Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 9 năm 2022 | 21:20

Gặp cô gái “Thạch Nhọn” trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” thuở nào

Trời miền Trung một ngày tháng 9, tiếng sóng biển ngoài kia vẫn vỗ rì rào đưa tôi tìm về Hà Tĩnh mong được một lần gặp lại cô gái “Thạch Nhọn” thuở nào. Cô gái ấy giờ đã 76 tuổi, là nguyên mẫu trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Ký ức cô gái “Thạch Nhọn”

Tìm đến nhà lúc trời gần trưa, ngôi nhà cấp 4 lợp mái ngói cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng khang trang, ra mở cửa cho chúng tôi là cụ bà 76 tuổi, với mái tóc điểm bạc và làn da đen sạm lốm đốm những vệt đồi mồi. Cô gái thanh niên xung phong (TNXP) “Thạch Nhọn” trắng trẻo, xinh tươi, đáo để, tinh nghịch trong những vần thơ của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết ngày nào giờ đây nặng vẻ ưu tư muộn phiền, một mình sớm tối lặng lẽ vào ra.

Tên đầy đủ của bà là Lê Thị Nhị (SN 1946), trú tại xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, là cựu TNXP, cũng là nguyên mẫu trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Ngoài kia từng đợt sóng vẫn vỗ mãi bài ca chung thủy, những con thuyền yên ả về bờ. Ngồi bên bà, lặng nghe bà kể chuyện, tôi bồi hồi như được sống lại cùng bà những tháng năm thanh xuân tươi đẹp. Bà sinh ra và lớn lên ở miền biển Thạch Kim, là con út trong gia đình có 5 chị em, khi bà 1 tuổi, cha đi vận tải ở Thanh Hóa bị địch bắn chết. Khi cơn đói tràn về khắp miền quê, ba anh chị trước của bà đều không qua được, chỉ có người chị đầu là thoát. Mẹ bà cũng từ đó ngày ngày quang gánh bám gò biển mưu sinh.

 

Cô TNXP “Thạch Nhọn” trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật thuở nào giờ ngày ngày đẩy chiếc xe đạp cũ kỹ đưa hàng ra gò bán mưu sinh.

 

Đến năm 1967, bà Nhị lúc đó là cô gái tuổi 21, chứng kiến đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, bà viết đơn tình nguyện vào TNXP, thuộc Đại đội 555, Tổng đội TNXP 55 có nhiệm vụ san đường, lấp hố bom ở tuyến đường 15A thuộc Phú Lộc, huyện Can Lộc.

Bà kể: “Ngày nhận được giấy gọi của đơn vị, bà phải dấu mẹ để đi vì sợ nhà neo người lại thân con gái mẹ không đồng ý”. Giờ đây, khi đã ở tuổi xế chiều, nhìn đi nhìn lại bà mới nhận ra, đó là những tháng năm khốc liệt, gian khổ nhất nhưng cũng chính là những tháng năm rực rỡ nhất của cuộc đời bà.

Tuyến đường 15A ngày đó bị giặc thả bom ác liệt, mảnh đất quê hương được ví như túi bom của cả nước. Để đảm bảo cho xe ta đi lại kịp tiếp tế lương thực, súng đạn cho tiền tuyến, nhiệm vụ hàng đầu mà tiểu đội bà phải đảm nhận là thông được đường và rà phá bom mìn chưa nổ do giặc thả xuống. Thân con gái dặm trường, nhiệm vụ được nhận vô cùng nguy hiểm, với cái chết luôn cận kề trong gang tấc. Chính những tháng năm gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào ấy, nữ TNXP Lê Thị Nhị đã vô tình bước vào những vần thơ của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Bà bồi hồi nhớ lại: Đó là vào một tối năm 1968, tiểu đội bà làm nhiệm vụ như bao ngày khác là san lấp đường để cho xe qua. “Trời tối, thấy được nhau là nhờ pháo sáng do máy bay giặc thả xuống. Lúc đó chúng tôi vừa lấp hố bom, vừa hát rồi có một chú bộ đội nhảy từ trên xe xuống hỏi chuyện làm quen. Hỏi quê chúng tui ở mô (đâu), ai nấy đều đã nói hết, chỉ còn mình tui, thấy lạ chú ấy hỏi đến tui thì tui nói: “Quê em ở Thạch... Nhọn!”. Chú bộ đội ấy ngơ ngác rồi thắc mắc: “Thạch Nhọn” là đâu? Lúc đó tất cả chị em đều cười ồ lên. Thạch Kim là Thạch Nhọn đó, có “rứa” (vậy) mà cũng không hiểu được – Bà chỉ nghĩ trong bụng thế thôi chứ không giải thích”.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi, thoáng qua giữa mịt mùng mưa bom bão đạn, giữa ánh đèn dù mờ ảo ấy không ai ngờ lại là “cơ duyên” để cô gái “Thạch Nhọn” sống mãi trong lòng bao thế hệ bạn đọc với những gam màu chân thực, tươi vui: “Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn/ Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón/ Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn/ Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để/Anh lặng người như trôi trong tiếng ru”.

