Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 9 năm 2023 | 10:36

Đồ chơi Trung thu truyền thống: Không chỉ trong ký ức!

Những tưởng đồ chơi cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu đã “vắng bóng” đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi…, những món đồ chơi truyền thống, nhưng không, đi chơi chợ đồ chơi Trung thu năm nay thấy những món đồ chơi này vẫn được bày bán bên cạnh những món đồ chơi thông minh do nước ngoài sản xuất. Thậm chí, vẫn còn có những làng nghề truyền thống sản xuất đồ chơi Trung thu với sản lượng nhiều hơn mọi năm.

Ký ức tuổi thơ

Trước kia, Tết Nguyên đán làm chúng tôi mong chờ bởi được quần áo mới, đẹp, tiền mừng tuổi..., thì Tết Trung thu cũng khiến chúng tôi háo hức đón chờ bởi ngoài việc được thưởng thức những chiếc bánh nướng, bánh dẻo ngọt, ngon, béo ngậy, thơm lừng, được rước những chiếc đèn ông sao, đèn con cá, con thỏ và xem đèn kéo quân chạy trong đêm Rằm trăng sáng tròn vành vạnh, heo may man mác của mùa Thu.

Thời chúng tôi, đồ chơi chủ yếu được làm thủ công, nguyên liệu để làm những loại đồ chơi ấy được làm từ mây, tre và từ những chiếc ống bơ sữa bò chế tác lại. Những con thú ngộ nghĩnh được người dân từ làng nghề mây tre đan truyền thống sản xuất, qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công, vào đêm trăng Rằm chúng trở nên lung linh, huyền diệu. Trong tiếng trống ếch rộn ràng khắp làng trên, xóm dưới, từng tốp thiếu nhi rước đèn ông sao, đèn con thỏ… tỏa đi khắp nơi. Thế hệ 8x trở về trước, ai cũng từng có một tuổi thơ chơi Trung thu như vậy.

Dụng cụ làm một chiếc đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn con cá hay đèn kéo quân khá đơn giản, gồm có tre nứa, giấy bóng kính màu, keo dán, dây thép, cây đay làm cán, nhưng phải qua khá nhiều công đoạn.

Để có được một chiếc đèn ông sao đẹp, người thợ ngoài tính kiên trì còn đòi hỏi phải có tính thẩm mỹ và sự khéo léo. Từng công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mẩn, tâm huyết. Để hoàn thiện một sản phẩm, nghệ nhân cho biết phải mất khoảng trên 60 lần thao tác “nhấc lên đặt xuống”.

Thứ đồ chơi làm cho thế hệ 7x của chúng tôi thích nhất, đó là chiếc tàu thủy bằng sắt có thể di chuyển trên mặt nước và và phát ra tiếng kêu như động cơ tàu thủy thật. Món đồ chơi này được làm dựa trên kiến thức vật lý cơ bản: đốt nóng nồi hơi bên trong tàu, hơi nước tạo ra lực đẩy tàu di chuyển. Bí quyết là ở cái nồi hơi và lá đồng bên trong nồi hơi, nếu làm không đúng kỹ thuật, tàu sẽ không chạy và không tạo được tiếng kêu “phành phạch” như tàu thủy thật.

Vậy mà, một thời gian không ngắn, những món đồ chơi truyền thống “vắng bóng” trên thị trường, làm cho thế hệ của chúng tôi bùi ngùi, tiếc nuối mỗi khi đi qua con phố Hàng Mã, Lương Văn Can sầm uất chuyên bày bán đồ chơi Trung thu của Hà Nội.

Đồ chơi truyền thống quay trở lại

Lang thang trên con phố chuyên bày bán đồ chơi Trung thu cho trẻ em của Hà Nội, vừa thưởng thức hương vị của mùa thu Hà Nội, vừa tìm lại những món đồ chơi dân gian, truyền thống đã làm thế hệ của chúng tôi say mê, bắt gặp nhiều bà mẹ trẻ đưa con đến đây lựa chọn và mua sắm đồ chơi.

