Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 11 năm 2023 | 16:50

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng

Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Qua thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội; cho rằng, dự thảo luật đã bảo đảm 3 nội hàm: Công tác quản lý của nhà nước, quyền lợi của Nhân dân; trách nhiệm và lợi ích của các tổ chức và doanh nghiệp.

Khuyến khích người dân bàn giao đất trong tâm thế tự nguyện

Trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ còn 1 phương án trình Quốc hội xem xét, trong đó có các nội dung về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Bên cạnh đó, dự án luật cũng có nội dung mà cử tri rất quan tâm như điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan; các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hàng năm; đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về nội dung thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78 và Điều 79), ông Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật bổ sung trường hợp thu hồi đất để “thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.”

Quy định này bao gồm cả các dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nếu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ thực hiện thu hồi đất.

Về điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (khoản 3, Điều 80 và khoản 5, Điều 87), dự thảo luật đã bổ sung quy định: “Người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư” (khoản 5, Điều 87).

Đây là quy định nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng là góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai trên thực tế mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bảo đảm các mục tiêu quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng thất thoát, sai phạm, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm bảo đảm chặt chẽ trong quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất, các doanh nghiệp được phê duyệt phương án chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện các phương án sử dụng đất bảo đảm hiệu quả.

Nhiều chính sách chưa đồng nhất

Bên cạnh những nội dung trên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn khá nhiều chính sách phải đưa ra 2 phương án để lựa chọn.

Một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là quy định thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Phương án 1 là giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất như Luật nhà ở hiện hành: Chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là (1) đất ở hoặc (2) đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.

Phương án 2 là đề nghị mở rộng về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 quy định 2 loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, đó là: Đất ở; đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp).

Trong khi đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 quy định 3 loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất: (1) đất ở; (2) đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); (3) đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy cùng là các dự án luật do Chính phủ trình, nhưng nội dung chính sách không thống nhất.

Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu và một số nội dung phát sinh nhiều ý kiến khác nhau. Nguyên nhân là phạm vi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quá rộng và có liên quan mật thiết với các luật khác.

“Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng,” ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.

Như vậy, trong trường hợp nếu dự án luật đáp ứng được yêu cầu đề ra, sẽ được thông qua tại kỳ họp này, còn nếu trong trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau, có thể dự án luật quan trọng này sẽ chưa thể thông qua.

Đánh giá tác động kỹ lưỡng để thiết kế phương án phù hợp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình, tiếp thu các nội dung có nhiều phương án và xin ý kiến Quốc hội về các nội dung còn ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia; qua đó, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.

Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng.

Về quy định chuyển tiếp, sửa đổi, bổ sung một số Điều của các luật có liên quan, các nội dung đang được quy định tại Chương XVI dự thảo Luật do Chính phủ trình đã được rà soát, chỉnh lý; tuy nhiên, chưa có điều kiện rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp cũng như nội dung khác của các luật có liên quan.

Quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật sẽ cần nhiều thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật.

Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.

Rà soát, tránh chồng chéo trong quy định về quy hoạch sử dụng đất

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho biết, dự thảo luật trình Kỳ họp thứ 6 cơ bản đã được sửa đổi và bổ sung theo hướng phù hợp hơn so với thực tiễn trên cơ sở rà soát, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia và toàn thể Nhân dân. 

Đồng thời, dự thảo luật thể hiện rõ hơn vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri đối với một dự án luật quan trọng của đất nước. Đại biểu kỳ vọng, dự thảo luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay.

Liên quan tới quy định về quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, hiện nay, các quy định này đang bị chia tách bởi 2 luật, một nửa quy định tại Chương 5 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), còn lại được quy định tại Luật Quy hoạch. 

Đại biểu đưa ra dẫn chứng, đối với quy hoạch về sử dụng đất quốc gia, quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất căn cứ vào nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại Điều 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự đối với đất quốc phòng, an ninh và một số loại đất khác.

Như vậy, nếu giữ nguyên như dự thảo luật thì sau khi ban hành việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún. Đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất phải áp dụng cùng một lúc là 2 luật. Do đó, đại biểu đề nghị các quy định về quy hoạch sử dụng đất cần được sửa đổi, bổ sung vào ngay Chương 5 của dự thảo luật. Đồng thời, bãi bỏ các quy định về nội dung, quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch.

Phát biểu tại hội trường, qua nghiên cứu dự thảo luật trình tại kỳ họp lần này, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn TP Đà Nẵng) cho biết, nhiều nội dung còn có các phương án khác nhau, chưa thống nhất như đã nhắc đến trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật.

"Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước", đại biểu chỉ rõ và đề nghị, cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của Luật Đất đai, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.

Nên quy định những tiêu chí về khu tái định cư mang tính nguyên tắc

Đóng góp ý về điều kiện về khu tái định cư, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kĩ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục, phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền... Tuy nhiên, với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ các điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là tại các thành phố lớn.

Với điều kiện bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là rất khó khả thi. Bởi lẽ phong tục tập quán là điều đặc trưng không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng dự thảo luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng. 

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát nội dung liên quan đến định nghĩa "tái định cư" trong dự thảo luật, khái niệm về "người không có chỗ ở nào khác". 

‎Về tài sản gắn liền với đất thuê theo khoản 2, Điều 34, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1 và cho rằng quy định theo hướng này bảo đảm tài sản nhà nước, thực hiện bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước.

Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa tại khoản 7 Điều 45, hiện đang có 2 phương án, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1. Đại biểu cho rằng quy định theo hướng này sẽ bảo đảm công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân thu gom đất trồng lúa để đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển. Bên cạnh đó, để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với điều kiện hiện nay, tránh tính trạng không quản lý được quỹ đất.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhấn mạnh quan điểm cần xác định các nguyên tắc nhất quán trong bồi thường, tái định cư, thu hồi đất thực hiện dự án

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cần quán triệt nguyên tắc nhất quán bồi thường giá đất theo nguyên tắc chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư.

Nhà nước bên cạnh thực hiện quy hoạch đối với dự án đất ở đất thương mại đất khu đô thị và Nhà nước phải đứng ra giải phóng mặt bằng. Nhà nước định ra không gian gần như 1 sản phẩm quy hoạch để tiến hành đấu giá đất, đấu giá dự án. Tiền thu được phục vụ thu hồi chi phí nhà nước đầu tư cho quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng (thực chất đây là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư), chi phí bồi thường tái định cư, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, không phân biệt dự án công, dự án tư, tránh tình trạng 2 giá, bất bình đẳng dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị xác định phương pháp bồi thường, vấn đề lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất và có nguyên tắc trong Luật. Theo đó, đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết với phương pháp khấu trừ… Nếu xác định được trong luật những nguyên tắc đó thì Chính phủ có cơ sở hướng dẫn thực hiện.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đối với chế độ pháp lý đối với lấn biển nên quy định nguyên tắc trong Luật Đất đai thay vì ủy thác cho Chính phủ.

Hoàn thiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, một số ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Luật lần này đã có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn rất nhiều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 5, đã có các quy định cụ thể đối tượng là dân tộc thiểu số. 

Về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Yên Bái) dẫn khoản 2, Điều 16 quy định: Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống theo quy định. 

Khoản 3, Điều 16 quy định, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai để đảm bảo ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 2 điều này nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định. 

Đại biểu cho rằng, các quy định chính sách chủ yếu tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, thu hẹp chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, không phù hợp với nội hàm tên của Điều 16 là trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, chỉnh lý nội dung điều này cho phù hợp với chính tên của điều luật, đảm bảo chính sách cơ bản cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top