Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch tại “Hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2023”, do tỉnh Phú Thọ tổ chức (từ 23 – 30/4) tại Khu DTLS Đền Hùng – TP Việt Trì.
Trưng bày, giới thiệu và quảng bá đến đông đảo du khách
Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp du lịch thông qua các ấn phẩm, tài liệu, tranh ảnh; tư vấn trực tiếp giới thiệu sản phẩm du lịch đến các đối tác, khách đến tham quan tại Hội chợ như: tour du lịch, dịch vụ lưu trú, điểm đến.
Gian trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm du lịch của Hà Giang tại hội chợ.
Bên cạnh đó, tại không gian trưng bày lần này, tỉnh Hà Giang cũng giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương, các sản phẩm thủ công truyền thống (thổ cẩm dệt lanh, nhạc cụ dân tộc…); các sản phẩm đặc trưng đạt chuẩn OCOP của tỉnh như: chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, dược liệu quý…
Việc tổ chức gian hàng giới thiệu các sản phẩm du lịch của Hà Giang tại hội chợ đã góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch Hà Giang đến với du khách trong và ngoài nước. Tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả trong hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp du lịch trong cả nước. Tạo sức hút hấp dẫn với du khách tham dự tại chương trình.
Du lịch phục hồi, chuyển mình mạnh mẽ
Từ năm 2022, tỉnh Hà Giang ghi dấu sự hồi phục, khởi sắc mạnh mẽ của ngành Du lịch. Chỉ trong 09 tháng đầu năm sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đến với tỉnh đạt 2,3 triệu lượt; riêng quý I năm 2023 đón trên 700.000 lượt khách, góp phần tạo sinh kế cho đồng bào vươn lên thoát nghèo và tiến tới làm giàu từ đá.
Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Hà Giang được kênh truyền thông quốc tế CNN bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; Tạp chí New York Time bình chọn xếp thứ 25 trong danh sách 52 điểm đến tuyệt vời cho du khách toàn cầu khám phá trong năm 2023; Hà Giang vừa vinh dự được đề cử tại hạng mục: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á do Giải thưởng Du lịch Thế giới WTA bình chọn; Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua kỳ tái đánh giá lần thứ III.
Đoàn nghệ nhân hát Then xã Phương Độ, thành phố Hà Giang trong trang phục truyền thống dân tộc Tày.
Hà Giang là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo, La Chí... Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục riêng, độc đáo. Trong đó người Mông chiếm gần 34% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Mông đã sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam, một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mông đó là cây Khèn. Năm 2015, Nghệ thuật khèn của người Mông tỉnh Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhằm tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ liên kết phát triển du lịch, góp phần quảng bá, nâng cao sức cạnh tranh, thương hiệu du lịch của các địa phương cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam, vừa qua, tỉnh Hà Giang phối hợp với các tỉnh thành, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, ẩm thực trong nước và quốc tế tổ chức sự kiện Festival Khèn Mông và Lễ hội ẩm thực văn hóa ba miền Bắc - Trung - Nam tỉnh Hà Giang năm 2023. Sự kiện Festival Khèn Mông và Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam là nhịp cầu nối giữa du khách trong nước và quốc tế với văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang.
Các cô gái dân tộc Dao biểu diễn văn nghệ tại Sự kiện Festival Khèn Mông và Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam.
Hà Giang còn nổi tiếng với những địa danh như Núi đôi Quản Bạ, di tích nhà Vương, phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản, chợ phiên Mèo Vạc, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, đỉnh Tây Côn Lĩnh…Vào mùa Xuân, sắc hồng của hoa đào, màu trắng của hoa lê, hoa mận hoà quyện với mây trời, núi đá đã mang lại những nét đặc sắc riêng chỉ có ở vùng cao Hà Giang.
Bình yên trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang triển khai một loạt các nội dung, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức; tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện các giải pháp nhằm thu hút khách du lịch như giảm giá vé tham quan; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong ngành du lịch hưởng chế độ ưu đãi vay vốn ngân hàng, miễn giảm thuế, phí; đồng thời quan tâm triển khai tạo cảnh quan, chấn chỉnh công tác vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch trong toàn tỉnh nhằm tạo ấn tượng với du khách. Lượng khách đến Hà Giang từ các nước như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản tăng mạnh trong những tháng gần đây cho thấy lựa chọn phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn, tạo "cú huých" không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Hàng hoá được bày bán tại Chợ phiên Đồng Văn.
Có thể khẳng định, với những gì Hà Giang đã và đang triển khai để phát triển ngành Du lịch, với những nỗ lực không ngừng từ phía các nhà quản lý, các đơn vị doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, cơ quan chuyên môn cùng sự phối hợp tích cực từ các ngành, các cấp, tại mỗi địa phương trong tỉnh đều đã và đang thể hiện sự quyết tâm, phấn đấu đưa du lịch Hà Giang phát triển mạnh mẽ, hoàn thành được chỉ tiêu đề ra đón 3 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh; góp phần quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.