Với thâm niên 14 năm, cô giáo mầm non ở vùng “đảo ngọc xanh” của tỉnh Sóc Trăng luôn tận tâm tận tuỵ với nghề, dù khó khăn đến mấy vẫn yêu nghề mình đã chọn...
Ước mơ từ nhỏ
Năm 2009, cô giáo trẻ quê ở xã đảo Đại Ân 1 (Cù Lao Dung - Sóc Trăng) Dương Bảo Ngân Hà (SN 1985) ghi tên mình vào danh sách giáo viên dạy mầm non của ngành GD-ĐT Cù Lao Dung.
Nói về cơ duyên chọn nghề sư phạm, cô Ngân Hà cho biết: “Tôi xuất thân trong gia đình có ba và mẹ đều là nhà giáo. Họ hàng anh em cũng nhiều người công tác trong ngành GD-ĐT nên từ nhỏ tôi đã mê và mong ước được trở thành cô giáo, mà là cô giáo mầm non, bởi tôi rất yêu trẻ em, yêu cái nét hồn nhiên, vô tư của các em. Được dạy dỗ, gần gũi các em, tôi thấy mình như trẻ ra. Vì vậy, tôi chọn làm giáo viên mầm non và dù khó khăn thế nào đi nữa, tôi vẫn gắn bó với nghề mình đã chọn”.
Cô Ngân Hà và các cháu học sinh.
Sau khi học xong chuyên ngành sư phạm mầm non, cô giáo trẻ Ngân Hà được phân công dạy tại Trường Mầm non ở xã nhà, xã Đại Ân 1. Năm 2011, cô được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng của trường. Tháng 4/2014, cô được điều động về công tác tại Trường Mầm non Hoa Mai của xã An Thạnh Tây (Cù Lao Dung) và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng. Năm 2020, cô được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng cho đến nay.
Cô Ngân Hà nhớ lại: Khi mới vào nghề, cô được phân công công tác tại Trường Mầm non Hướng Dương của xã Đại Ân 1. Thời điểm đó, Đại Ân 1 là xã vùng sâu, xã đảo, cơ sở vật chất trường học còn nhiều thiếu thốn, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động còn chưa đầy đủ, đồng lương của giáo viên mới ra trường thì ít ỏi. Nhưng với tình yêu thương, sự tâm huyết với nghề cũng như kiến thức đã được trang bị ở trường sư phạm, và được ba mẹ tiếp sức, truyền lửa, bằng tất cả nghị lực của mình, cô đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cô không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Tất cả các cháu đến lớp đều được đối xử công bằng, quan tâm, tận tình chăm sóc.
Cô Ngân Hà chia sẻ: Việc dạy dỗ trẻ ở cấp mầm non không đơn giản là trông chừng trẻ để cha mẹ bé có thời gian đi làm. Đây là việc dạy và học góp phần hình thành nên suy nghĩ, nhận thức của trẻ, giúp bé có nền tảng phát triển tốt hơn trong những năm tiếp theo. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn tìm tòi các phương pháp giảng dạy có hiệu quả, dùng nhiều đồ dùng trực quan, tìm những hình ảnh sinh động minh họa..., biến giờ học trở nên hấp dẫn, giúp trẻ hiểu và nắm vững bài học.
Tôi sử dụng phương pháp dạy học gợi mở, tổ chức các hoạt động để trẻ tự khám phá, tiếp nhận các kiến thức theo kiểu “học mà chơi, chơi mà học” nên các cháu rất hào hứng. Trong các giờ dạy, tôi luôn lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi để thu hút trẻ cùng tham gia. Qua đó, trẻ vừa được vui chơi, vừa được giáo dục những điều hay, lẽ phải, góp phần phát triển tư duy và phát huy tính tích cực, ham học hỏi, tìm tòi khám phá và khả năng sáng tạo của các bé.
