Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 10 năm 2022 | 14:5

Già hoá dân số ở Việt Nam: Không chỉ toàn áp lực

Dân số Việt Nam gần chạm mốc 100 triệu người và đang bước vào giai đoạn già hóa. Việc già hóa dân số tạo áp lực ngày càng mạnh đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Già hóa với tốc độ nhanh

Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Theo UNFPA, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này  tăng lên hơn 25%. Đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Khi người cao tuổi có việc làm, có thu nhập, gánh nặng về an sinh sẽ nhẹ bớt và hạn chế nhiều vấn đề xã hội phát sinh.

Tổng cục Thống kê dự báo, dân số Việt Nam từ 65 tuổi sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Đây sẽ là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2017. Năm 2026, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, kéo dài trong 28 năm (2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (2055-2069), tương ứng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 20% đến dưới 29,9%. 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dự báo: Xu hướng già hóa dân số nhanh là một trong những thách thức lớn.

Nhiều địa phương thậm chí đang có tốc độ già hóa dân số nhanh hơn bình quân cả nước. Ví dụ như chỉ số già hóa dân số của TP.HCM hiện  ở mức 49,4%, cao hơn cả nước xấp xỉ 1%. Đáng chú ý, so với các quốc gia đã từng trải qua tình trạng già hóa dân số, thì cả trình độ phát triển kinh tế lẫn thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam đều thấp hơn.

Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: Thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...

Cụ thể, việc già hóa dân số gây ra hậu quả cơ bản là thiếu lao động bổ sung cho tương lai. Một trong nhũng nguyên nhân dẫn đến già hóa dân số là do mức sinh ngày càng giảm dẫn đến số trẻ em ngày càng ít đi và kết quả là, trong tương lai, lực lượng lao động, những người làm ra của cải vật chất cho xã hội sẽ bị thiếu hụt.

Già hóa dân số dẫn đến nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Nhiều người cao tuổi có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi hưu nên xã hội cần trao cơ hội hoạt động kinh tế phù hợp cho người cao tuổi.

Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, trong khi Việt Nam có ít thời gian để thích nghi với một xã hội già hóa hơn so với các nền kinh tế phát triển.

Theo đó, dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội... trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội.

Cùng với đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, là nhóm rất dễ bị ảnh hướng bởi những rủi ro kinh tế, xã hội. Cơ cấu và mô hình bệnh tật của người cao tuổi nước ta hiện nay cũng đang thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng, vừa tăng chi phí chăm sóc y tế vừa tạo thêm áp lực quá tải cho các bệnh viện.

TS. Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết, đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giải pháp hiện nay vẫn là nguồn lực. 

Bởi hiện nay, Việt Nam đang thiếu bác sĩ chuyên khoa lão, điều dưỡng có kinh nghiệm; hệ thống viện dưỡng lão có chăm sóc y tế còn ít. Nguồn nhân lực chăm sóc người già chủ yếu dựa vào người nhà.

Điều này đồng nghĩa với việc sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi đang đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình, những thành viên được xem là trụ cột kinh tế chính của gia đình. 

Thích ứng với quá trình già hóa dân số

Viễn cảnh “chưa giàu đã già”, có nghĩa là Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức quan trọng nếu không làm bài bản thì sẽ kéo theo rất nhiều hậu quả kinh tế - xã hội. Do vậy, việc lồng ghép người cao tuổi, chính sách người cao tuổi vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết để bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng và phát huy vai trò của người cao tuổi vào sự phát triển của đất nước.

Để ứng phó với tình trạng này, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng đến các chính sách tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người cao tuổi. Từ thực tế cho thấy, không phải tất cả những người có tuổi đời cao đều gắn với suy giảm thể chất, tinh thần và năng lực, có nhiều trường hợp người cao tuổi, đặc biệt là trong độ tuổi từ 60 đến 75 tuổi, vẫn còn minh mẫn, có sức khỏe, năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội.

Vấn đề lưu tâm ở đây là cần bố trí thời gian, nguồn lực và môi trường làm việc phù hợp. Ngoài ra, người cao tuổi có khả năng đóng góp cho xã hội ở các mức độ và điều kiện khác nhau, do đó, các chính sách tạo việc làm, thu nhập cho người cao tuổi cần được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của họ, bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng. 

GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cho rằng, già hóa dân số là xu hướng chung của thế giới. Đó là quy luật không thể nào cưỡng được. Để giải bài toán này, GS Nguyễn Đình Cử khuyến nghị, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi...

Về kinh tế, phải nâng cao năng suất lao động để bù đắp cho người già. Về chăm sóc sức khỏe, phải giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh. Để thích ứng với già hóa dân số, người cao tuổi cần chủ động bảo đảm tài chính, đủ chi trả cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống của mình. Doanh nghiệp cần cung cấp hàng hóa và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi; tạo việc làm, sử dụng lao động cao tuổi; hỗ trợ nguồn lực đóng góp cho việc chăm sóc người cao tuổi.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh (Quỹ Dân số Liên Hợp quốc), cần nhìn nhận già hóa dân số ở khía cạnh tích cực. Bà Quỳnh cho rằng, già hóa dân số là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi, ví dụ như du lịch, dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão,... là loại hình có thể khai thác tốt tài nguyên du lịch to lớn của nước ta.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia dân số, để có thể kéo dài thời kỳ dân số vàng, cần duy trì mức sinh thay thế 1-2 con càng lâu càng tốt hoặc từ chỗ cấm sinh 3 con sang khuyến khích sinh con thứ 3 trở lên

Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra để khuyến khích các cặp vợ chồng vượt qua tâm lý ngại sinh con ở vùng có mức sinh thấp. Trước đó, Thủ tướng đã ra Quyết định 588 yêu cầu điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong 5 năm tới, sẽ điều chỉnh giảm 10% tổng tỉ suất sinh ở 33 tỉnh có tỉ suất sinh cao, tăng 10% ở 21 tỉnh có mức sinh thấp và duy trì mức sinh thay thế ở 9 tỉnh còn lại.

Là một trong những địa phương có tổng tỉ suất sinh thấp nhất cả nước, TP HCM đã và đang có những đề xuất, giải pháp nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.

Cụ thể, các giải pháp đề xuất được tập trung vào việc hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, hỗ trợ viện phí cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ 2, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn... Song song đó, hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con như: Hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế - giáo dục, miễn giảm học phí, thay đổi hình thức - thời gian trông trẻ mầm non - mẫu giáo, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản,…

Ngoài ra, để thích ứng với tình trạng già hóa dân số, Sở Y tế TP HCM đã tham mưu UBND thành phố có kế hoạch cho chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Đến nay, chương trình đã triển khai thực tại 118 phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận - huyện và TP. Thủ Đức.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top