Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2022 | 14:32

HTX Lan Rừng, điểm nhấn để nghề thổ cẩm vươn xa

Giữa cái se lạnh của núi rừng Sapa (Lào Cai), chúng tôi ngồi nhấp ngụm trà trong lòng bộ sô pha thổ cẩm, chìm đắm bởi sắc màu sặc sỡ của muôn vàn hoa văn chàm, lam, hồng, tía...

Dưới ánh sáng lung linh của giàn đèn lồng, nhiều nghệ nhân các dân tộc đang tỷ mẩn uốn hình, bọc vải, nắn nót đường kim mũi chỉ tạo ra những chiếc đèn lồng xinh xắn vừa hiện đại vừa truyền thống. Sự sáng tạo ra đa dạng sản phẩm như khẳng định rằng nghề thổ cẩm đang vươn dậy sức sống mãnh liệt.

Giữ lửa cho nghề

Làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa vốn là nơi trải nghiệm gắn kết của nghề se lanh, dệt vải, may vá, thêu thùa chứa đựng những giá trị văn hóa của nhiều sản phẩm thổ cẩm truyền thống bà con các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó... sinh sống dọc theo dãy núi Hoàng Liên. Những ngày đầu cách đây hơn 15 năm, HTX thổ cẩm Lan Rừng được chị Cung Thanh Mai, người yêu thổ cẩm thành lập với vài chục thành viên.

Câu chuyện về nghề chính là câu chuyện đời sống của bà con đồng bào, chị Mai bảo: “Người Mông là dân tộc đông nhất sinh sống tại Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, chiếm khoảng 53% dân số. Bản làng người Mông thường ở rất cao, lưng chừng núi, có khi cheo leo trên đỉnh núi. Trang phục và sản phẩm làm từ thổ cẩm của họ cũng tỉ mỉ, sinh động, đẹp mắt như nét văn hóa đặc sắc của dân tộc này. Đi chợ phiên, lễ hội, múa khèn, múa ô hay trong lao động hàng ngày, bà con mặc trang phục với phụ kiện phù hợp. Và đặc biệt, việc tạo ra vải và may vá thêu thùa là đặc quyền của người phụ nữ. Bé gái người Mông từ nhỏ đã được học cách làm từ bà, mẹ, chị của chúng. Sản phẩm mà một cô gái tạo ra cũng chính là thước đo về sự siêng năng, chịu khó, thông minh, khéo léo, trưởng thành...”.

Làng thổ cẩm Lan Rừng như một không gian sáng tạo để bà con giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.

Ở Sapa, trang phục của các dân tộc đều có họa tiết nổi bật trên tông màu xanh đen nhuộm từ cây chàm. Bà Chảo Thị Mẩy ở bản Tả Phìn kể, kỹ thuật làm ra sợi lanh đã có từ lâu lắm. Phụ nữ trong bản thu hoạch cây lanh về nhà phơi nắng  3 - 4 ngày và phơi sương ít nhất 2 đêm. Sau đó, vỏ cây lanh được tước ra thành từng sợi nhỏ, mang đi giã cho mềm ra rồi nối lại với nhau một cách rất tỉ mỉ. Công đoạn nối các sợi lanh là bước khá quan trọng để tạo ra miếng vải bền chắc và không bị lộ các mối nối. Vào những ngày không phải đi làm nương, phụ nữ ở các bản làng tranh thủ se lanh, guồng sợi và các công đoạn ủ, hấp…để có được màu trắng và độ dai, mềm cần thiết rồi đưa lên khung dệt để dệt sợi lanh thành các tấm vải thô dài rộng chừng 40-50cm.

Khó nhất là vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh. Phải thật khéo léo, lành nghề để sử dụng những công cụ vẽ đặc biệt và sáp ong nóng chảy tạo nên những họa tiết đặc sắc. Sáp ong là nguyên liệu đặc biệt, sau khi vẽ lên thì màu chàm sẽ không ngấm vào vải nên vẫn giữ được màu trắng ban đầu của vải lanh. Và sau khi vải được vẽ hoa bằng sáp ong, được mang đi nhuộm chàm và luộc lại bằng nước nóng, lúc này sáp ong sẽ bong ra và để lộ ra những họa tiết đẹp mắt, sinh động và cũng ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa tinh thần trên đó. Cuối cùng là dùng chỉ màu thêu lên các họa tiết đã được vẽ sẵn, hoặc thỏa sức sáng tạo theo trí tưởng tượng phong phú của mình.