Tình yêu tích lũy theo năm tháng
Quá trình chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ gặp nhiều khó khăn do các cháu còn nhỏ, lại hiếu động, cô Ngân Hà thường xuyên quan sát, gần gũi trẻ, hướng dẫn cho trẻ một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tìm hiểu tâm lý trẻ để hiểu về trẻ cụ thể hơn, từ đó có biện pháp giáo dục cụ thể, có hiệu quả. Cô ân cần, chăm sóc cẩn thận, chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, uốn nắn cho trẻ từ những việc làm nhỏ nhất, dạy cho trẻ những kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi. Nhờ đó, lớp do cô phụ trách luôn duy trì ổn định sĩ số từ đầu năm đến cuối năm học. Tất cả các cháu đến lớp đều thích tham gia các hoạt động, phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo, ngoan ngoãn, lễ phép, biết chào hỏi, biết cảm ơn…
Cô Ngân Hà nhận Bằng khen trong cuộc thi "Cán bộ quản lý duyên dáng và tài năng".
Không chỉ yêu nghề, mến trẻ, có năng lực chuyên môn tốt, cô Ngân Hà còn là người sống giản dị, hòa đồng và tận tụy vì công việc chung của trường. Cô luôn tích cực đi đầu tham gia vào các phong trào thi đua và các hoạt động do nhà trường và ngành giáo dục tổ chức như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”…
Cô tích cực tham gia và chỉ đạo kịp thời việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đơn vị. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên của trường đã sử dụng tốt các phần mềm trong quản lý và giảng dạy. Bản thân cô cũng sử dụng và khai thác tốt các phần mềm trong công tác quản lý nhà trường. Cô có 8 sáng kiến cấp cơ sở được công nhận.
Để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô Ngân Hà tích cực phối hợp, phát huy được vai trò, sức mạnh của ban đại diện cha mẹ trẻ và các tổ chức chính trị - xã hội, các mạnh thường quân trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ, huy động trẻ và các chế độ chính sách cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp khai giảng năm học, Tết Trung thu, Ngày quốc tế thiếu nhi,...
Cô Ngân Hà tâm sự: “Những năm gần đây, có một số giáo viên mầm non có hành vi bạo lực với trẻ, đó là hành động không đúng, cần phải lên án. Ở trường, tôi thường nói với giáo viên, đã chọn nghề dạy trẻ thì phải có Tâm; phải đặt mình vào tình huống của học sinh, xem học sinh là con em của mình để có hướng xử lý phù hợp, có tính giáo dục cao. Cũng vì vậy, ở trường chúng tôi không bao giờ xảy ra tình trạng bạo lực, dù là hành vi nhỏ nhất, nhẹ nhất”.
Nói về trăn trở của mình, cô Ngân Hà chân tình: “Tôi rất trăn trở trước tình trạng thiếu giáo viên mầm non như hiện nay. Thiếu giáo viên có lẽ do áp lực của công việc này không nhẹ nhàng, đơn giản như nhiều người nghĩ. Thêm nữa, do đồng lương chưa cao, chưa đủ cho giáo viên trang trải cuộc sống nên nhiều người đang công tác phải xin nghỉ, còn nhiều bạn trẻ không chọn nghề dạy mầm non. Ở trường tôi, cũng có giáo viên gia đình kêu nghỉ nhưng chúng tôi động viên nhau “đã chọn nghề thì cố gắng theo nghề”, nên cuối cùng không ai xin nghỉ cả”.
Nói về niềm vui của mình khi theo nghề, cô Ngân Hà tươi cười: “Tôi rất vui khi mình được góp phần xây dựng nhà trường ngày càng phát triển. Trong quá trình dạy học, tôi rất vui khi có học sinh học mầm non do tôi dạy cách đây hơn chục năm nhưng khi gặp lại em vẫn nhận ra cô giáo cũ. Đó là niềm động viên rất lớn đối với bản thân tôi”.
Thầy Dương Văn Kha, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cù Lao Dung, nhận xét: “Cô Ngân Hà là nhà giáo luôn tận tụy với công việc, yêu học trò như con của mình. Không chỉ giỏi chuyên môn, giỏi quản lý, cô còn là một trong những giáo viên rất tích cực trong việc tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động do ngành Giáo dục, tổ chức Công đoàn các cấp, cũng như của địa phương phát động”.
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân, nhiều năm qua, cô Dương Bảo Ngân Hà là giáo viên gương mẫu điển hình bậc học mầm non của ngành GD-ĐT huyện đảo Cù Lao Dung.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.