Thời gian gần đây, giá xăng, dầu liên tiếp điều chỉnh tăng, hiện ở mức cao nhất 8 năm qua, điều này trực tiếp gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và người tiêu dùng, tác động mạnh vào sản xuất kinh doanh và đời sống.
Doanh nghiệp vận tải tiếp tục phải đối mặt với khó khăn do giá xăng phi mã.
“Ác mộng” của ngành vận tải
Những ngày qua, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng và đạt đỉnh mới. Nguyên nhân chính khiến giá dầu liên tục tăng được cho là xuất phát từ căng thẳng chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, mùa đông khắc nghiệt tại nước Mỹ càng khiến việc khai thác dầu của các công ty nước này không thể diễn ra thuận lợi làm cho giá năng lượng càng bị đẩy lên cao.
Từ đầu năm đến nay, đã có 4 lần điều chỉnh giá xăng, dầu. Đợt điều chỉnh ngày 21/2, giá xăng E5 RON92 tăng 960 đồng/lít so với giá hiện hành, giá bán 25.530 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 960 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, giá bán 26.280 đồng/lít, mức giá cao nhất 8 năm qua.
Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả ở mức 19.500 đồng/lít, tăng 750 đồng. Dầu diesel 20.800 đồng/lít, tăng 940 đồng/lít. Dầu madut 17.930 đồng/kg, tăng 280 đồng/kg.
Ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, nhận định, vận tải giao thông đường bộ và khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ là hai ngành sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất mỗi khi giá năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng tăng.
“Hiện nay, giá xăng dầu chiếm đến 45-50% doanh thu của doanh nghiệp vận tải. Việc giá xăng dầu lên ảnh hưởng trực tiếp đến ngành vận tải. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải đã khó khăn nay lại càng thêm khó. Việc giá xăng dầu tăng liên tục, khiến doanh nghiệp khó có thể cầm cự được nữa”, ông Bằng nói.
Cũng theo ông Bằng, đây là thời điểm khốc liệt nhất đối với doanh nghiệp vận tải. Bởi sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải khách mới được hoạt động trở lại, tuy nhiên, lượng khách vẫn ở mức thấp do e ngại dịch bệnh. Các nhà xe mới chỉ “nhoi” lên được sau đợt cao điểm vận tải hành khách trước trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022.
Còn ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học - đơn vị có nhiều đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình cho hay, doanh nghiệp đang “vò đầu bứt tai” tìm phương án kinh doanh khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt.
Xăng dầu chiếm 30 - 40% đơn giá vận chuyển nên việc nhiên liệu đầu vào tăng giá chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Hiện doanh nghiệp đang phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới. Tuy nhiên, việc này không dễ, bởi mỗi chuyến chỉ có vài khách.
“Hai năm nay, doanh nghiệp lao đao vì dịch Covid-19. Nay giá xăng dầu tăng cao kỷ lục không còn là nỗi lo nữa mà là ác mộng thật sự với ngành vận tải”, ông Học chia sẻ.
Cây xăng “găm hàng” chờ tăng giá nhằm trục lợi sẽ bị xử lý (hình minh họa)
Tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế
Theo các chuyên gia , xăng dầu là yếu tố đầu vào rất quan trọng cho tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, giá nhiên liệu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế, đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Không chỉ tác động mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, đánh bắt thủy sản, mà “sức nặng” giá xăng dầu tăng cao còn có tác động trực tiếp làm tăng giá thành từng sản phẩm, tăng giá hàng hóa trong tất cả các khâu lưu thông.
Theo bà Đinh Tuyết Nhung, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Nông Dược tỉnh Bắc Kạn, xăng tăng giá đã làm cho chi phí vận chuyển hàng hoá tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng.
“Khi xăng dầu tăng giá, tất cả doanh nghiệp đều phải chịu chung. Hiện doanh nghiệp có biện pháp kích cầu bằng việc khuyến khích khách hàng nhập hàng với số lượng lớn hơn, cùng với đó là tăng các chương trình khuyến mãi nếu các đơn hàng của các đối tác tăng số lượng hàng nhập trong 1 lần, điều này sẽ khiến giá cước vận chuyển giảm đi trên cùng 1 chuyến hàng”, bà Nhung chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Thị trường, Công ty Vận tải Long Hưng (Hà Nội) cho hay, giá xăng dầu tăng, các loại hàng hóa, nhất là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu (thực phẩm tươi sống, rau xanh…) tại các chợ dân sinh đến tay người tiêu dùng sẽ tăng giá vì phí vận chuyển bị đội lên.
