự ước năm nay, cả bản Ten Hon có trên 12 tấn thảo quả khô. Tuy nhiên thương lái lên tận nơi thu mua giá 80.000 đồng/kg nên chưa nhà nào xuất bán. “Bà con đã mất nhiều công sức để bảo vệ, thu hái và sơ chế thảo quả, đợi giá 100.000 đồng/kg khô trở lên mới bán. Cuộc sống người dân giờ đã bớt khó khăn nên nếu chưa được giá thì cứ để đấy, khi nào cần tiền mới bán. Thảo quả đã sấy khô, có thể bảo quản được 2 - 3 năm không lo mốc, hỏng” - ông Lầu cho biết thêm.
Tại bản Há Dùa cũng tương tự, 22ha thảo quả là nguồn thu chính của người dân bản vùng cao này. Từ những năm 2000, phát triển thảo quả đã giúp 47 hộ dân của bản (47/49 hộ tham gia trồng thảo quả) có cuộc sống ngày càng no đủ. Cả bản chỉ còn 7 hộ mới tách là ở nhà tạm, các gia đình khác đều đã dựng nhà kiên cố, khang trang. Có tiền bán thảo quả, nhiều hộ đã mạnh dạn, tự đầu tư trồng thử nghiệm các cây dược liệu có giá trị khác như: Gia đình Trưởng bản Lầu A Di trồng thử 400 cây quế, ông Lầu Vàng Páo trồng 2.000 cây hồi, Giàng A Mua trồng gần 1.000 cây hồi...
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Lầu Vàng Páo. Ông Páo có gần 3ha thảo quả dưới tán rừng, phát triển từ năm 2003, thu khoảng 1 tấn quả khô mỗi năm. Từ nguồn thu 100 triệu đồng/năm ấy, gia đình ông Páo bắt tay vào phát triển thêm những cây dược liệu khác. Ông Páo kể: “Đầu năm nay tôi mới đầu tư 2.000 cây hồi về trồng xen dưới tán rừng trong khu vực rừng của bản quản lý, bảo vệ. Loại cây này đã được một số hộ trồng thử và thấy phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng khu vực. Trong kế hoạch của gia đình tôi, năm sau (khi có tiền bán thảo quả vụ này) sẽ tiếp tục đầu tư trồng hồi hoặc trồng sâm để có thêm nguồn thu mới, ngoài thảo quả”.
Xã Tênh Phông có trên 2.350ha rừng, tuy nhiên không còn diện tích có thể nhân rộng thảo quả do loại cây này chỉ phù hợp trồng gần các khe nước, đất ẩm. Những khu vực có thể phát triển thảo quả đều đã được các bản khai thác, xuống giống cây. Bởi vậy những năm gần đây, người dân mảnh đất mây mù này đã và đang tìm hướng phát triển các giống cây mới, phù hợp. Ông Mùa A Dụa, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông cho biết: “Thảo quả thực sự đã giúp các hộ dân trên địa bàn xã vươn lên có cuộc sống đủ đầy hơn. Bao nhiêu năm qua, loại cây này vẫn khẳng định được giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ. Vì vậy xã tiếp tục vận động người dân chăm sóc, bảo vệ tốt. Cùng với đó thì phát triển thêm một số loại cây dược liệu khác dưới tán rừng như sâm, tam thất, hồi, sa nhân... hướng đến phát triển kinh tế gắn với rừng một cách hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững”.
Động lực để người nghèo vươn lên
Vừa qua, Tỉnh ủy đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc, thông qua kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” trên địa bàn tỉnh. Với những hộ thuộc diện thụ hưởng, đây là niềm vui rất lớn bởi trong tâm thức của họ, được ở căn nhà mới chỉ là ước mơ. Mơ ước đó đang dần thành hiện thực khi trong năm 2022, sẽ có gần 1.200 ngôi nhà được hoàn thiện và bàn giao cho hộ nghèo, gia đình hoàn cảnh đặc biệt...
Nhân dân thị trấn Tủa Chùa góp sức cùng cấp ủy, chính quyền làm nhà cho hộ bà Lò Thị Phái, thôn Bản Báng.
Gia đình anh Giàng A Chớ, bản Háng Cu Tâu, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) là một trong những hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” do Tỉnh ủy triển khai năm nay. Bao nhiêu năm lam lũ, với anh Chớ, có lẽ đây là khoảng thời gian rất đặc biệt. “Ban đầu tôi không tin việc được hỗ trợ làm nhà ở là sự thật. Chỉ đến khi tai mình được nghe cán bộ xuống triển khai và chính mắt mình thấy có tên trong danh sách được hỗ trợ, thì lúc đó tôi mới biết không phải mình đang mơ” - anh Chớ phấn khởi cho biết.
Ở xã Trung Thu, anh Giàng A Chớ là hộ đặc biệt khó khăn. Nhiều năm nay, gia đình anh phải sống trong căn nhà tuềnh toàng, lụp xụp, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Theo chia sẻ của những người dân nơi anh sinh sống, khó khăn của gia đình anh Chớ không phải vì do lười lao động, trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà đến từ nhiều lí do; trong đó, thiếu tư liệu sản xuất và chưa thay đổi tư duy trong trồng trọt, chăn nuôi vẫn là chính. Và giờ đây, khi là một trong những hộ được hỗ trợ xây nhà mới, không riêng gì anh Chớ mà hàng xóm, dân bản Háng Cu Tâu cũng mừng cho anh; đồng thời mong muốn đây sẽ là đòn bẩy giúp gia đình anh vươn lên trong cuộc sống.
