Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 6 năm 2023 | 15:58

Giải quyết ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy là vấn đề cần làm ngay

Trả lời ý kiến cử tri về giải quyết ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là vấn đề đại sự, vốn đầu tư rất lớn, thành phố sẽ cân đối nguồn lực…

Tại sao nhiều sông, hồ của Việt Nam ô nhiễm

Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 13 lưu vực sông lớn và quan trọng gồm: lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Bằng Giang-Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn-Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpôk, Đồng Nai, Mekong nhưng chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước sinh ra trên phần lãnh thổ Việt Nam. Lưu lượng nước trên các lưu vực sông có sự biến động theo mùa, theo vùng miền (khoảng 80% lượng nước tập trung mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau và giảm mạnh, thậm chí khô kiệt vào mùa hè).

Bên cạnh đó, phần lớn các đô thị ở Việt Nam tập trung dọc theo các sông lớn, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội của đô thị còn chưa đồng bộ, quá tải làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường. Sự phát triển dân số và quá trình đô thị hóa tại các đô thị trong thời gian qua đã và đang gây sức ép đến sử dụng tài nguyên nước và môi trường các lưu vực sông. Sự phát triển các ngành kinh tế làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước, tuy là động lực phát triển song cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông trong thời gian qua.

Ô nhiễm nguồn nước tại các con sông đang ở mức báo động

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, môi trường nước trên các lưu vực sông đang chịu tác động mạnh bởi diễn biến, xu thế của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại Đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung, mùa khô có xu hướng đến sớm và kéo dài hoặc mưa tập trung với cường suất lớn, dẫn tới hạn hán và lũ lụt, ngập mặn và sạt lở bờ biển ngày một gia tăng. Nam Bộ đang đối diện với tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn. Còn Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với vấn đề xâm nhập mặn, hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển cũng xảy ra tại hầu hết các địa phương trong vùng.

Theo đánh giá của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, chính quyền các cấp cũng như cộng đồng, xã hội đã có nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông. Nhưng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng do quá trình phát triển kinh tế-xã hội, áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm qua, đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước các lưu vực sông.

Tại Thủ đô, chảy qua qua nhiều quận nội thành Hà Nội, với chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa, H.Thanh Trì, Tô Lịch là một dòng sông quan trọng trong đời sống của người dân và mang đầy tính lịch sử. Tuy nhiên, mỗi ngày dòng sông này phải nhận trực tiếp hơn 160.000 mnước thải sinh hoạt của hàng triệu cư dân thành phố.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch là rất nghiêm trọng, hoàn toàn không thể sử dụng nước sông trong sinh hoạt, sản xuất, trồng trọt. Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp khác nhau để cải tạo dòng sông. Tuy vậy, hiện nay sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm trầm trọng.

Tương tự, hiện nay, nguồn nước mặt sông Nhuệ, sông Đáy cũng đang bị ô nhiễm bởi lượng lớn nước thải sinh hoạt, làng nghề, công nghiệp… chưa qua xử lý xả ra. Tình trạng này không chỉ gia tăng ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân sinh sống hai bên bờ sông.

Ngoài ra, nước sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm còn tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng… Nguyên nhân chính khiến hệ thống nước sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm là do hai bên lưu vực sông có 1.535 điểm xả nước thải chưa qua xử lý. Từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm, nước sông Nhuệ, sông Đáy cạn kiệt và không được bổ sung nguồn từ sông Hồng để tự làm sạch hoặc rửa trôi tạp chất khiến chất lượng nước suy giảm mạnh, ô nhiễm gia tăng.

Đã lên kế hoạch cải tạo các dòng sông 

Sáng 29/6, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội cùng các ĐBQH thuộc Đơn vị bầu cử số 6 của thành phố đã tiếp xúc cử tri huyện Thanh Oai, huyện Thanh Trì và quận Hà Đông, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri đã phản ánh về các vấn đề “nóng”, tồn tại kéo dài hoặc một số vấn đề mới phát sinh trên địa bàn  và đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.

Cử tri đặt câu hỏi tại hội nghị

Theo đó, ông Hoàng Bá Long (cử tri xã Xuân Dương, Thanh Oai) cho biết ông thấy ở các nước phát triển như Pháp, Hà Lan, và Ý có các dòng sông chảy trong TP rất đẹp, du lịch rất phát triển ở khu vực này. Tuy nhiên, huyện Thanh Oai có dòng sông Đáy và sông Nhuệ chảy qua nhưng hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề, không sử dụng nước sông để canh tác được, chứ chưa nói đến phát triển du lịch. Vì vậy ông đề nghị TP quan tâm, xử lý ô nhiễm môi trường, cung cấp nước để làm sống lại hai dòng sông trên.

