Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/7, tập trung xem xét, đánh giá tình hình phát triển KT-XH, QP-AN trong 6 tháng đầu năm 2023 và bàn nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm; đồng thời, quyết nghị một số chính sách quan trọng.
Sáng 13/7, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng chủ trì khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVIII.
Tại kỳ họp, ông Hoàng Trung Dũng nêu phản ánh của cử tri qua đường dây nóng mà theo ông cần tiếp thu, rút kinh nghiệm và xử lý ngay.
"Khi chương trình kỳ họp đang truyền hình trực tiếp, có một bình luận, phản ánh của cử tri là những năm gần đây, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 và Tết Nguyên đán, các đối tượng chính sách là thương binh, gia đình liệt sĩ được nhận quà tri ân qua đường bưu điện, không phải trao tận tay như trước đây", Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu tại kỳ họp.
Ông Hoàng Trung Dũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH cần kiểm tra, báo cáo sự việc nói trên cho Thường trực Tỉnh ủy. Tại kỳ họp, ông Dũng đề nghị Sở này và các địa phương chấn chỉnh ngay cách trao quà, tặng quà đối với người có công, gia đình chính sách.
Đồng thời, ông Dũng gửi lời cảm ơn tới cử tri đã phán ánh kịp thời và đề nghị, các địa phương khi nhận quà từ Trung ương, từ Bộ về, cán bộ cần xuống trao tận tay để thể hiện sự trân trọng, biết ơn công lao của các gia đình chính sách, người có công đối với quê hương, đất nước.
Báo cáo Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,02%; trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 4,19%, nông nghiệp tăng 2,81%, dịch vụ tăng 6,82%. So với cuối năm 2022, cơ cấu kinh tế có xu hướng chuyển dịch theo hướng giảm nhẹ tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, tăng tỷ trọng dịch vụ và nông nghiệp.
Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng nhưng còn gặp khó khăn; tăng trưởng còn thấp so với kế hoạch cả năm. Sản xuất vụ đông xuân được mùa toàn diện; diện tích, sản lượng các loại cây trồng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa bình quân đạt trên 58,96 tạ/ha (tăng hơn 3,09 tạ/ha so với vụ Xuân 2022), đạt mức cao nhất từ trước tới nay; sản lượng thu hoạch đạt trên 35 vạn tấn, tăng 1,6 vạn tấn so với cùng kỳ. Các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ tiếp tục được triển khai nhân rộng, hình thành một số cửa hàng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Đề án tỉnh đạt chuẩn NTM đến nay đạt được 2/10 tiêu chí, 4/10 tiêu chí đạt 60-80%, 4 tiêu chí đạt dưới 50%. Toàn tỉnh hiện có 177/181 xã đạt chuẩn NTM (đạt 98% kế hoạch theo Đề án), 50 xã đạt chuẩn nâng cao (55% KH), 7 xã đạt chuẩn kiểu mẫu (39% KH); 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (69% KH). Đến nay, 9 địa phương đánh giá, phân hạng OCOP đợt 1 năm 2023 với 37 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, nâng tổng số toàn tỉnh lên 221 sản phẩm.
Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 9.000 tỷ đồng, đạt 47% dự toán, bằng 82% cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt 4.700 tỷ đồng, đạt 59% dự toán, bằng 96% cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt 4.300 tỷ đồng, đạt 39% dự toán, bằng 71% cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 20.174 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch, tăng 31% so với cùng kỳ.
6 tháng cuối năm 2023, Hà Tĩnh phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023; tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung phục hồi sản xuất công nghiệp; duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch. Phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách; sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng để hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện quy hoạch tỉnh; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.
Thực hiện hiệu quả công tác quản lý xây dựng, giao thông, tài nguyên môi trường. Quan tâm các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, tư pháp; tập trung giải quyết tồn đọng, khiếu nại tố cáo. Bảo đảm QP-AN; tăng cường công tác đối ngoại...
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/7
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng xem xét các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh; các báo cáo của UBND tỉnh về kết quả các mặt công tác; xem xét, đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh; báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2023; báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh.
Xem xét và ban hành các nghị quyết chuyên đề, trong đó có một số nghị quyết quan trọng, như: quyết định/điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024. Chính sách hỗ trợ đối với người thuộc hộ nghèo; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; người mắc bệnh hiểm nghèo khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh…
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.