Theo phân bổ, huyện Mường Ảng sẽ có 200 suất là hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật sống tại khu vực vùng sâu, vùng xa… được hỗ trợ nhà ở. Để triển khai hiệu quả Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội”, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Theo đó, huyện hoàn thành việc rà soát và đang triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng theo thứ tự ưu tiên: Gia đình chính sách, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi ốm đau, bệnh tật và hộ nghèo có thành viên trong độ tuổi lao động có mong muốn được thoát nghèo. Dự kiến, thời gian hoàn thành việc làm nhà cho các đối tượng trên địa bàn huyện trước ngày 30/11/2022.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết: Ngay sau khi Tỉnh ủy triển khai, huyện nhanh chóng bắt tay vào việc; đồng thời rà soát rất kĩ những người được thụ hưởng nhằm không bỏ sót, không đề nghị sai đối tượng. Đến nay, việc rà soát đã xong, huyện cũng huy động cả hệ thống chính trị bắt tay thực hiện chương trình với sự quyết liệt và quyết tâm hoàn thành đúng thời gian, tiến độ mà tỉnh đề ra.
Cùng với huyện Mường Ảng, 6 địa phương khác trong khuôn khổ triển khai chương trình gồm: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Chà, thị xã Mường Lay và Nậm Pồ đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện làm nhà ở cho người dân. Qua báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” tỉnh, đến ngày 25/9/2022, các huyện, thị đã tổ chức rà soát các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ làm nhà với tổng số 3.252 hộ. Căn cứ vào nguồn vốn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình làm nhà năm 2022 cho các địa phương. Theo đó, hỗ trợ 1.169 hộ làm nhà ở cho 7 huyện, thị với tổng kinh phí 60,46 tỷ đồng (trích từ Quỹ “Vì người nghèo”).
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thực hiện chương trình này, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đang rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ; tuy nhiên, do phải rà soát lại đối tượng đề nghị hỗ trợ làm nhà đảm bảo theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, do vậy việc phân bổ triển khai thực hiện chương trình làm nhà chậm so với kế hoạch đề ra. Khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình, mới đây, tại hội nghị giao ban công tác mặt trận với các huyện, thị xã, thành phố quý III năm 2022, ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các huyện triển khai thực hiện tốt việc làm nhà cho hộ nghèo theo Chương “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” của tỉnh, đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.
Nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững
Người dân xã Tìa Dình nhận gạo hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo năm 2021.
Những năm qua, công tác giảm nghèo của huyện Điện Biên Đông đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; còn tình trạng người dân trông chờ ỷ lại vào nhà nước; năng lực một số cán bộ làm công tác giảm nghèo còn hạn chế...
Giai đoạn 2021 - 2025, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, huyện Điện Biên Đông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo bền vững, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người nghèo, đồng thời tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Năm 2022, tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Điện Biên Đông là 120,972 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn Trung ương phân bổ là 77,014 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương là 19,458 tỷ đồng; nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương tỉnh quản lý 14 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa 0,5 tỷ đồng. Năm nay, nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo được Trung ương phân bổ muộn. Do đó, hiện nay huyện Điện Biên Đông đang khẩn trương triển khai thực hiện chương trình.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: Đến nay, UBND các xã, thị trấn đã thành lập Ban quản lý các chương trình mục tiêu cấp xã và thành lập Ban phát triển cấp thôn, bản; ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Vừa qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã trực tiếp tổ chức các lớp tập huấn cho từng xã để Ban quản lý cấp xã và Ban phát triển thôn, bản nắm vững các nội dung. Bên cạnh đó, phòng phối hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hội thảo, tọa đàm, phát loa di động. Các tổ xung kích cấp xã xuống cơ sở tiếp xúc trực tiếp với hộ nghèo hướng dẫn cách thức, nội dung, cung cấp thông tin, đào tạo tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, trên cơ sở đề cương hướng dẫn tuyên truyền theo kế hoạch truyền thông của huyện, đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở đã tập trung hướng dẫn cách thức vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ hộ đăng ký thoát nghèo, tuyên truyền nhân rộng các mô hình giảm nghèo từ việc hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa...
Từ đầu tháng 10 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông đã tổ chức 15 lớp tập huấn triển khai hoạt động nâng cao năng lực cho 860 cán bộ làm công lác giảm nghèo cấp huyện, cấp xã; bí thư chi bộ bản, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận bản (tổ dân phố).
Ông Hạng A Di, Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ cho biết: Sau khi được tập huấn, cán bộ làm công tác giảm nghèo của xã đã cơ bản nắm vững quy trình triển khai, đồng thời nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện các dự án, tiểu dự án giảm nghèo. Ban quản lý các chương trình mục tiêu của xã và Ban phát triển thôn, bản tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại 100% thôn, bản về công tác giảm nghèo. Trong đó tập trung biểu dương gương thoát nghèo, phát huy vai trò của người có uy tín tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự lực vươn lên, chủ động đối ứng trong tham các mô hình giảm nghèo bền vững. Năm nay, từ nguồn vốn giảm nghèo năm 2021 chuyển sang, huyện Điện Biên Đông đã triển khai 1 mô hình hỗ trợ bò sinh sản với 33 con bò trên địa bàn xã.
Những năm gần đây, xã Tìa Dình được UBND huyện Điện Biên Đông quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật. Do đó, Ban quản lý các chương trình mục tiêu của xã và Ban phát triển các bản chú trọng tuyên truyền người dân thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Năm 2022, từ nguồn vốn giảm nghèo, xã Tìa Dình được đầu tư 2 dự án đường giao thông. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân đã chủ động phối hợp, tạo điều kiện để chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình. Xã Tìa Dình cũng thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.