Hà Nội hiện có khoảng 4.500 phố, ngõ có chiều dài hơn 200m, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Do vậy, việc trang bị kỹ năng thoát nạn và mở lối thoát hiểm ở những tòa nhà trên các tuyến đường này là vô cùng quan trọng.
Chỉ xây nhà 2-3 tầng trong ngõ, ngách
Theo quy định, đường giao thông phục vụ cho xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phải bảo đảm chiều rộng tối thiểu 3,5m, chiều cao thông thủy tối thiểu 4,5m, mặt đường, bãi đỗ xe chữa cháy phải bảo đảm chịu được tải trọng của xe chữa cháy.
Đối với đường giao thông nhỏ hẹp chỉ đủ cho 1 làn xe chạy thì cứ ít nhất 100m phải thiết kế đoạn mở rộng để các xe có thể tránh nhau; các tuyến đường đô thị, nội đô phải bố trí các bãi đỗ xe cho các công trình cao từ 15m; các ngã ba, ngã tư phải bảo đảm góc cua cho xe chữa cháy hoạt động.
Tuy nhiên, theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn hiện có khoảng trên 4.500 tuyến đường, phố, ngõ, ngách, hẻm... có chiều dài hơn 200m, xe chữa cháy không thể tiếp cận được (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành).
Hà Nội có hàng nghìn ngõ, ngách sâu hơn 200m xe chữa cháy khó tiếp cận. Ảnh: Quang Phong
Khảo sát tại một số tuyến phố, ngõ, xóm, phổ biến có tình trạng làm mái che, mái vẩy vượt quá ranh giới đất cho phép, lưới điện; bục, bệ, barie hoặc các hàng quán, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận của xe chữa cháy, xe CNCH.
Bên cạnh đó, Hà Nội là địa bàn có mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm và tại các tuyến phố đang thi công dẫn đến khó khăn cho công tác PCCC và CNCH.
Sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), vấn đề chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm ở các nhà trong phố, ngõ nhỏ và nhà ống được nhiều người dân đặc biệt quan tâm.
Theo Thiếu tá Nguyễn Danh Luân - cán bộ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), các gia đình ở những ngôi nhà nằm sâu trong ngõ cần mở giếng trời, làm mái che để tránh mưa nắng.
“Việc mở giếng trời giúp tạo lối thoát nạn phụ khi lối cửa chính bị nhiễm khói lửa không thể thoát ra được. Nếu còn diện tích đất thì mở thang sắt ngoài nhà”, Thiếu tá Nguyễn Danh Luân chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân cũng cho rằng, việc tự kiểm tra an toàn PCCC đối với các hộ gia đình là rất cần thiết. Chủ căn hộ cần thường xuyên kiểm tra về hệ thống các thiết bị liên quan nguồn lửa, nhiệt, thiết bị điện để sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng. Khi lắp đặt các thiết bị tiêu thụ điện, cần kiểm tra nguồn dây dẫn điện có chịu tải được không, như vậy sẽ giảm thiểu được nhiều vụ cháy liên quan nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện liên quan đến ngôi nhà.
“Đối với các ngôi nhà nằm sâu trong ngõ hẻm, khi xảy ra cháy, lực lượng cảnh sát PCCC khó tiếp cận chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức kỹ năng an toàn PCCC cho các thành viên trong gia đình sẽ giúp công tác phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy, thiệt hại do cháy nổ xảy ra”, Thiếu tá Luân chia sẻ.
Đề cập tới vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô sửa đổi ngày 20/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nêu những lo ngại khi xây nhà cao tầng ở những ngõ, ngách quá hẹp, không đảm bảo điều kiện PCCC.
Theo Bí thư Hà Nội, vấn đề hạ tầng giao thông, chỉ có 2 - 3m trước, sau mà cho xây 6 tầng là “vô cùng bất cập”. “Phải chăng chỉ cho xây 2- 3 tầng”, ông Dũng nêu ví dụ.
“Những việc này trong tiêu chuẩn, quy chuẩn và trong quy hoạch đã có. Chúng tôi đề nghị giao cho Hà Nội quyết định những vấn đề như thế, vào những địa bàn cụ thể thì mới đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài”, Bí thư Hà Nội nêu.
Hà Nội áp dụng nhiều mô hình PCCC sau những vụ cháy thương tâm
Từ đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận nhiều vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đứng trước những thách thức đặt ra ngày càng lớn trong công tác PCCC&CNCH, TP Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình PCCC để người dân có thể chủ động tham gia phát hiện, xử lý các vụ cháy, giảm tối đa thiệt hại.
Thực tế, đã có nhiều vụ cháy được xử lý ngay từ đâu, bằng lực lượng tại chỗ. Cụ thể, đêm ngày 17/7, một vụ cháy đã xảy ra trên địa bàn phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) do chập điện. Ngay khi phát hiện vụ cháy, người dân và lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp PCCC, kịp thời xử lý, khống chế đám cháy nhờ kích hoạt Điểm chữa cháy công cộng, qua đó, giảm thiểu thiệt hại do vụ cháy gây ra.
