Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 10 năm 2022 | 15:9

Giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương: Cần giải pháp đồng bộ

Là một quốc gia có đường bờ biển dài 3.260 km, môi trường đại dương đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đối mặt với tốc độ đáng báo động về suy thoái môi trường và cạn kiệt nguồn nước.

Thách thức trong quản lý chất thải rắn

Hiện tại, Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam thiệt hại 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2035, cùng với đó là dự báo biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030. Tác động tiêu cực các hoạt động phát triển của con người đến môi trường, các hệ sinh thái trên lưu vực sông và ở vùng bờ biển ngày càng nhiều, đặc biệt khi dân số, nhu cầu tiêu thụ tài nguyên ngày càng gia tăng.

Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng đối với đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh nguồn tài nguyên nước, lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng còn rất nhiều tài nguyên khác như khoáng sản, rừng, nguồn lợi thủy sản, du lịch... làm cơ sở cho đẩy mạnh phát triển kinh tế, du lịch, tiềm năng phát triển thủy điện… Đây chính là những động lực cho tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và trở thành hình mẫu cho tương lai phát triển chuỗi đô thị miền Trung (đô thị hướng biển).

Theo bà Bùi Thị Thu Hiền, điều phối viên Chương trình Biển và Vùng bờ, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, trong quá trình khảo sát thực địa tại lưu vực và vùng bờ trên, nghiên cứu nhận thấy công tác quản lý chất thải rắn còn kém hiệu quả. Việc dễ dàng sử dụng nhựa dùng một lần cùng với mức độ nhận thức thấp của người dân là các lý do chính dẫn đến phát thải rác nhựa ra môi trường, vùng nước và từ đó ra môi trường đại dương. Các bên tái chế không chính thức (thu gom, mua, bán đồng nát) chỉ thu gom rác thải nhựa có giá trị cao, không có tác động đáng kể đối với giảm phát thải nhựa tại nguồn.

Rác thải nhựa tràn ngập bờ biển Đầm Nại (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN​

Hiện nay, các bãi rác thải tại các khu vực trên đều không còn nhiều diện tích để chứa rác, dẫn đến nguy cơ cao phát thải rác thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa ra môi trường, từ đó ra các vùng nước và môi trường biển. Ngoài ra, phân bổ tài chính cho các quận, huyện để tổ chức, quản lý rác thải đúng cách còn thiếu. Khu vực nông thôn và miền núi vẫn còn vấn nạn đổ rác trái phép ra đất trống, bờ sông, bờ biển. Đồng thời, tại các khu vực này, việc sử dụng túi, bao bì nhựa dùng một lần có xu hướng tăng cao do tiện lợi, giá thành thấp, dẫn đến gia tăng rác thải nhựa dễ đi vào môi trường và các đường thủy.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam chỉ ra rằng, ở khu vục này, các dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị chưa tích hợp việc phân loại nhựa, các vật liệu tái chế. Các cơ sở thu gom cũng không thu nhận vật liệu nhựa có giá trị thị trường thấp, không có giá trị. 

Hiện, lượng lớn rác thải rắn từ thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đang gây ảnh hưởng đến các cộng đồng ở hạ nguồn thuộc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là vào mùa mưa, mùa lũ. Cùng với đó, nhận thức của người dân về rác thải đổ ra biển và ô nhiễm nhựa còn thấp; các khung quy định và chính sách nhằm hạn chế, giảm thiểu sản xuất và sử dụng nhựa (đặc biệt là nhựa dùng một lần) chưa được thực thi.

Thạc sỹ Đặng Nguyễn Thục Anh, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, những năm gần đây, thực trạng các hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước chưa hoàn toàn phù hợp đang trở thành yếu tố làm suy giảm chức năng của lưu vực, là yếu tố có thể gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong tương lai. Đồng thời, việc phát triển thủy điện, mâu thuẫn trong phân bổ và sử dụng nguồn nước giữa thủy điện và các ngành liên quan chưa được giải quyết thỏa đáng.

Bên cạnh đó, sự thay đổi lớn về chế độ dòng chảy tự nhiên theo chiều hướng bất lợi, tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa, thiếu nước và xâm nhập mặn sâu hơn mùa khô. Cùng với đó, việc phần lớn lượng phù sa và bùn cát vận chuyển xuống hạ du và vùng bờ đã bị thay đổi, làm mất cân bằng động lực dòng sông, dòng hải văn ven bờ, là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng quá trình sạt lở bờ sông và xâm thực bờ biển. Ngoài ra, nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác vàng và cát, sỏi trái phép trên sông cũng là những tác nhân gây nên sự suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, gây biến đổi dòng chảy, xói lở bờ sông, ảnh hưởng lớn không chỉ cho nguồn nước mà còn đến hệ sinh thái tự nhiên…

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố Đà Nẵng sẽ thành lập Ban Điều phối chung để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng trong quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Cần giải pháp đồng bộ

Để triển khai quản lý rác thải đổ ra biển từ nguồn, theo bà Ruth Mathews, Quản lý cấp cao Viện nước Quốc tế Stockholm, vai trò trước mắt của chính phủ các quốc gia là tăng cường năng lực thể chế để cải thiện công tác quản lý các hệ sinh thái nước ngọt và nước ngầm, xem xét các mối liên kết hệ thống từ nguồn tới biển và mối liên kết với các lĩnh vực khác.