Qua nhiều công đoạn làm thủ công nên để ra được tấm vải hay trang phục chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, mất rất nhiều thời gian, công sức. Đã có lúc, thổ cẩm truyền thống suýt bị thay thế bởi hàng công nghiệp du nhập từ Trung Quốc sang. HTX thổ cẩm Lan Rừng đã kiên trì gìn giữ và bảo tồn nghề làm thổ cẩm.

HTX hiện có hơn 100 thành viên tham gia; chủ yếu ở các bản Tả Van, Tả Phìn, Trung Chải, Lao Chải, Cát Cát. Các sản phẩm của HTX đều làm thủ công rất tinh xảo, được thêu tay và dệt bằng khung cửi. Mẫu mã hoa văn được lấy nguyên mẫu từ kho tàng hoa văn của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Xa Phó… Sản phẩm của HTX không chỉ dựa trên cơ sở kinh nghiệm thêu dệt truyền thống của các dân tộc mà còn được tìm tòi, bảo tồn và cải tiến hoa văn, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Nhờ đó, các loại sản phẩm thổ cẩm của HTX dần từng bước tiếp cận thị trường và được ghi nhận trên toàn quốc. Được vinh danh trong Top 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ ở Việt Nam.

Sống động nét văn hóa cổ truyền

Với những nét đặc sắc trong từng nếp nhà, làng bản, trang phục, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, Sapa trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch trong nước và quốc tế, thì trải nghiệm ở Làng thổ cẩm Lan Rừng để lại những ấn tượng khó quên.

Làng là khu tổ hợp, nơi các nghệ nhân từ các bản làng xa xôi đến làm nghề, giao lưu học hỏi, là khu trưng bày các sản phẩm thổ cẩm đa dạng và phong phú  được cải tiến mẫu mã từ những chất liệu thổ cẩm thô sơ trở thành những mặt hàng vô cùng đặc sắc từ trang phục truyền thống các dân tộc, túi, khăn, gối, tranh…đến vật dụng trang trí nội thất cho nhà hàng, khách sạn. Khách tham quan vừa nghỉ dưỡng, vừa có thể tận mắt xem bà con dệt thổ cẩm hay cùng tham gia vào các công đoạn làm ra sản phẩm.

Thành viên của HTX đều là những nghệ nhân giàu kinh nghiệm, thuộc nhiều dân tộc khác nhau như Mông, Dao, Giáy, Tày, Xa Phó…. Dựa trên những kiểu hoa văn truyền thống trang phục của đồng bào nhưng Lan Rừng sáng tạo, cải tiến và cách điệu để làm ra những sản phẩm độc đáo, bắt mắt và có tính ứng dụng cao. Nghề dệt thổ cẩm ngày nào chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở thành món quà độc đáo, vật dụng hàng ngày với những hình ảnh chim muông, hoa lá gắn liền với khung cảnh núi rừng mang đậm bản sắc văn hóa vùng Tây Bắc.

Sản phẩm thổ cẩm của HTX Lan Rừng được sản xuất bằng nguyên liệu, công đoạn truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa.

Chị Mai chia sẻ: “Từ tay nghề của bà con, bên cạnh những sản phẩm như trang phục, túi đeo, khăn, mũ, ví..., HTX còn có dòng sản phẩm nội thất: đệm, tranh treo tường, gối tựa, ghế cà phê, bọc sofa, tấm trải gường… với những hoạ tiết được cải biên sao cho các hoạ tiết trên vải gần gũi, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được nét hoa văn truyền thống. Những sản phẩm này không chỉ là món quà lưu niệm mà đang ngày càng được người dân khắp nơi ưa chuộng, trở thành một phong cách bài trí nội thất vừa ấm cúng, vừa bí ẩn. Đến nay, HTX có 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 3 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế) và 2 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao)”.

Chỉ tay về những chiếc đèn lồng sáng rực cả một triền núi, sặc sỡ sắc màu, chị Mai “bật mí” đây là sản phẩm mới của Lan Rừng nhưng đã trở thành điểm nhấn của nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Với các kiểu dáng khung gỗ hoặc sắt: tròn, trụ, vuông, lục giác... bọc thổ cẩm, các họa tiết nhiều màu sắc sẽ rực rỡ dưới ánh sáng của đèn led bên trong, vừa ấm cúng, vừa vui mắt, được dùng để tạo cảnh quan, thắp sáng hiên nhà, đường làng, ngõ xóm rất ấn tượng. Đây cũng là sản phẩm OCOP tiềm năng mà Lan Rừng sẽ phát triển trong thời gian tới, góp phần đa dạng thêm dòng sản phẩm mang hơi thở cuộc sống để đưa nghề dệt thổ cẩm vươn xa hơn.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top