Ngày 27/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo về kinh tế báo chí đối với các tạp chí nằm trong hệ thống Liên Hiệp hội Việt Nam.
Tạp chí gặp khó khăn về kinh tế
Khai mạc hội thảo, ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp hội Việt Nam) cho biết, kinh tế báo chí là ngành khá đặc biệt, được thực hiện trên các hợp đồng quảng cáo, tuân thủ các quy luật của thị trường. Các cơ quan báo chí sẽ cung cấp các dịch vụ, các sản phẩm của mình đến khách hàng để duy trì hoạt động. Đây là nhu cầu, yêu cầu của các tạp chí.
Ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Hiện, thu nhập của báo chí, trong đó có các tạp chí của Liên Hiệp hội đang giảm dần, bị quản lý chặt, doanh thu giảm, lợi nhuận giảm. Sự cạnh tranh khốc liệt của các tạp chí với báo, báo in với điện tử, cạnh tranh giữa báo chí với các trang thông tin điện tử. Trong khi đó, tạp chí tự chủ về tài chính. Trước thách thức đó, chúng ta phải làm gì để vừa đảm bảo được tài chính, vừa đúng với quy định của pháp luật, vừa đúng tôn chỉ mục đích, vừa đáp ứng mục đích chính trị được giao. Làm thế nào hài hòa được các vấn đề này, ông Linh nhấn mạnh.
Cùng bàn về vấn đề khó khăn, bà Trần Thị Giang, Phó Tổng biên tập, kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay cho biết, các cơ quan báo chí tại các cơ quan hội trực thuộc LHHVN được giao tự chủ, tự hạch toán, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo, bán báo/tạp chí, phí đăng bài báo khoa học, liên kết tổ chức sự kiện. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chiến sự Nga - Ucraina, kinh tế toàn cầu đều khó khăn, thị phần quảng cáo rơi vào mạng xã hội phần lớn, hoạt động tổ chức sự kiện cũng giảm, do đó doanh thu giảm đến trên 70-80%.
Bà Trần Thị Giang, Phó Tổng biên tập, kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay trao đổi các khó khăn tại hội thảo.
Đến thời điểm này, ít tạp chí đảm bảo thu bù chi, hoặc chỉ đảm bảo được ở mức tối thiểu. Trên thực tế các đơn vị báo chí được khảo sát đều tự cân đối nguồn tài chính của đơn vị để chi lương mà không theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công.
Nhà báo Trần Trọng An, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia đình Mới cho biết, báo chí đang bị các nền tảng mạng xã hội cạnh tranh cả về thông tin, bạn đọc và cả quảng cáo - truyền thông. Chưa kể, do dịch Covid-19, kéo dài, doanh nghiệp cũng bị khủng hoảng, dẫn tới cắt giảm chi phí cho quảng cáo - truyền thông, nợ tiền quảng cáo kéo dài. Báo khó khăn. Tạp chí khó khăn. Tạp chí khoa học chuyên ngành càng khó khăn hơn. Một trong những điểm yếu của các tạp chí khoa học của Liên Hiệp hội Việt Nam là bị bó hẹp về tôn chỉ mục đích, trong phạm vi chuyên ngành của mình.
Triển khai nhiều giải pháp
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động và phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Nếu cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Do đó, kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận dần đến từ khóa “kinh tế báo chí số”.
Ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đưa ra 6 giải pháp cho kinh tế báo chí.
Phân tích từ lý thuyết kinh tế học báo chí, các sản phẩm báo chí truyền thông có tính “song trùng” - tức là được bán hai lần, một là bán cho công chúng, hai là bán cho nhà quảng cáo. Hay nói một cách khác, các cơ quan báo chí hoạt động trong môi trường “song sản phẩm”.