Khi bài thơ “Gửi em, cô TNXP” của nhà thơ Phạm Tiến Duật được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam thì bà gặp rắc rối. “Lúc đó cũng giống như mọi ngày, tui đang làm nhiệm vụ ngoài đường thì có lệnh của Đại đội trưởng kêu về gấp, chưa hiểu chuyện gì thì vị  Đại đội trưởng nói: “O (tiếng địa phương, hay còn gọi là cô) nói chi mà để người ta đọc trên Đài nói lừa Thạch Nhọn với Thạch Kim rứa? May họ là nhà thơ chứ cán bộ thì o tội to lắm”. Lúc đó tui sợ lắm, ngồi im một lúc lâu mới giải thích được, còn năn nỉ xin Đại đội trưởng đừng đuổi tui về, có kỉ luật thì cũng cho tui ở lại chăn trâu, bò chứ đuổi về nhà thì mang tội với mẹ, với làng xóm”. Với tui, những ký ức năm nào vẫn như in, tôi vẫn nhớ hình ảnh nhà thơ Phạm Tiến Duật thuở ấy cao ráo, trắng trẻo, thư sinh và lãng mạn vô cùng.

“76 tuổi vẫn là con gái của mẹ”

Sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân nơi chiến trường, cô TNXP , thuộc Đại đội 555, Tổng đội TNXP 55 trở về với gò biển quê hương mang theo những thương tật suốt đời. Cô trở về nơi có người mẹ già ngày đêm mỏi mắt chờ trông con. Cùng mẹ sớm hôm nương tựa vào nhau để sống, lấy gánh rau, mớ tép làm kế mưu sinh cho đến hôm nay.

Sau 6 năm chiến trường trở về, nhìn mẹ ngày càng già yếu một thân một mình đơn côi, tôi không nỡ lòng cất bước đi lấy chồng, dù biết mẹ rất lo lắng. “Bà biết mẹ sốt ruột, lo con gái quá lứa lỡ thì nên mới giục lấy chồng nhưng số phận cứ như trêu ngươi. Cứ lận đận mãi đường tình duyên, người mình thương thì ngại chuyện “ở rể” không dám quyết, người thương mình thì mình lại không thương họ được. Còn lấy chồng mà phải xa mẹ thì tôi không đành lòng…”, bà nói mà giọng nghẹn đắng.

Để rồi cứ thế, khi mẹ mất, người con gái đã gần 76 tuổi vẫn là con gái của mẹ nhưng chưa một lần được mặc áo cưới, chưa một lần được làm vợ, làm mẹ. Giờ đây, khi tuổi già gõ cửa, một thân một mình lủi thủi không chồng, không con, tôi mới thấm nỗi quạnh hiu buồn tủi.

Bà Nhị cho biết thêm, ngôi nhà mà bà đang ở đây được làm vào năm 1999, lúc đó cả mẹ và bà đều đang ở trong căn nhà vách đất lụp xụp không nói hết cảnh khổ, mưa gió, giột nát gì cũng tới thân. Nhờ các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ mới có được. Nhưng theo thời gian, tới nay nhà cũng đã cũ kỹ lắm rồi, bà chỉ mong sao được Đảng, chính quyền quan tâm, tu sửa lại giúp bà, vì phía trên mái gỗ, mên cũng đã mục hết rồi. Ngày nắng thì không sao, nhưng ngày mưa bão một thân một mình làm bà luôn canh cánh nỗi lo.

“Em là cô TNXP”

Cuộc sống có rất nhiều điều bất ngờ, theo dòng hồi tưởng, bà Nhị lại nhớ về những năm tháng sau khi xuất ngũ. Lúc đó, cứ tưởng cái duyên với nhà thơ Phạm Tiến Duật chỉ dừng lại ở những vần thơ. Nhưng mãi về sau, bà mới biết, trên những cung đường hành quân của mình, nhà thơ Phạm Tiến Duật luôn lưu giữ hình ảnh cô gái “Thạch Nhọn” thuở nào. Cả khi đất nước đã hòa bình, mỗi lần có dịp về Hà Tĩnh, ông đều mong được gặp lại.

Bà kể: Năm 2000, nhà thơ Phạm Tiến Duật có gọi điện mời bà ra Hà Nội chơi nhưng lúc đó bà bận chăm nom mẹ già, lại ngại nên không đi được. Mãi đến năm 2005, khi nghe tin nhà thơ ốm nặng, bà mới ra thăm khi ông trên giường bệnh.

“Lúc đó, bà ra Hà Nội, đến bên giường bệnh thì anh Duật không còn nói được nữa. Bà ghé sát vào tai anh Duật rồi thì thầm: “Anh Duật ơi, em là Nhị, cô gái TNXP ở Thạch Kim…Thạch Nhọn, nghe tin anh ốm nên ra thăm đây”. Lúc đó, anh Duật mở mắt rồi đưa tay ra nắm lấy tay tui”. Giây phút ngắn ngủi đó khiến cho bà ứa nước mắt mỗi khi nghĩ về. Đó là lần cuối mà bà được gặp lại tác giả bài thơ “Gửi em, cô TNXP”. Sau khi về quê được 3-4 ngày, thì cũng là lúc bà nhận được tin nhà thơ Phạm Tiến Duật đã mãi mãi đi xa. Bà lại tất tưởi ra Hà Nội cùng anh em bạn bè thân hữu tiễn anh đoạn đường cuối.

Những vần thơ về cô gái xung phong ngày ấy vẫn vang đâu đây: “Sẽ ra về bao nhiêu cô gái/ Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ/ Để cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ/Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất…/Tên em đã thành tên chung anh gọi/Em là cô TNXP”.

Biển Thạch Kim hôm ấy vẫn nhẹ nhàng vỗ sóng, nhưng không còn những tia nắng vàng óng ả tinh nghịch rọi xuống. Mà thay vào đó là cái âm u của tiết trời đầu thu cũng đang rầu rĩ như chính nỗi buồn quạnh hiu của nàng thơ “Thạch Nhọn” khi đang ở dốc bên kia cuộc đời.

Hoàng Hằng

 

Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top