Mới đây, EU đã thông báo dự thảo quy định thay đổi mức dư lượng tối đa đối với 4 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng thích ứng để duy trì đà tăng trưởng.
Nhóm sản phẩm rau quả chế biến đang tăng trưởng nhanh ở thị trường EU.
Doanh nghiệp phải nắm bắt, kiểm soát chặt chẽ sớm
Gần đây, các thị trường nhập khẩu nông sản, điển hình như Liên minh châu Âu (EU), ngày càng gia tăng thông báo lấy ý kiến thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc thay đổi các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS).
Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt sang EU đang dẫn đầu về tăng trưởng với mức gần 30%. Để duy trì đà tăng trưởng này, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt cần nhanh chóng thích ứng trước mỗi quy định mới của thị trường lớn này.
Mới đây, EU đã thông báo dự thảo quy định thay đổi mức dư lượng tối đa (MRL) đối với 4 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, đó là: Zoxamide, Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid. Sự thay đổi này dự kiến EU sẽ áp dụng từ tháng 2/2025.
Trong khi đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhận đến 57 cảnh báo; trong khi cả năm 2023, Việt Nam chỉ nhận 67 cảnh báo vi phạm nông sản, thực phẩm từ EU.
Các nhóm sản phẩm bị EU cảnh báo như: thanh long, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm,...; cá, mực, tôm, ếch, ngao...; tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở... Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đang có các sản phẩm: thanh long chịu tần suất kiểm tra biên giới 30%, ớt 50%, đậu bắp 50%, sầu riêng 10%.
Trước những dự kiến thay đổi của thị trường nhập khẩu, theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) nếu thị trường quy định mức dư lượng tối đa giảm sâu, đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt sớm, phải kiểm soát chặt chẽ sớm. Kiểm soát ngay từ vùng nguyên liệu chứ không phải đến khi quy định có hiệu lực mới bắt đầu quan tâm.
Chẳng hạn như đối với hoạt chất Zoxamide, dự kiến giảm mức dư lượng tối đa với nhóm quả có múi; nhóm hạt (lạc, hạt điều, maca...); nhóm quả lớn, vỏ không ăn được (quả bơ, chuối, xoài, đu đủ, dứa, ổi, sầu riêng và các loại quả khác); nhóm rau tươi hoặc đông lạnh, ớt chuông, đậu bắp, cải bắp: nhóm ngũ cốc (gạo…)… từ 0,02ppm xuống 0,01ppm, giảm 2 lần.
Đặc biệt đối với rau diếp, xà lách, cải bó xôi giảm từ 30ppm xuống 0,01ppm, giảm 3.000 lần. Hay hoạt chất Acetamiprid dự kiến giảm đối với các sản phẩm: chuối, dưa chuột, bí xanh, bí ngô, dưa hấu, cải bắp, rau cải bó xôi, cà chua, ớt chuông/ớt ngọt… giảm từ 2,5 đến 80 lần tùy từng sản phẩm.
“Có thể thấy tùy từng sản phẩm cụ thể hoặc tùy từng hoạt chất mà EU dự kiến thay đổi MRL; trong đó nhiều mức MRL giảm sâu liên quan đến nhiều sản phẩm mà Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU. Như vậy có thể thấy, các nhóm rau sẽ phải tăng cường kiểm soát dư lượng trước khi đưa hàng xuất khẩu để tránh rủi ro không đáng có,” ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Việt Nam muốn giữ được thị trường này thì người sản xuất bao gồm cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin, điều chỉnh quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các MRL ở mức thấp (0,01 ppm) để đáp ứng được quy định của EU trong thời gian tới.
Vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến, hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý và địa phương tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào.
Trước việc ngày càng nhiều thị trường, không chỉ riêng EU luôn có những thay đổi với mục tiêu tăng kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long, chia sẻ sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt tiêu chuẩn vào thị trường Nhật Bản. Đây cũng là thị trường với các tiêu chuẩn vào hàng khó tính nhất thế giới nên doanh nghiệp luôn tự tin sẽ đáp ứng tốt những quy định chất lượng của thị trường EU cũng như các thị trường khác.
"Việc EU siết các tiêu chuẩn chất lượng cũng có ý nghĩa tốt với người tiêu dùng, người sản xuất và cả cho môi trường. Điều này buộc các nhà sản xuất từ nông dân tới doanh nghiệp phải cùng nhau hợp tác thay đổi tư duy sản xuất một cách bài bản," ông Trương Sỹ Bá nói thêm.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết vẫn có những trường hợp sản phẩm của Việt Nam bị các thị trường nước ngoài trả về do chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm “sạch từ nông trại đến bàn ăn.”
Việc xây dựng chuỗi liên kết để có được sản phẩm sạch, vượt qua các rào cản để xuất khẩu được đối với một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như nước ta hiện nay cần nhiều nỗ lực.
Việt Nam cần truyền thông để nâng cao nhận thức, giám sát, đặc biệt cần truyền tải để bà con nông dân hiểu rằng phải là người sản xuất có trách nhiệm. Kể cả doanh nghiệp cũng không vì lợi nhuận mà đánh đổi sức khỏe của người tiêu dùng trong nước và hình ảnh của nông sản quốc gia.
