Festival Huế 2023 với hơn 50 hoạt động chính, gần 100 hoạt động hưởng ứng diễn ra liên tục theo định hướng 4 mùa, với các chủ đề: “Xuân Cố đô,” “Kinh thành tỏa sáng,” “Huế vào thu,” “Mùa Đông xứ Huế”.
Những hoạt động này đã dần trở thành nét văn hóa đặc sắc của Huế, thu hút du khách đến thăm hàng năm.
Lễ hội Festival mùa Thu ở Huế
Thông tin từ Trung tâm Festival Huế, lễ hội mùa Thu với chủ đề “Huế vào thu” của Festival Huế 2023 diễn ra từ tháng 7 - 9 với nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn.
Lễ hội mùa Thu có nhiều chương trình, hoạt động với điểm nhấn là Lễ hội Áo dài gắn với Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế kết hợp các hoạt động vui Tết Trung thu như: Lễ hội đèn lồng, Ngày hội Lân và các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân…
Festival Huế 2023 với hơn 50 hoạt động chính, gần 100 hoạt động hưởng ứng diễn ra liên tục theo định hướng 4 mùa.
Các hoạt động hưởng ứng diễn ra trong tháng 7 như: Lễ Tế đàn Âm hồn, không gian gốm mỹ thuật Bát Tràng, triển lãm Châu bản triều Nguyễn, triển lãm sông núi Việt Nam trên Cửu Đỉnh, cuộc thi ảnh du lịch “Tận hưởng mùa hè”, triển lãm mỹ thuật mùa Thu, triển lãm “Ký hoạ di sản Cố đô Huế 2023” và các hoạt động sáng tác trải nghiệm, trưng bày trình diễn áo dài, giải Karatedo vô địch các câu lạc bộ toàn tỉnh.
Trong tháng 8 sẽ diễn ra hàng loạt hoạt động hưởng ứng, như: Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ 28, Liên hoan Đưa thông tin về cơ sở lần thứ 11, sự kiện nét đẹp văn hóa - con người huyện Nam Đông lần thứ 2, giải cầu lông tỉnh Thừa Thiên - Huế mở rộng tranh cúp Vũ Bảo và giải Taekwondo vô địch các lứa tuổi trẻ toàn tỉnh, tọa đàm 100 năm Mussé Khải Định, Lễ ra mắt Trung tâm giáo dục, trải nghiệm di sản.
Tháng 9 có các hoạt động hưởng ứng, gồm: Triển lãm “Nhật ký trong tù - Bảo vật quốc gia”, triển lãm Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, triển lãm “Nghề làm lồng đèn và Lân Huế”, Nghi thức dâng Dèng của người Tà Ôi, Giải xe đạp quốc tế VTV tranh Cúp Tôn Hoa Sen - đoàn đua đi qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, Giải Bóng đá vô địch các CLB toàn tỉnh, Giải Cầu lông, bóng bàn toàn tỉnh, Triển lãm thư pháp thơ Trung thu của các Hoàng đế triều Nguyễn.
Festival Huế 2023 với hơn 50 hoạt động chính và gần 100 hoạt động hưởng ứng diễn ra liên tục trong năm theo định hướng bốn mùa, với các chủ đề như: “Xuân Cố đô”, “Kinh thành tỏa sáng”, “Huế vào thu”, “Mùa Đông xứ Huế.”
Các hoạt động trên nằm trong Kế hoạch số 201/KH-UBND tổ chức các hoạt động Festival Huế 2023 (từ tháng 6 đến ngày 31/12) gắn với định hướng Festival Bốn mùa vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành.
Điểm đến của chuỗi lễ hội di sản văn hóa
Thừa Thiên - Huế luôn khẳng định giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế là nền tảng để phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, để Cố đô Huế phát triển nhanh, bền vững từ thế mạnh và đặc trưng riêng có.
Festival Huế qua các năm luôn là động lực để thực hiện mục tiêu quảng bá, phát triển du lịch địa phương.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: Trải qua 20 năm với 10 kỳ Festival Huế và 7 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, nay có thêm Festival Bốn mùa, đã khẳng định mô hình Festival được định hình, trở thành một Festival được chú ý trong hệ thống Festival trên thế giới. Các kỳ Festival tổ chức thành công đã góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Đồng thời, Huế cũng sở hữu nhiều danh hiệu như “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”...
Số liệu thống kê từ năm 1990 - 2019, du lịch liên tục tăng trưởng trên tất cả mọi chỉ tiêu. Số lượt khách đến Thừa Thiên - Huế từ 81.500 lượt (1990) đã đạt 4.817 triệu lượt (2019); doanh thu từ 154 tỷ đồng (1990) tăng lên 12.000 tỷ đồng (2019); đóng góp từ mức 7% trong GDP của tỉnh (1995) tăng lên trên 12% (2019) .
Lễ hội mùa Thu với chủ đề “Huế vào thu” của Festival Huế 2023 sẽ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9 với nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng khách ước đạt 1.280.000 lượt, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 509 nghìn lượt, gấp 49 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 2.942 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ.
Điểm đáng lưu ý là, 85% du lịch Huế là du lịch văn hóa di sản. Điều này cho thấy, di sản văn hóa Huế có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhờ vậy, Cố đô Huế đã bảo tồn khá nguyên vẹn những giá trị di sản văn hóa của tổ tiên, di sản văn hóa Cố đô Huế đã trở thành nền tảng, động lực, hành trang để tỉnh phát triển bền vững.
Nhiều năm liền, Thừa Thiên-Huế luôn được bình chọn là điểm đến an toàn, thân thiện. Trong tháng 3/2023, báo The Travel của Canada bình chọn Huế là một trong 10 thành phố đẹp nhất Việt Nam mà du khách cần đến khám phá và trải nghiệm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định, ngành du lịch tỉnh đã có nhiều tín hiệu phục hồi đáng mừng. Du khách không chỉ đến Cố đô Huế nhiều hơn mà còn thích thú, biết đến sự phong phú của các sản phẩm du lịch địa phương thông qua các hoạt động của Festival Huế 2023.
Các chương trình tổ chức đều nhận được sự đón nhận rất háo hức của công chúng, cộng đồng và du khách. Festival Huế qua các năm luôn là động lực để thực hiện mục tiêu quảng bá, phát triển du lịch địa phương, là “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng thương hiệu vùng đất văn hóa lễ hội của Thừa Thiên-Huế.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc nhận định, lượng khách đến Huế dịp lễ năm nay tăng cao nhờ hiệu ứng của Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế 2023 và các lễ hội hưởng ứng của một số địa phương. Ước tính, khoảng 250.000 lượt du khách và người địa phương đến tham quan, trải nghiệm các lễ hội của Festival Nghề truyền thống Huế 2023. Ngoài ra, ngành du lịch địa phương hiện có nhiều sản phẩm hấp dẫn, thu hút du khách như phố đi bộ, điểm check-in mới... nhất là tại khu vực Hoàng Cung và trung tâm thành phố Huế. Những kỳ nghỉ dài những năm gần đây, Huế đã đón lượng du khách trở lại ngày càng tăng. |
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.