Vấn đề rác thải nhựa tại các điểm du lịch luôn trở thành vấn đề "nóng" khi mỗi mùa du lịch đến gần. Để thu hútdu khách, các đơn vị kinh doanh du lịch cho đến các điểm đến cần trách nhiệm hơn trong việc xây dựng Việt Nam thành điểm đến xanh.
Rác thải nhựa - Ấn tượng chưa đẹp của du lịch Việt
Theo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Việt Nam là quốc gia có nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới (khoảng 3,1 triệu tấn/năm trong đó lượng rác thải đổ ra đại dương khoảng từ 0,28 -0,73 triệu tấn/ năm). Thực tế, lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm du lịch chiếm tỉ lệ rất lớn và ngày càng tăng lên. Trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi nilon/ngày; 2 - 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.
Báo cáo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR), WWF và UBND một số tỉnh cho thấy, lượng rác thải nhựa tại các điểm du lịch ngày càng lớn. ITDR cảnh báo nếu không hành động, lượng rác thải nhựa do khách du lịch vứt bỏ vào năm 2030 sẽ cao gấp 3 lần so với năm 2019, vào khoảng 336.400 tấn mỗi năm.
Lượng rác thải, phao xốp trôi nổi ở trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long là do các địa phương để cho người dân thực hiện tháo dỡ các lồng bè một cách tự phát.
Một số điểm đến tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa như: tại Vịnh Hạ Long, ước tính trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Tại Sầm Sơn, trung bình 105 tấn rác thải/ngày, đêm; trong đó, rác thải nhựa chiếm 24%, tương đương 25,2 tấn/ngày, đêm. Tại Đà Nẵng, trong 1.100 tấn rác thải/ngày, đêm có tới 17% là rác thải nhựa, tương đương 20,8 tấn mỗi ngày...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần, sau đó thải bỏ.
Trong tổng lượng chất thải nhựa thải bỏ, chỉ có một phần được thu hồi để tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp, còn một lượng lớn chất thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển. Lượng chất thải nhựa và túi nilon của cả nước chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt.
Rác thải nhựa dùng 1 lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loại sinh vật khác. Do tính chất khó phân hủy, rác thải nhựa đã trở nên nguy hiểm khi làm thay đổi tính chất vật lý của đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng và cản trở sinh trưởng của các loài động thực vật.
Nhân rộng các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa
Tại hội thảo giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch thuộc khuôn khổ VITM-Hanoi 2023 vừa diễn ra, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kêu gọi các doanh nghiệp cần tìm giải pháp thay thế nhựa để tạo ra một môi trường bền vững, chuỗi giá trị với các nhà cung cấp và các giải pháp khác nhằm giữ chân khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Ông Bình đề cập đến dự án do Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, một cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch. Ông Bình cho biết, dự án này liên quan đến Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) và huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), cả hai đều đã đạt được thành công bước đầu.
Theo đó, tại Hội An, các hoạt động kết nối mạng lưới và tư vấn kỹ thuật được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện giảm rác thải, biến rác thải thành tài nguyên. Kết quả đạt được là sau thời gian thực hiện dự án có 50 doanh nghiệp du lịch tự nguyện ký cam kết tham gia mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải. Một hệ sinh thái tái chế đang dần được hình thành và phát triển.
Có 27 cơ sở kinh doanh ở Hội An bán các sản phẩm tẩy rửa như nước rửa chén, nước lau sàn và giấm lau nhà đựng trong hộp có thể tái sử dụng, bao gồm quán cà phê, nhà dân, nhà hàng... La Siesta Hội An Resort & Spa ước tính đã loại bỏ khoảng 3,5 tấn nhựa mỗi năm. Một khu nghỉ dưỡng khác, Silk Sense Hoi An River Resort, giảm việc sử dụng 20.000 chai nhựa dùng một lần bằng cách chuyển từ nhựa sang chai nước thủy tinh sau 18 tháng thực hiện...
Mới đây, UBND huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cũng phát động chiến dịch “Tuần lễ du lịch xanh” năm 2023 gắn với Đề án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” thu hút cả du khách và người dân tham gia. Các hoạt động bao gồm: trao giỏ đựng rác với thông điệp “Chở xanh - Thở lành” cho các lái đò tại bến thuyền Vân Long; ra quân tổng vệ sinh môi trường tại Khu du lịch Vân Long; chương trình “Điều em muốn nói” với hoạt động đổi rác nhận quà, bán sản phẩm tái chế, tạo tháp cây; nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn, giảm xả thải nhựa... Chiến dịch này đã tạo nên hình ảnh đẹp trong đánh giá của du khách.
