Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 3 năm 2023 | 15:58

Giám sát và phòng chống cúm gia cầm lây sang người

Sau thông tin tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam có ca nhiễm cúm A/H5N1 tử vong, các chuyên gia khuyến cáo, các địa phương trong nước cần giám sát các ổ dịch cúm gia cầm và phòng, chống cúm lây từ gia cầm sang người.

Không tiêu thụ gia cầm không có nguồn gốc 

“Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp - PTNT và từ các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian gần đây, tại Campuchia, phát hiện ca tử vong trên người do virus cúm gia cầm A/H5N1. Điều này không chỉ gây lo ngại cho người chăn nuôi trong nước mà cho cả người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải bình tĩnh”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nói.

Theo ông Sơn, một mặt chúng ta phải đề cao cảnh giác, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phòng chống dịch bệnh; mặt khác, các cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông cần tuyên truyền cho người dân để không ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm và ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

“Các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch vẫn bảo đảm an toàn, người tiêu dùng có thể yên tâm tiêu thụ”, ông Sơn khẳng định.

Chăn nuôi gia cầm. (Nguồn TTXVN)

Chủ động ngăn chặn cúm gia cầm xâm nhập

Trong Công văn số 02/VIPA, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam yêu cầu yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị thành viên không vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm đang được bày bán tràn lan trên hè phố dưới danh nghĩa “giải cứu” của tư thương...

Trước đó, ngày 26/2/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Công điện khẩn do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến ký nêu rõ, nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp của địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt các tỉnh biên giới phía Nam...

 Chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam...

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng giao Cục Thú y và đơn vị liên quan thuộc Cục tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm

Tại Việt Nam, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển; đồng thời các lễ hội sau Tết nguyên đán vẫn tiếp tục được tổ chức, do đó, hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Vì vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Trước đó, cuối năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm cúm A(H5N1) trên người (tại tỉnh Phú Thọ) đầu tiên kể từ năm 2014 đến nay.

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn khẩn trương tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống;

Người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Các địa phương tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1);

Thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

Theo các chuyên gia, cúm gia cầm A (H5N1) là bệnh nguy hiểm, khởi phát trên gia cầm lây sang người qua đường tiếp xúc.

Người mắc cúm gia cầm khi chuyển sang viêm phổi, tỷ lệ tử vong lên tới 70%. Đây là mối đe dọa không kém Covid-19, cần sớm ngăn chặn nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng.

Cúm A (H5N1) lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.

Bệnh có triệu chứng ban đầu giống với cúm mùa như sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng...

Tuy nhiên, cúm gia cầm có diễn tiến nhanh và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh cho người.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, virus cúm A/H5N1 thường tồn tại ở gia cầm hoặc chim hoang dã. Virus này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong lớn.

Do đó, bên cạnh các biện pháp đang được các cơ quan chức năng thực hiện ráo riết thì các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa.

Theo đó, người chăn nuôi tiếp xúc với gia cầm cần nâng cao tinh thần tự giác, phát hiện những bất thường trong nơi chăn thả của mình để ngăn chặn kịp thời.

Ngoài ra, người dân cũng cần lựa chọn gia cầm có nguồn gốc, được đảm bảo kiểm dịch và chỉ sử dụng các loại thực phẩm này khi được nấu chín.

 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
  • Phát động cuộc thi ảnh “Về miền di tích, danh thắng xứ Nghệ”

    Phát động cuộc thi ảnh “Về miền di tích, danh thắng xứ Nghệ”

    Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức lễ phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật “Về miền di tích, danh thắng xứ Nghệ” với chủ đề “Nghệ An - miền di sản” và trại sáng tác mỹ thuật với chủ đề “Xây dựng con người, văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, xây dựng nông thôn mới”.

  • Việt Nam – điển hình của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới

    Việt Nam – điển hình của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới

    Ngày 24/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, tại Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

  • Khai mạc Lễ hội Vịnh Ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024

    Khai mạc Lễ hội Vịnh Ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024

    Tối 13/7, tại thành phố biển Nha Trang, UBND Khánh Hòa lần đầu tiên khai mạc cuộc thi trình diễn ánh sáng độc đáo bằng hàng ngàn thiết bị bay không người lái mang tên Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024 với chủ đề “Ngân hà rực rỡ”.

Top