Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 7 năm 2024 | 16:5

Hà Nam khai mạc Kỳ họp HĐND thứ 18

Sáng nay (16/7), HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 18 (Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024).

Chủ toạ kỳ họp.

Kỳ họp thứ thứ 18 HĐND tỉnh Hà Nam sẽ diễn ra trong 2 ngày (16-17/7). Trong chương trình, HĐND tỉnh xem xét, đánh giá Báo cáo của UBND tỉnh và các ngành trên các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng thời, HĐND tỉnh cũng sẽ tiến hành thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường; thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua hoạt động trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp.

Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức theo hướng giảm số lượng, thời gian trình bày các báo cáo; dành nhiều thời gian hơn để thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn… Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh dự kiến sẽ xem xét, thông qua 26 dự thảo nghị quyết.

Bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam cho biết, Kỳ họp này có tầm quan trọng đối với việc đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, đề ra các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024 đã đề ra; cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo thẩm quyền và thực hiện hoạt động giám sát.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, thay mặt UBND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; phương hướng nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2024, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Hà Nam triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Trước bối cảnh đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - giá SS 2010) ước đạt 26.891 tỷ đồng tăng 10,35% so với cùng kỳ, đạt 48,5% kế hoạch năm (là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ tư cả nước).

Chủ tịch tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy thay mặt UBND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của tỉnh Hà Nam trong 6 tháng qua. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 114.810 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ và đạt 50,7% kế hoạch năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì thực hiện hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư. Tập trung xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp.

Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm thực hiện; tổ chức 04 đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các nước: Trung Quốc, Mỹ, Canada, Nhật Bản và một số nước châu Âu để giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thu hút được 31 dự án đầu tư (trong đó 10 dự án FDI và 21 dự án trong nước), bằng 238% so với cùng kỳ.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 46.375 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ, đạt 97,2% kế hoạch. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ, vượt 16% kế hoạch. Tổng lượt khách du lịch cả năm ước đạt 4,38 triệu lượt khách, tăng 38,8 % so với cùng kỳ, vượt 15,26% kế hoạch; doanh thu du lịch ước đạt 3.382 tỷ đồng, tăng 57,1% so với cùng kỳ, vượt 8,7% kế hoạch. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6.624,682 tỷ đồng, đạt 41,2% dự toán địa phương.

Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 4.710,1 tỷ đồng, tăng 1,33% so với cùng kỳ và đạt 53,87% kế hoạch năm. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 48/83 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu….

Văn hoá xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi; tổ chức tốt các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, các sự kiện quan trọng trên địa bàn tỉnh. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực, đúng đối tượng. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống Nhân dân ổn định.

Quang cảnh kỳ họp

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của UBND tỉnh đã thẳng thắng nêu rõ những khó khăn, hạn chế cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới. Trong đó, một số chỉ tiêu KT-XH chưa đạt 50% kế hoạch năm đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; GRDP bình quân đầu người; Thu cân đối ngân sách nhà nước; Năng suất lao động; Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Một số quy hoạch chưa đồng bộ, tiến độ triển khai Quy hoạch tỉnh còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của một số dự án, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh còn thấp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2023. Việc xử lý tồn tại trong quản lý đất đai ở một số địa phương chưa được chú trọng; xử lý ô nhiễm môi trường, chất lượng nước nông thôn, nước sinh hoạt chưa đáp ứng yêu cầu; công tác cải cách hành chính chuyển biến chậm…

6 tháng cuối năm, tỉnh Hà Nam phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được xác định tại Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt tăng 10,5% so với năm 2023; Thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 16.787 tỷ đồng, tăng 14,8%....

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch, UBND tỉnh đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. UBND tỉnh xác định phải quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các Quy hoạch, Chương trình, Đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển. Tiếp tục hoàn thiện, phấn đấu trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam. Tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm khai thác hiệu quả nguồn thu từ các lĩnh vực kinh tế đi đôi với tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu.

Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quản lý hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2024; tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước, rà soát, cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đối với các công trình, dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2024 nhưng không đảm bảo điều kiện thanh toán theo thời gian quy định. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án công trình, dự án trọng điểm về giao thông, thương mại, du lịch, đô thị, có tính kết nối liên vùng, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết. Phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch văn hóa, lịch sử theo định hướng gắn kết thành các chuỗi du lịch - dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh.

Tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả các Luật có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, sớm đưa các Luật đi vào cuộc sống, nhất là Luật Đất đai 2024. Đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Giải quyết tốt chính sách đối với người có công và gia đình chính sách. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị…

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tập trung xử lý các vụ việc còn tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

 

Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top