Nhiều dư địa gia tăng xuất khẩu nông sản sang EU
Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa nói chung, trong đó có nông sản, sang Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn thấp, mới chỉ trên 2% quy mô dung lượng thị trường này. Mặt khác, sau 4 năm triển khai EVFTA, tỷ lệ tận dụng ưu đãi mới đạt trên 20%. Như vậy, dư địa để gia tăng xuất khẩu nông sản sang EU vẫn còn.
Gạo là một trong những mặt hàng đã tận dụng được ưu thế từ EVFTA để gia tăng xuất khẩu sang EU.
Sau 4 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt gần 170 tỷ USD, tăng gần 50%. Trong đó, nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực; trung bình mỗi năm, xuất khẩu nông sản vào EU tăng 15%, Bộ Công Thương cho biết.
Gạo là một trong những mặt hàng đã tận dụng được ưu thế từ EVFTA để gia tăng xuất khẩu sang EU. Năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu sang EU đạt gần 104.000 tấn, với trị giá 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch so với năm 2022, theo Tổng cục Hải quan. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm của Hiệp định EVFTA. Gạo của Việt Nam đã xuất khẩu tới 26/27 quốc gia thành viên trong khối EU.
Quý I năm nay, xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, với 46.000 tấn, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ 2023. Mặc dù, EU chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, là thị trường khó tính song sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm có chất lượng. Gạo ST25 hiện là một trong những mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều quốc gia thành viên EU.
Tương tự, mặt hàng rau quả cũng đã tận dụng được EVFTA. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng hai con số; năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 200 triệu USD thì đến năm 2023 đã tăng gần 300 triệu USD. Theo các chuyên gia, cơ hội cho trái cây và rau của Việt Nam tại EU là rất lớn, vì quy mô thị trường lên đến 62 tỷ euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu...
Bộ Công Thương đánh giá, thực tế cho thấy tỷ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ đều tăng cao ở các ngành hàng chủ lực như thủy sản (gần 90%), rau quả (88,3%)... Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế về 0%, mà còn nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu Việt, tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam tại EU. Các doanh nghiệp nông nghiệp cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của EU, thông qua đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng từ khâu trồng trọt đến đóng gói.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA
Sau 4 năm thực thi EVFTA, mặc dù xuất khẩu nông sản sang EU đã đạt nhiều kết quả tích cực, song nhìn chung vẫn chưa như kỳ vọng. Cụ thể, tỷ lệ xuất khẩu của nước ta sang EU, trong đó có nông sản, vẫn còn thấp, mới chỉ trên 2% quy mô dung lượng thị trường EU. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi của EVFTA hiện mới đạt trên 20%, dù khá cao so với những FTA mới đưa vào thực thi nhưng vẫn thấp so với mong muốn. Điều này đồng nghĩa cơ hội cũng như dư địa mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản của Việt Nam vào EU vẫn rất lớn.
Ủy ban châu Âu đã đăng công báo về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào EU trong đó có sản phẩm ớt của Việt Nam.
Tuy vậy, EU vẫn là thị trường rất khó tính với những quy định liên tục thay đổi. Chẳng hạn, hồi tháng 6 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đăng công báo về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào EU. Theo đó, các sản phẩm nông sản gồm ớt, thanh long, đậu bắp của Việt Nam tiếp tục bị EU tăng tần suất kiểm tra, siết chặt các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (thanh long tăng tần suất kiểm tra lên 30%; ớt và đậu bắp tăng tần suất kiểm tra lên 50%, kèm theo giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm).
Bộ Công Thương khuyến cáo, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang EU, doanh nghiệp cần khắc phục các tồn tại liên quan đến quy tắc xuất xứ, nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, do các quy định nhập khẩu của EU đối với rau quả rất khắt khe và thường xuyên thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu để bảo đảm tính tuân thủ.
Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi từ EVFTA cũng như các FTA khác, Bộ Công Thương xác định tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu thông qua mối liên hệ chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết; bám sát tình hình thực tế, chỉ đạo kịp thời, điều hành linh hoạt công tác xuất khẩu gạo và các nông sản khác. Cùng với đó, Bộ cũng chủ trì, phối hợp để đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt; tập trung triển khai hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về nhu cầu, quy định mới của thị trường…/.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Hơn 1,2 triệu sản phẩm dinh dưỡng Vinamilk, tương đương 6 tỷ đồng, được hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh bị ảnh hưởng bão số 3 (Yagi). Đây là cam kết của Vinamilk từ chương trình “Vượt thiên tai – Tiếp bước tương lai”, phối hợp cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, theo hình thức nhân viên, cộng đồng đóng góp 1 thì Vinamilk sẽ góp thêm 1.
Với việc kiến tạo một "nước Anh thu nhỏ" đầy sang trọng, lịch lãm tại Vinhomes Ocean Park 1 (Ocean City), nhà phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam đã mở ra một không gian sống "may đo" cho cộng đồng thượng lưu. Tại The London, cuộc sống đậm chất hoàng gia được tái hiện với nhịp sống sôi động và đẳng cấp bậc nhất trong khu vực.