Đối với mặt hàng VLXD, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên đã gửi thông báo đến các đại lý về việc điều chỉnh giá bán với thép cuộn xây dựng từ ngày 12/2. Cụ thể, giá bán thép cuộn Hòa Phát tăng thêm 300.000 đồng/tấn so với trước. Tương tự, Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam, Công ty Liên doanh Sản xuất thép Vinausteel, Công ty cổ phần Sản xuất Thép Việt Đức cũng thông báo điều chỉnh giá thép cuộn, thép cây các chủng loại tăng 300.000 đồng/tấn từ ngày 12/2.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao cũng gây áp lực đối với người dân. Anh Lê Mạnh Thắng, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chia sẻ: ”Trước đây, xe máy đổ 90 nghìn đồng là đầy bình xăng nhưng hiện tại tôi phải đổ đến gần 150 nghìn đồng mới đủ. Chưa kể, xăng tăng kéo theo giá các mặt hàng khác đều tăng, trong khi mức lương vẫn như cũ, do vậy, thời gian này, gia đình tôi phải thắt chặt chi tiêu”.
Giá dầu tăng khiến nhiều chủ tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu tính chuyện bỏ nghề. (Ảnh: Lưu Sơn)
Giảm thuế phí để bình ổn giá
Mặc dù các cơ quan chức năng đang nỗ lực bình ổn giá xăng dầu, thế nhưng, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương phía Nam, xuất hiệt tình trạng “găm hàng”.
Nhằm ngăn chặn các hành vi này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi vì theo dự báo, giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội chia sẻ, các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải tiết kiệm chi phí tối đa có thể. Đối với các xe khách chạy đường dài, bộ phận vận hành buộc phải tính toán tiết kiệm tối đa các chi phí phát sinh trong chuyến đi. Đối với những chuyến đi do lượng khách quá ít, không đủ chi phí cho chuyến đi nếu cần thiết doanh nghiệp có thể hủy bỏ chuyến đi, ghép chuyến để cắt lỗ.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, Hiệp hội Vận tải Việt Nam đã đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính, đặc biệt là Bộ Công Thương xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu, nhất là các loại thuế phí như thuế môi trường, để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu, giúp doanh nghiệp vận tải và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa sử dụng nhiều nguyên liệu xăng dầu ổn định sản xuất, vượt qua thời điểm khó khăn này.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tính toán xem xét việc tiếp tục thu thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong thời điểm này có phù hợp hay không? Bởi giá xăng dầu tăng cao khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Đồng quan điểm với ông Bằng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, công cụ để kiểm soát giá xăng, dầu mà nhà nước có thể tính đến là thuế, phí, như giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế bảo vệ môi trường ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần đánh giá được mức độ thay đổi của giá thế giới với khả năng cung ứng trong nước, từ đó dự báo mức độ tăng giá; Bộ Tài chính xem xét, đề xuất các chính sách về thuế, phí như thế nào cho hợp lý để trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền.
Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sản xuất - kinh doanh thì việc phải tốn chi phí cho các loại thuế, phí trong giá xăng dầu là chưa “hợp tình hợp lý”. Khi chưa trả xăng dầu về với thị trường, trong lúc giá xăng thế giới liên tục tăng cao và các công cụ bình ổn giá khác đã hết dư địa, giảm thuế là phương án cần thiết để “hạ nhiệt” giá xăng. Xăng dầu là nhiên liệu đầu vào thiết yếu của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tới giá của nhiều loại hàng hóa khác, nên việc điều hành thị trường xăng dầu ổn định sẽ là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.
“Mặt khác, do giá xăng dầu đang chịu gánh nặng rất lớn từ hàng loạt thuế, phí, lợi nhuận định mức... nên việc giảm thuế cần được xem xét ngay cả khi giá xăng dầu thế giới không tăng cao”, bà Lan đề xuất.
Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành công điện số 160/CĐ-TTg về việc đảm bảo cung ứng xăng, dầu cho thị trường trong nước. Tại mục 2 của công điện, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2/2022. |
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.