Thay mặt lãnh đạo TP trả lời kiến nghị cử tri, ông Nguyễn Mạnh Quyền - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết về việc cung cấp nước sạch cho hai dòng sông Nhuệ và sông Đáy, Hà Nội đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 với việc đầu tư xây dựng trạm bơm Liên Mạc. Theo kế hoạch, việc trên sẽ được tập trung đầu tư xây dựng từ năm 2024.

"Đến nay, UBND TP đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chuẩn bị đầu tư, dự kiến trong kỳ họp HĐND cuối năm nay sẽ trình để phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm Liên Mạc" - ông nói. Ông cho biết thêm khi trạm bơm trên đưa vào hoạt động sẽ giải quyết được một phần bài toán ô nhiễm trước mắt. Về dài hạn, Hà Nội sẽ tính toán tách nước thải sinh hoạt, sản xuất ra khỏi nước mặt. "Đây là một quá trình rất dài và sẽ đầu tư rất nhiều kinh phí, chúng tôi đang thực hiện theo lộ trình" - ông Quyền thông tin.

Còn về phía mình, đồng chí Đinh Tiến Dũng Bí thư Thành ủy khẳng định, đây là vấn đề đại sự, mấu chốt là phải tách được nước thải và nước mặt; đầu tư hệ thống gom nước thải để xử lý không cho chảy vào các sông; đồng thời tiếp nước vào thau rửa. Tuy nhiên, vốn đầu tư để làm việc này rất lớn, thành phố sẽ cân đối để thực hiện.

Ngoài ra, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cũng cho biết, tới đây, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Nên coi nước thải cũng là tài nguyên

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nước là tài nguyên rất quý, trong khi mỗi ngày có hàng triệu m3 nước thải nên cần dùng công nghệ để sử dụng lại. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới coi nước thải cũng là tài nguyên, có thể xử lý để tái sử dụng, ở Việt Nam rất ít đơn vị tái sử dụng nước thải. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu, xem xét đưa việc này vào Luật tới đây, làm căn cứ cho phát triển lâu dài.

Ông Định phân tích, Việt Nam có tài nguyên nước phong phú nhưng phân bổ không đều giữa các vùng, địa hình và từng tháng trong năm. Mùa mưa quá nhiều nước nhưng mùa khô lại hạn hán. Dù nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng chủ yếu các con sông lớn bắt nguồn từ nước láng giềng Trung Quốc, Lào... Nguồn sinh thủy rừng đang ngày càng cạn kiệt.

"Nước là hàng hóa, là ngành kinh tế thu lãi lớn. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa nêu vấn đề này", ông Định nói và đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và xem xét vấn đề trên.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhận định, việc sử dụng nước thời gian qua ở nước ta còn lãng phí.

"Nếu tái chế được nước thải sẽ giảm ô nhiễm, góp phần phục hồi nhiều dòng sông. Hiện, nhiều dự án áp dụng công nghệ đã sử dụng nước tuần hoàn, hầu như không xả nước thải. Chúng ta cần có hệ thống như vậy", ông Khánh nêu và cho biết, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này được xây dựng trên quan điểm đây là loại tài sản quý giá cần bảo vệ, có điều tiết hợp lý, phân bố hiệu quả.

Nên coi nước thải cũng là tài nguyên


"Việt Nam không phải quốc gia thừa nước mà bị lệ thuộc về nguồn nước", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thông tin tại buổi thảo luận tổ tại kỳ họp QH vừa qua.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần đưa vấn đề quản lý nguồn nước trở thành công tác quản trị quốc gia, bởi nó tác động sâu rộng đến tất cả ngành nghề, nhất là nông nghiệp. Tài nguyên nước cần được nhìn nhận ở nhiều góc cạnh từ an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống.

Trên thế giới, nhiều quốc gia có tỷ lệ nước ngọt khan hiếm hơn Việt Nam nên từ sớm họ đã ứng dụng công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt hoặc tái sử dụng nước thải. Vị Bộ trưởng này dẫn chứ, một giọt nước tại Israel được sử dụng ba lần nhờ khả năng tái tạo nước thải, trong đó có nước thải sinh hoạt.

Do đó, ông Hoan đề nghị, dự Luật lần này cần nhấn mạnh đến các giải pháp khoa học công nghệ để bảo vệ tài nguyên nước bởi kỷ nguyên này là kỷ nguyên khô hạn và biến đổi khí hậu. Công nghệ xử lý nước thải, lọc nước biển phải được chú trọng để chủ động tạo nguồn nước ngọt cung cấp cho con người.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top