Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024 | 15:48

Dựa vào cộng đồng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng ngập mặn ở Thanh Hóa

Sau 3 năm triển khai thực hiện “Dự án Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro biến đổi khí hậu ở Thanh Hóa” (gọi tắt là Dự án), đã thu hút được phần lớn người dân tham gia vào các hoạt động liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn.

Chủ tọa hội nghị.

Sáng 17/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tổng kết “Dự án Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro biến đổi khí hậu ở tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam”.

Theo đó, với mục tiêu nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển tại 3 xã: Đa Lộc (Hậu Lộc), Nga Thủy và Nga Tân (Nga Sơn) của tỉnh Thanh Hóa thông qua các hoạt động quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã hoàn thành các nội dung và đã đạt được mục tiêu đề ra.

Rừng ngập mặn ở 3 xã này đã được quản lý bền vững thông qua kế hoạch quản lý rừng dựa vào cộng đồng. Trước khi triển khai nội dung, chủ dự án đã tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực của cộng đồng và cán bộ chính quyền địa phương trong quản lý rừng ngập mặn tại 3 xã trong vùng dự án. Đồng thời, tích cực mở các khóa đào tạo, hội thảo, lớp tập huấn về pháp luật lâm nghiệp liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn cho cán bộ UBND các xã, các nhóm nông dân tham gia Dự án... Nhờ đó, phần lớn người dân đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng.

Các đại biểu tham gia hội nghị.

Thông qua khảo sát thực trạng sinh kế tại 3 xã thuộc dự án thông qua phỏng vấn sâu người dân, thảo luận nhóm và phân tích các trường hợp điền hình cũng đã xác định được nhu cầu người dân vùng của dự án trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, đề xuất xây dựng các mô hình sinh kế tại cộng đồng phù hợp với điều kiện tại địa phương. Từ đó, người dân đã lựa chọn và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của gia đinh và địa phương như: Nuôi ong lấy mật, nuôi vịt biển, canh tác cây cói và rau màu sử dụng phân vì sinh tại chỗ.

Cùng với đó, Dự án cũng đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất cây giống cho 20 thành viên nhóm nông dân tham gia xây dựng 1 vườn ươm sản xuất cây giống tại chỗ ở xã Nga Thủy (Nga Sơn) để chủ động cung cấp nguồn giống phục vụ nhu cầu trồng rừng ngập mặn trong vùng dự án và cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu, đồng thời giảm chi phí mua cây giống tại các địa phương khác.

Kết quả đã sản xuất được 33.000 cây Trang giống. Hiện tại, còn khoảng 7.000 cây giống được Dự án bàn giao cho nhóm vườn ươm cộng đồng quản lý để tiếp tục cung cấp cho người dân và các đơn vị có nhu cầu.

Dự án đã thu hút được nhiều người dân trong vùng dự án tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt, hiện nay vẫn còn một số mô hình của Dự án cần có cơ chế nhân rộng như: Mô hình tự sản xuất phân vi sinh; mô hình nuôi ong nội cần được đầu tư và thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật; mô hình trồng rừng đa tầng tán cần đánh giá khảo nghiệm để duy trì và phát triển; mô hình đo đếm lượng hấp thụ cacbon trong rừng ngập mặn hoạt động có ý nghĩa cả về kinh tế, xã hội, môi trường cũng cần được tiếp tục quan tâm hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, góp sức của chính quyền địa phương và cộng đồng để các mô hình, hoạt động tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả.

 Nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia dự án được nhận Giấy khen.

Cũng tại hội nghị này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa đã trao Giấy khen cho 11 cá nhân thuộc Trung tâm CORENACCA có thành tích xuất sắc tham gia thực hiện Dự án.

Dự án Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro biến đổi khí hậu ở tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam được Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới ký thỏa thuận tài trợ ngày 7/10/2021 và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện tại Quyết định số 5055/QĐ-UBND ngày 10/12/2021.

Chủ đầu tư dự án giao cho Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn quản lý tài nguyên và Thích ứng biến đổi khí hậu (CORENACCA) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa.

 

 

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

  • Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2/2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

Top