Thay đổi thói quen với rác thải
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 16 bãi chôn lấp rác thải tại 15 huyện, thị xã, thành phố và 26 khu xử lý rác thải bằng công nghệ đốt tại 13 huyện, thị xã, thành phố. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư khu xử lý chất thải rắn mới cho TP. Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn và các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Như Xuân. Từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đưa vào vận hành 2 nhà máy: Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, công suất 120 tấn/ngày tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn và nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công suất 100 tấn/ngày tại xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc).
Tuy nhiên, công tác xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Khối lượng chất thải rắn phát sinh nhiều, có xu hướng năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tại các huyện còn thấp, nhất là khu vực miền núi; một số bãi rác hiện đã quá tải, tồn đọng nhiều chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường. Số lượng dự án xử lý rác thải rắn được chấp thuận chủ trương đầu tư còn ít, tiến độ thực hiện các dự án xử lý rác thải đã được chấp thuận chủ trương đầu tư còn chậm; việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
Tuổi trẻ Thanh Hóa hưởng ứng phong trào ra quân dọn rác thải tại bờ biển
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh thu hút xã hội hóa, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư các công trình xử lý rác thải quy mô liên vùng, như: Dự án Nhà máy xử lý RTSH tại xã Đông Nam (Đông Sơn), với mục tiêu phục vụ xử lý RTSH cho TP. Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và vùng phụ cận, công suất xử lý 500 tấn/ngày. Đây là dự án xử lý rác thải lớn trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư 554,96 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Ecotech làm chủ đầu tư. Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại phường Quảng Minh (TP. Sầm Sơn) với mục tiêu phục vụ xử lý RTSH cho TP. Sầm Sơn, công suất xử lý 300 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng, do Công ty TNHH Hai thành viên Môi trường Nam Thành Phố làm chủ đầu tư.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT Thanh Hóa: Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học. Đặt ra chỉ tiêu chủ yếu: Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom xử lý đảm bảo tiêu chuẩn đạt 83%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 90%. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Nâng cao vai trò của thế hệ trẻ
Ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, vai trò của lực lượng Đoàn Thanh niên cơ sở trong việc tham gia bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải là rất thiết thực, quan trọng.
Theo đó, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục, triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường đến các cấp bộ đoàn bằng các chương trình, kế hoạch hành động, các chỉ tiêu để đánh giá thi đua hàng tháng, hàng quý. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở đoàn đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, như: đoạn đường thanh niên tự quản xanh - sạch - đẹp; các công trình vườn cây thanh niên, bồn hoa thanh niên ở các trường học, cơ quan, đơn vị; ra quân bóc, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép... Các chiến dịch ra quân làm sạch, đẹp môi trường đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ sở đoàn vào những ngày cuối tuần. 100% cơ sở đoàn đã tổ chức “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”.
Theo thống kê của Tỉnh đoàn Thanh Hóa, từ đầu năm 2022 đến tháng 1/2023, toàn tỉnh trồng được hơn 5.000 cây xanh; duy trì hoạt động hiệu quả 540 mô hình câu lạc bộ “Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”. Các phong trào hưởng ứng hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” toàn quốc lần thứ nhất năm 2023, 100% cơ sở đoàn đã đồng loạt ra quân với các hoạt động cụ thể, thiết thực. Toàn tỉnh đã tổ chức được 608 công trình, phần việc thanh niên, thu hút gần 4.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia, trong đó, đã trồng mới hơn 10.000 cây xanh; nạo vét, khơi thông 12km kênh mương nội đồng; thu gom và xử lý hơn 6 tấn rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng, rác thải biển...
Theo đại diện Tỉnh đoàn Thanh Hóa: Với tinh thần xung kích “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tuổi trẻ Thanh Hóa đã và đang từng bước nâng cao ý thức, ứng xử văn hóa và trách nhiệm hơn vì một môi trường xanh - sạch - đẹp. Để phong trào hành động vì môi trường tiếp tục tạo sức lan tỏa sâu rộng, Tỉnh đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời, tổ chức nhiều đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải... gắn với “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.