Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã chính thức được khởi công với mục tiêu là đầu tư xây dựng vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm, kết nối Thủ đô Hà Nội - Bắc Ninh - Hưng Yên và các địa phương khác trong vùng.
Đồng thuận giải phóng mặt bằng
Dự án Vành đai 4 được chia thành 7 dự án thành phần, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án khoảng 113km. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 58,2km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.
Dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80km/h với bề rộng 17m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12m. Theo kế hoạch, dự án cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Theo tính toán, để thực hiện dự án Vành đai 4 cần thu hồi 1.341 ha đất trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Khối lượng công việc lớn như vậy đòi hỏi cả ba địa phương phải thực hiện quyết liệt, nhịp nhàng mới thành công. Đặc biệt, phải làm tốt công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, nghiên cứu bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân theo quy định.
Cán bộ xã Thanh Thùy (Thanh Oai) trao đổi về công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Để có được thành công trong triển khai dự án đường Vành đai 4, thời gian qua, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dự án đi qua.
Ngay sau khi công bố quy hoạch, người dân các địa phương đều bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí cao với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, sẵn sàng bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án. Bà con kiến nghị cần có cơ chế đền bù hỗ trợ phù hợp có lợi nhất cho người dân, sớm bố trí tái định cư để yên tâm ổn định cuộc sống...
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - Phạm Quang Ngọc cho biết, đường Vành đai 4 có đoạn đi qua 2 xã Tân Dân và Thanh Xuân, tổng chiều dài hơn 2km, diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 48,2ha.
Đến nay, Sóc Sơn đã hoàn thành di chuyển 894/898 ngôi mộ, đạt 99,6%. Còn 4 ngôi mộ chưa cải táng, nằm giáp ranh chỉ giới đường đỏ tuyến đường, không ảnh hưởng đến công tác thi công. Các hộ dân cam kết sẽ di chuyển những phần mộ này vào cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã lập, trình các phòng thẩm tra dự thảo phương án tổng diện tích 48,19/48,23ha, đạt 99,9% diện tích cần thu hồi; Phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 47,8/48,2ha, đạt 99,1% diện tích cần thu hồi. Tổng số tiền đã chi trả cho các hộ dân là 238/239,3 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Mau ở xóm 1, xã Văn Bình (Thường Tín - Hà Nội) cho biết: “Gia đình thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Vành đai 4. Ngay từ khi Nhà nước có chủ trương thực hiện dự án, gia đình đồng ý giao đất và đã được đền bù 100%. Chúng tôi hiểu rằng, đường Vành đai 4 đi qua xã sẽ tạo động lực để địa phương phát triển kinh tế. Có đường, hạ tầng giao thông tốt, bà con sẽ được hưởng lợi, đi lại thuận tiện và cái quan trọng nhất là thuận tiện cho việc đầu tư, xây dựng nông nghiệp xanh, sạch trong tương lai”.
Trước những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự ấn tượng và biểu dương quá trình chuẩn bị đầu tư và kết quả giải phóng mặt bằng trong thời gian rất ngắn của Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
“Chúng tôi rất ấn tượng với Hà Nội đã dám phân cấp, giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng cho các quận, huyện, đem lại kết quả rất thành công. Đặc biệt, việc di dời mộ chí là vô cùng khó khăn nhưng Hà Nội đã tổ chức rất bài bản, làm rất tốt, quyết liệt, quyết tâm. Đồng thời, tôi đánh giá rất cao sự kiểm tra, giám sát của lãnh đạo các địa phương, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh khác trong công tác triển khai dự án cũng như giải phóng mặt bằng”, Thủ tướng nói.
Phối cảnh nút giao trên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Người dân sẽ được hưởng lợi đầu tiên
Trong xu thế phát triển của đất nước, việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 là yêu cầu tất yếu, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Đối với Thủ đô Hà Nội, tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp thành phố phát triển các không gian đô thị, công nghiệp mới, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời kéo giãn dân số nội đô ra các đô thị vệ tinh, giải bài toán quá tải trong khu vực trung tâm.
Chuyên gia quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích: “Khi Vành đai 4-Vùng Thủ đô hình thành, hàng loạt điểm “đen” ùn tắc giao thông của Hà Nội sẽ được giải quyết như cửa ngõ phía Nam, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 2, Quốc lộ 5… Đặc biệt, sân bay Nội Bài - cửa ngõ hàng không quốc tế của cả Vùng Thủ đô sẽ được kết nối trực tiếp đến các tỉnh, thành lân cận, giảm thiểu chi phí logistic cho doanh nghiệp vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội”.
Có thể khẳng định, sau khi hoàn thành, dự án sẽ mang lại lợi thế lớn về vận chuyển cho Hà Nội và các tỉnh, thành Đồng bằng Bắc Bộ. Từ đó, có thể giảm giá thành, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm vùng. Các địa phương sẽ hưởng lợi không chỉ công nghiệp mà còn có nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… một cách toàn diện.
Anh Nguyễn Nhân Đại, người dân sinh sống tại huyện Mê Linh (Hà Nội), cho biết: Tôi rất mong dự án được triển khai nhanh chóng để giao thông thuận tiện kết nối với nội thành và các tỉnh lân cận.
Theo anh Đại, người dân Mê Linh chủ yếu là kinh doanh buôn bán hoa, cây cảnh và các loại rau, củ. Để tiêu thụ hàng hóa, người dân đã liên kết với các đại lý ở nhiều khu vực. Việc phải di chuyển nhiều, trong khi mật độ giao thông đông đúc như hiện nay thì các hộ buôn bán phải gánh chi phí vận chuyển khá tốn kém. Bởi vậy, tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tăng cường trao đổi, liên kết hàng hóa giữa các vùng.
“Khi tuyến đường hoàn thành, việc đi lại từ vùng ven Hà Nội vào khu vực trung tâm hay các tỉnh lân cận không có gì là trở ngại. Đây là cơ hội để quê hương tôi phát triển kinh tế, đẩy mạnh nghề trồng hoa và phát huy thế mạnh về du lịch văn hóa-lịch sử vốn có”, anh Đại chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Giới (xã Kim Hoa, huyện Mê Linh), có hơn 800m2 đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện Dự án Vành đai 4 cho hay: Từ cuối năm 2022, gia đình đã bàn giao đất cho chính quyền và nhận đền bù 700 triệu đồng. Số tiền này tôi chia cho các con và một phần mua đàn bê để phát triển kinh tế. Trước đây, diện tích đất này gia đình trồng hoa đào để bán vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
Ông Giới đánh giá, việc thực hiện đền bù, chi trả cho người dân trong thời gian vừa qua rất thỏa đáng. Theo ông, với người dân có nghề trồng hoa đào, việc hình thành con đường vành đai mới sẽ giúp vận chuyển thuận tiện, buôn bán hoa đi khắp nơi, vì vậy, chính người dân sẽ được hưởng lợi đầu tiên.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.