Hiện nay, cả nước có khoảng 87.000 tàu cá đang hoạt động trên biển, do đó, công tác phòng, chống cháy, nổ trên tàu là vấn đề đáng quan tâm. Lực lượng Cảnh sát biển (CSB) đã thường xuyên quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân.
Thận trọng khi trao đổi chất đốt, nhiên liệu
Chỉ trong hai quý đầu năm 2023, lực lượng CSB đã tuyên truyền trực tiếp tới gần 6.000 tàu/19.000 lượt ngư dân về công tác PCCC trên tàu, kết hợp với tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định...; trực tiếp hướng dẫn các gia đình, chủ tàu trang bị phương tiện chữa cháy và tập huấn sử dụng các phương tiện chữa cháy để chủ động trước mọi tình huống có thể xảy ra; nhắc nhở, hướng dẫn thuyền viên chú ý đề phòng nguồn lửa, điện trên tàu hoặc quá trình mua bán, trao đổi chất đốt, nhiên liệu với các tàu khác để không phát sinh cháy, nổ. Những nội dung tuyên truyền, phổ biến quy định về phòng, chống cháy, nổ đã giúp chủ tàu, thuyền và ngư dân hiểu rõ sự cần thiết của việc PCCC, trang bị đầy đủ các thiết bị bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.
Tàu CSB 4036 và tàu SAR 411 tham gia chữa cháy tàu cá bị nạn. Ảnh: ĐỨC TĨNH
Thuyền trưởng Trần Văn Khôi, chủ tàu cá CM 90473 TS ở xã Tam Giang Đông (Năm Căn, Cà Mau) chia sẻ: "Những người hành nghề lênh đênh sóng nước như chúng tôi được thấy tàu CSB là rất yên tâm. Các anh không chỉ cảnh báo, nhắc nhở không vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản mà còn tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC, cách xử lý các tình huống cháy trước khi được cứu hộ. Chúng tôi đã trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy trên tàu và luôn nhắc nhở các thuyền viên đề phòng cháy, nổ".
Được biết, lực lượng CSB thường xuyên chú trọng hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC cho cán bộ, chiến sĩ; tổ chức tập huấn, huấn luyện về công tác PCCC với những tình huống giả định và áp dụng kỹ thuật chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trên biển nhằm nâng cao bản lĩnh, chuyên môn nghiệp vụ, chỉ huy điều hành thống nhất trong cứu hộ độc lập hoặc phối hợp các lực lượng tham gia chữa cháy nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra với tàu của đơn vị và ngư dân; sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống cháy, nổ trên biển. Thời gian qua, lực lượng CSB đã tham gia chữa cháy 26 vụ trên biển, đặc biệt là tham gia chữa cháy tàu hàng Vancouver có tải trọng 115.000 tấn, chở 9.600 container.
Đại tá Đào Bá Việt, Phó tham mưu trưởng CSB Việt Nam khẳng định, thời gian tới, lực lượng CSB tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện quy định PCCC của các cơ quan, đơn vị cũng như tuyên truyền về phòng, chống cháy, nổ cho các phương tiện trên biển. Để bảo đảm an ninh, an toàn tàu cá, CSB hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng quản lý nghiêm ngặt tàu, thuyền trước khi xuất bến, tăng cường kiểm tra đăng ký, đăng kiểm, PCCC. Tàu cá rời cảng phải có đầy đủ trang thiết bị bảo đảm an toàn, đặc biệt là trang thiết bị PCCC...
Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp
Tại phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhìn nhận, tình hình cháy nổ được bàn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước tới nay vẫn diễn biến phức tạp. Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội vừa qua cho thấy công tác phòng cháy "rất sơ hở".
"Thường cứ mỗi vụ cháy xảy ra ở khu vực nào thì sau đó chúng ta rà soát lĩnh vực đấy. Ví dụ, cháy karaoke sau đó có hàng loạt chỉ thị về rà soát các tụ điểm karaoke. Bây giờ cháy chung cư mini chúng ta lại rà soát chung cư mini. Chúng tôi cho rằng, công tác phòng cháy chúng ta thực hiện chưa tốt. Không chỉ chung cư mini mà đối với chung cư cao tầng khi xảy ra cháy hậu quả cũng sẽ khôn lường, không dễ mà thoát được", bà Nga nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, vào năm 2018, Quốc hội có cuộc giám sát rất lớn về phòng cháy, chữa cháy và đã ban hành Nghị quyết 99 về công tác phòng cháy, chữa cháy. "Chúng tôi đề nghị Ủy ban Quốc phòng - An ninh giúp Quốc hội kiểm tra lại Nghị quyết về phòng cháy, chữa cháy, đề xuất Chính phủ tăng thực hiện các giải pháp mà Quốc hội đề ra trong nghị quyết", bà Nga kiến nghị.
Công tác phòng cháy, chữa cháy cũng là một điểm mà Ủy ban Kinh tế Quốc hội lưu ý khi thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2023 của Chính phủ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trong năm 2023, trật tự, an toàn xã hội, tình hình tội phạm có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác phòng, chống cháy nổ gặp nhiều thách thức, nhiều vụ cháy xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Ông Thanh cũng cho hay, tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường của nhiều tỉnh, thành trên cả nước vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy diễn ra phổ biến. Riêng Hà Nội hiện có 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động hơn 1.100 cơ sở không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Trước đó, báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội về công tác phòng cháy, chữa cháy năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, từ 1.10.2022 - 30.9.2023, toàn quốc xảy ra hơn 1.938 vụ cháy, làm chết 144 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 315 tỉ đồng và 306 ha rừng.
Trong đó, đã xảy ra 93 vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng (chiếm 4,8% số vụ cháy toàn quốc), làm chết 144 người, bị thương 67 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 280 tỉ đồng.
Các vụ cháy, xảy ra chủ yếu trong khu dân cư, nhất là loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Điển hình là vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 12.9, khiến 56 người tử vong.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong kỳ báo cáo năm 2023, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy tăng 190 vụ, tăng 33 người chết và 34 người bị thương.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý với hoạt động xây dựng; tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao.
Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ, nhà trọ (thường gọi là chung cư mini) với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất, kinh doanh...
Sau vụ cháy chung cư mini, nhà trọ cao tầng tại Hà Nội ồ ạt trang bị hệ thống PCCC
Vụ cháy chung cư mini Khương Hạ (Khương Đình, quận Thanh Xuân) xảy ra trong đêm ngày 12/9 gây hậu quả kinh hoàng cả về người và tài sản. Sau khi vụ việc xảy ra, người dân đã nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy, kết hợp với công tác kiểm tra nghiêm ngặt của lực lượng chức năng, nhiều chủ phòng trọ, chung cư mini cao tầng gấp rút hoàn thành phương án phòng cháy chữa cháy.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.