Ngày 27/8, Đoàn công tác liên ngành của Trung ương do ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2025; thành lập Thị xã Kim Bảng và các phường thuộc thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện Sở Nội vụ báo cáo tóm tắt và quá trình lập hồ sơ 2 đề án: thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025; thành lập thị xã Kim Bảng và các phường thuộc thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Theo đó, tỉnh Hà Nam có 6 ĐVHC cấp huyện (4 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố). Thành phố Phủ Lý là ĐVHC cấp huyện loại I; thị xã Duy Tiên và các huyện: Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục là ĐVHC cấp huyện loại II. Tỉnh có 109 ĐVHC cấp xã (gồm: 83 xã, 20 phường, 6 thị trấn), trong đó có 13 cấp xã loại I; 92 cấp xã loại II; 4 cấp xã loại III. Qua rà soát tỉnh Hà Nam không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp; có 19 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp (trong đó có 11 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, 8 ĐVHC cấp xã liền kề liên quan đến việc thực hiện sắp xếp).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại hội nghị.
Thực hiện sắp xếp ĐVHC nông thôn cấp xã thành ĐVHC nông thôn cùng cấp, đối với huyện Bình Lục, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bối Cầu, xã Hưng Công và xã An Nội để thành lập xã Bình An. Đối với thị xã Duy Tiên, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Mộc Nam và xã Mộc Bắc để thành lập xã Mộc Hoàn.
Về thực hiện sắp xếp ĐVHC đô thị cấp xã thành ĐVHC đô thị cùng cấp hoặc sắp xếp ĐVHC nông thôn với ĐVHC đô thị cấp xã, ĐVHC nông thôn với ĐVHC nông thôn thành ĐVHC đô thị cùng cấp, tại thành phố Phủ Lý: Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo để thành lập phường Châu Cầu; xã Liêm Chung và phường Liêm Chính để thành lập phường Liêm Chính; xã Tiên Hải và phường Lam Hạ để thành lập phường Lam Hạ; xã Liêm Tuyền và xã Liêm Tiết để thành lập phường Tân Liêm; xã Tiên Hiệp và xã Tiên Tân để thành lập phường Tân Hiệp. Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Kim Bảng, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nhật Tựu và xã Nhật Tân để thành lập phường Tân Tựu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng phát biểu tại hội nghị.
Đối với Đề án thành lập thị xã Kim Bảng và các phường thuộc thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam: Thành lập thị xã Kim Bảng thuộc tỉnh Hà Nam trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Kim Bảng. Sau khi thành lập, thị xã Kim Bảng có 17 ĐVHC cấp xã, gồm: 10 phường và 7 xã. Hiện, huyện Kim Bảng đạt 5/5 tiêu chuẩn của thị xã trực thuộc tỉnh, gồm các tiêu chuẩn về: quy mô dân số; diện tích tự nhiên; ĐVHC trực thuộc; đã được công nhận là đô thị loại IV; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Thành lập 10 phường thuộc thị xã Kim Bảng (gồm: Quế, Ba Sao, Tượng Lĩnh, Thi Sơn, Đồng Hóa, Ngọc Sơn, Đại Cương, Lê Hồ, Tân Sơn, Tân Tựu) đều đạt 4/4 tiêu chuẩn của phường theo quy định.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã theo dõi và đóng góp ý kiến với phim tư liệu hiện trạng phát triển của huyện Kim Bảng, thành phố Phủ Lý; đánh giá kết quả khảo sát và thảo luận, góp ý vào hồ sơ 2 đề án. Theo đó, các đại biểu cơ bản nhất trí với hồ sơ 2 đề án, đồng thời góp ý đối với một số nội dung khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, tiến độ thời gian trong việc thực hiện đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khi sáp nhập ĐVHC nông thôn vào ĐVHC đô thị để thành lập ĐVHC đô thị cùng cấp; đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, rà soát tiêu chí đô thị để thành lập phường, thành lập thị xã sau sắp xếp ĐVHC; đề nghị rà soát và thống nhất số liệu diện tích tự nhiên của các địa phương trong tỉnh, hệ thống địa giới trên các bản đồ, chỉ tiêu đất đô thị… tại các tờ trình, đề án…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu, giải trình làm rõ các ý kiến của các thành viên đoàn công tác. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện hồ sơ 2 đề án trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý Đỗ Hoàng Hải phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Thay mặt Đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng bày tỏ ấn tượng với kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển đô thị của tỉnh Hà Nam những năm gần đây. Đồng thời đề nghị địa phương tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các thành viên đoàn công tác; tiếp tục tập trung cao độ để rà soát, điều chỉnh, bổ sung, thống nhất số liệu, hoàn thiện hồ sơ 2 đề án; nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan thẩm định và ban hành Quyết định về việc công nhận khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị loại IV; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ban hành Quyết định rà soát tiêu chí đô thị loại II đối với thành phố Phủ Lý và các khu vực dự kiến thành lập phường; thường xuyên kết nối, trao đổi với các bộ, ngành có liên quan để điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ… phấn đấu hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2024.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.