Đứng lại bên cửa hàng bán tàu thủy sắt, nghe tiếng “phành phạch” của chiếc tàu thủy đang chạy trong một cái chậu nước to, gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Hỏi chị Phạm Thị Ngọc Hà (Cầu Giấy) đang cho cậu con trai 7 tuổi của mình xem chiếc tàu thủy đó, tôi được chị chia sẻ, đồ chơi thông minh cho trẻ em bây giờ cũng nhiều mẫu mã, kiểu dáng, bắt mắt, thu hút trẻ em rất nhiều. Nhưng em vẫn thích đưa con đến đây để xem và mua chiếc tàu thủy bằng sắt này. “Bởi lẽ đây là loại đồ chơi được chế tác từ những vật liệu bỏ đi, dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành một chiếc tàu sặc sỡ, chạy phát ra tiếng kêu rất vui tai. Quan trọng đó là những đồ chơi truyền thống anh ạ”, chị Hà chia sẻ.

Những chiếc tàu thủy bằng sắt được bày bán tại phố Hàng Mã (Hà Nội) vẫn thu hút được trẻ em.

Để giữ gìn truyền thống của dân tộc và thay đổi một số chi tiết cho an toàn, anh Nguyễn Văn Đoàn bán đồ chơi ở phố Hàng Mã cho biết, mọi năm đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn con cá không được nhiều người hỏi mua, nhưng vài năm trở lại đây, các loại đèn này lại được các trường học mua về nhiều để làm quà tặng cho các cháu. Bây giờ, người làm đèn ông sao đã cải tiến rất nhiều, thay vì đốt nến ở bên trong đèn như trước kia, bây giờ bên trong đèn đã được lắp đèn chạy bằng pin, vừa an toàn cho các cháu tham gia rước đèn, vừa không bị hư hỏng như trước đây.

Để tìm hiểu thêm, tôi về thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), đây là làng được mệnh danh “thủ phủ” đồ chơi Trung thu truyền thống. Mỗi năm, cứ đến dịp Tết Trung thu, người dân nơi đây lại tất bật sản xuất những món đồ chơi truyền thống vốn đã gắn liền với tuổi thơ của trẻ em Việt Nam.

Theo ông Vũ Huy Đông, người làm đồ chơi truyền thống có thâm niên hàng chục năm cho biết, trên thị trường các loại đồ chơi mới hiện đại ngày càng phát triển và trở nên đa dạng, nhưng không thể thiếu được những chiếc mặt nạ đầy màu sắc được làm hoàn toàn thủ công “làm bằng giấy, bồi bằng tay”. Chỉ từ những nguyên liệu đơn giản như các loại giấy trắng, giấy báo và bìa carton tái chế cùng với hồ dán nấu từ bột sắn, người thợ đã biến chúng thành chiếc mặt nạ có hồn.

Những gia đình làm mặt nạ giấy bồi ở Yên Mỹ (Hưng Yên ) vẫn giữ nghề truyền thống.

“Đồ chơi Trung thu truyền thống mẫu mã đẹp, cộng với ưu điểm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nên những năm trở lại đây những món đồ chơi ở làng Ông Hảo lại lên ngôi và luôn trong tình trạng cháy hàng. Trung bình mỗi món đồ chơi có giá từ 20.000 - 150.000 đồng, tùy kích cỡ. Năm nay, mặc dù chưa đến Tết Trung thu nhưng gia đình tôi đã bán được 10.000 sản phẩm. Những ngày này, gia đình phải huy động thêm người làm để kịp giao hàng cho khách”, ông Đông phấn khởi nói.

Mùa Trung thu nữa đang về, khi những món đồ chơi thông minh, hiện đại được bày bán la liệt trên phố, thì bên cạnh đó vẫn còn có nhiều thứ đồ chơi dân gian có từ hàng chục năm trước, không thua kém gì màu sắc, thu hút được nhiều người mua. Không phải họ thiếu tiền, mà họ đang thiếu đi những kỷ niệm của một thời xa xưa, muốn tìm về. Thật may, các món đồ chơi dân gian truyền thống vẫn tồn tại không chỉ trong ký ức, mà nay đã quay trở lại. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy một điều, hồn cốt văn hóa trong dân gian không hề mai một, vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát triển trong giai đoạn mới.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top