Ông Lợi gợi ý 6 giải pháp về kinh tế báo chí. Thứ nhất, nội dung là “Vua”, công nghệ là “Nữ hoàng”. Đây là yếu tố then chốt. Với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các “thế lực” truyền thông xã hội, một cơ quan báo chí có nội dung tốt, không có nền tảng công nghệ hiện đại khó có thể thu hút được quảng cáo. Do đó, nếu chúng ta chỉ loay hoay với thuật ngữ “nội dung là Vua”, thì nay cần phải thay đổi tư duy, coi trọng công nghệ làm báo hiện đại. Nội dung và công nghệ phải song trùng. Công nghệ là “Nữ hoàng”, hay “công chúng là số 1” đã và đang chi phối thị trường báo chí toàn cầu, trong đó Việt Nam không nằm ngoại lệ.
Toàn cảnh hội thảo.
Thứ hai, về vấn đề “xin và chạy” quảng cáo. Trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo không còn bị “nhốt” trong quan niệm “kiếm thêm”, mà là nguồn thu chính để báo chí tồn tại phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Do đó, hơn lúc nào hết các cơ quan báo chí truyền thông cần xây dựng bộ phận và đội ngũ những người làm truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp, tránh hiện tượng núp bóng nhà báo để “xin” quảng cáo.
Thứ ba, tái cấu trúc hoạt động kinh tế báo chí. Các cơ quan báo chí cần xây dựng một mạng lưới quảng cáo mới và tái cấu trúc hoạt động kinh tế báo chí, cụ thể diện tích quảng cáo trên báo chí điện tử cần phải được bán trực tiếp cho các nhà quảng cáo, tránh bị phụ thuộc vào các “thế lực” truyền thông xã hội để giảm thiểu rủi ro và không vi phạm pháp luật.
Thứ tư, xây dựng chiến lược “điện tử hóa” báo chí. Khi các tòa soạn tận dụng được lợi thế của Internet, tăng doanh thu nhờ sự đa dạng về thông tin trên môi trường Internet, từ đó có thể xây dựng hệ thống thanh toán paywall để tính tiền người sử dụng nội dung thông tin.
Thứ năm, đa dạng hóa các nguồn thu. Để tăng nguồn thu bên ngoài “mặt báo”, cơ quan báo chí cần tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động trách nhiệm xã hội đó, làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đây là 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai.
Thứ sáu, trong bối cảnh hiện nay, việc cơ quan báo chí xác định được độc giả trung thành, chính là “người” mang lại giá trị nguồn thu cho cơ quan báo chí chứ không phải là các nhóm công chúng thứ yếu khác. Do vậy, các cơ quan báo chí cần phải có chính sách, xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng hiệu quả, đặc biệt cần phân tích dữ liệu để thuyết phục người đọc trả phí trên báo chí điện tử. Đây cũng là nguồn để phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Đào Quang Bính, Tổng Thư kí Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Đào Quang Bính, Tổng Thư kí Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị. Theo ông, tất cả những tờ báo thành công trong việc thu phí độc giả đều phải phá vỡ mô hình tòa soạn truyền thống và tổ chức mô hình tòa soạn đa chức năng. Các bộ phận marketing, công nghệ và nội dung phải làm việc chặt chẽ và có tầm nhìn thống nhất về nhu cầu của subscribers. Facebook like, page views không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là thu hút bạn đọc và giữ chân bạn đọc.
Tập trung vào thế mạnh sáng tạo nội dung đặc trưng. Bất kỳ tòa soạn nào muốn chuyển sang mô hình doanh thu từ độc giả đều phải trả lời một cách tường minh câu hỏi: Vì sao bạn đọc phải trả tiền? Mỗi tác phẩm báo chí cần thể hiện được đặc trưng khác biệt của thương hiệu tờ báo và tuyệt đối chính xác. Bạn đọc vãng lai có thể tha thứ cho sai sót, còn subscribers thì không.
Bà Trần Thị Giang thì cho rằng, Liên Hiệp hội cần tăng cường vai trò kết nối với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, xuất bản, cần tham mưu, phản biện cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng các văn bản quy phạm triển khai phổ biến các văn bản pháp luật như: Luật Báo chí (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản; xây dựng các quy chế để hỗ trợ cho công tác quản lý vừa nhằm bảo vệ quyền lợi cho hệ thống các cơ quan báo chí trong hệ thống vừa giúp báo chí cả nước phát triển.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.