Thời gian tới, Việt Nam cần tìm hiểu rõ hơn về các hạn chế đối với phát triển bền vững tại địa phương; tăng cường nhận thức về mối liên hệ giữa các hoạt động thượng nguồn - hạ nguồn và tác động của các hoạt động này; xây dựng năng lực của địa phương để áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế; làm nổi bật các cơ hội, thách thức liên quan đến việc thực hiện phương pháp quản lý từ nguồn tới biển. 

Đề xuất giải pháp ngăn chặn rác thải ở biển, điển hình ở Hội An (Quảng Nam), Tiến sỹ Kiều Thị Kính, Đại Học Đà Nẵng cho rằng, trước hết cần kết nối các nguồn lực từ các dự án, cơ quan quản lý, các hội - đoàn thể; thực hiện Chiến lược về giảm rác nhựa; thực hiện đánh giá độc lập, giám sát định kỳ, đánh giá tính hiệu quả trong công tác giảm rác thải nhựa. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần áp dụng mô hình ký gửi đối với du khách khi đến Hội An (du khách tham gia tour cần đóng tiền bảo lãnh để được phát một số đồ dùng cá nhân thân thiện với môi trường, sau khi kết thúc tour sẽ trả lại). 

 Đoàn viên Thanh niên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Huyện đoàn Giao Thủy, Báo Nam Định, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy dọn rác làm sạch bãi biển tại xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Bên cạnh đó, Tiến sỹ Kiều Thị Kính cũng đề xuất cần áp dụng các mô hình thí điểm như: thu gom rác theo khối lượng; mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất; “Ngôi nhà xanh của em” trong trường học; xây dựng giải pháp chi phí thấp... Các chuyên gia về môi trường đều nhận định chất thải rắn sinh hoạt là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Do đó, việc đề xuất được các giải pháp đồng bộ từ mô hình quản lý, mô hình công nghệ xử lý chất thải nhằm kiểm soát, giải quyết được bài toán xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải là vấn đề hết sức cấp thiết.

Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I, 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình. Do vậy, để đạt được các mục tiêu trên, thời gian tới, các chuyên gia nhấn mạnh cần có hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, công nghệ và kết cấu hạ tầng mới, đặc biệt phải có tài chính bền vững và mức thu phí chất thải hợp lý.

Khắc tinh mới của ô nhiễm nhựa – nước bọt sâu sáp

Các nhà nghiên cứu cho biết hai loại enzyme được xác định trong nước bọt của sâu sáp được tìm thấy có thể phân hủy polyethylene nhanh chóng ở nhiệt độ phòng, loại nhựa được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Hai chất trong nước bọt của sâu sáp - ấu trùng bướm đêm ăn sáp do ong tạo ra để xây tổ ong - dễ dàng phá vỡ một loại nhựa thông thường, các nhà nghiên cứu cho biết đây là bước tiến tiềm năng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.

Theo đó, các nhà nghiên cứu cho biết hai loại enzyme được xác định trong nước bọt của sâu bướm được phát hiện có thể phân hủy nhanh chóng và ở nhiệt độ phòng làm phân hủy polyethylene, loại nhựa được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng môi trường kéo dài từ rãnh đại dương đến đỉnh núi.

Nghiên cứu dựa trên phát hiện năm 2017 của các nhà nghiên cứu rằng sâu sáp có khả năng phân hủy polyethylene, mặc dù tại thời điểm đó, người ta vẫn chưa rõ những con côn trùng nhỏ này đã làm điều đó như thế nào. Câu trả lời là các enzym - chất được tạo ra bởi các sinh vật sống để kích hoạt các phản ứng sinh hóa.

Để nhựa phân hủy, oxy phải thâm nhập vào polyme hoặc phân tử nhựa trong một bước ban đầu quan trọng được gọi là quá trình oxy hóa. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các enzym thực hiện bước này trong vòng vài giờ mà không cần xử lý trước như chườm nóng hoặc bức xạ.

Nước bọt của giun sáp có chứa các enzym giúp phân hủy polyetylen.

Nhà sinh học phân tử Federica Bertocchini thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), người dẫn đầu nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, cho biết điều này đang “thay đổi mô hình phân hủy sinh học nhựa”.

Nhựa được làm bằng polyme được thiết kế để khó bị phá vỡ và có chứa các chất phụ gia làm tăng độ bền, có nghĩa là nó có thể vẫn nguyên vẹn trong nhiều năm, nhiều thập kỷ hoặc nhiều thế kỷ.

Bertocchini cho biết: “Chính những đặc điểm khiến nhựa trở thành vật liệu độc đáo và hữu ích mà nó đang tạo ra một trong những vấn đề quan trọng nhất của thế kỷ này.

“Nhựa tồn tại lâu trong môi trường. Cuối cùng nó bị phân hủy thành các hạt nhỏ, do đó trở thành nguồn gốc của các hạt nhựa siêu nhỏ và nano. Các hạt nhựa này đã được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ Nam Cực đến mưa và nước máy, không chỉ gây ra các vấn đề môi trường rõ ràng mà còn là một vấn đề ngày càng tăng đối với sức khỏe con người, ”Bertocchini nói thêm.

Polyethylene, lần đầu tiên được tạo ra vào năm 1933, rẻ tiền, bền và không tương tác với thực phẩm, làm cho nó hữu ích cho bao bì thực phẩm và túi cửa hàng tạp hóa, trong số các ứng dụng khác.

 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top