Theo đại diện phường Xuân La, mô hình Điểm chữa cháy công cộng là một trong những mô hình PCCC mới được phường triển khai kể từ đầu năm 2023 nhưng đã cho thấy hiệu quả.
Cũng theo vị đại diện này, kể từ khi triển khai mô hình Điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ, hẻm nhỏ trong khu vực, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành các công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC để người dân nắm bắt được, nhờ đó công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, mỗi người dân đều có những kỹ năng nhất định để xử lý các đám cháy.
Tại phường Xuân La, mô hình Điểm chữa cháy công cộng được áp dụng triển khai chủ yếu ở các con ngõ nhỏ, có chiều sâu từ 50m trở lên. Đây được xem là những khu vực xung yếu khi xảy ra cháy nổ bởi xe chữa cháy không thể tiếp cận được, khiến công tác triển khai các biện pháp chữa cháy bị hạn chế.
Thực trạng đó, phường đã tiến hành rà soát các điều kiện chữa chữa cháy trên địa bàn để trang bị các phương tiện chữa cháy cần thiết. Đơn cử như đối với những khu vực có trụ nước chữa cháy sẽ được trang bị thêm lăng, vòi, đầu nối. Với những khu vực có ao, hồ, bể nước thì sẽ được trang bị máy bơm chữa cháy.
Đại diện phường Xuân La cũng nhấn mạnh, dù đã được trang bị những kiến thức PCCC và thiết bị hỗ trợ chữa cháy, người dân cũng không nên chủ quan, phải luôn luôn nâng cao tinh thần PCCC, khi xảy ra cháy, cần phối, kết hợp xử lý đám cháy trong khả năng để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Một mô hình khác cũng cho thấy hiệu quả trong công tác PCCC trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua là mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC. Theo đại diện đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an quận Ba Đình), thời gian gần đây, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC đã góp phần nâng cao hiệu quả chữa cháy tại chỗ khi mô hình này đã biến mỗi một người dân trở thành một chiến sĩ PCCC.
Theo đó, người dân được trang bị những kiến thức, kỹ năng chữa cháy để có thể xử lý đám cháy tại chỗ hoặc kết hợp với cơ quan chức năng kịp thời xử lý các vụ cháy nổ xảy ra trên địa bàn.
Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC&CNCH hoạt động theo phương châm 4 tại chỗ, bao gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Đây là phương pháp chữa chủ động trong công tác PCCC để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tải sản.
Theo đại diện Phòng cảnh sát PCCC&CNCH (Công an Thành phố Hà Nội), đây chỉ là hai mô hình PCCC tiêu biểu trong số nhiều mô hình đang được thành phố triển khai như khu chung cư, tập thể an toàn PCCC, cụm liên kết làng nghề an toàn…
Đà Nẵng: Đề xuất mua robot PCCC khi nhà cao tầng 100 m ngày càng nhiều
Ngày 12.12, kỳ họp thứ 15 HĐND TP.Đà Nẵng khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) chính thức khai mạc. Gửi tờ trình về chủ trương đầu tư dự án nâng cao hiệu quả công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH) nhà cao tầng và công tác hậu cần PCCC trên địa bàn, UBND TP.Đà Nẵng cho biết hiện nay trên địa bàn TP có hơn 200 công trình từ 10 tầng trở lên, cần được quan tâm PCCC và đầu tư trang thiết bị. Các công trình này tập trung vào các loại hình như nhà ở căn hộ, văn phòng, khách sạn, chung cư…
Trong đó, nhiều nhà cao tầng hơn 100 m đã xây dựng và đưa vào hoạt động: khách sạn Novotel (38 tầng, 155 m), Trung tâm hành chính thành phố (34 tầng, 167 m), tổ hợp khách sạn Mường Thanh (42 tầng, 175 m), khách sạn Vinpearl Condotel Riverfront Đà Nẵng (36 tầng, 162 m)…
UBND TP.Đà Nẵng đề xuất sắm robot PCCC trước thực trạng nhà cao tầng ngày càng nhiều
"Đây là loại hình cơ sở thường xuyên tập trung đông người, có nguy cơ cháy, nổ cao, diễn biến cháy nổ và công tác CHCN gặp nhiều khó khăn, phức tạp nên khi xảy ra cháy nổ sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, tài sản và ảnh hưởng đến tình hình chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP", báo cáo UBND TP.Đà Nẵng nêu.
Theo đánh giá, công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, vướng mắc nên hiệu quả PCCC chưa cao và hậu quả nếu xảy ra là rất nghiêm trọng…
Theo đó, việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực PCCC, CNCH cho toàn lực lượng cảnh sát PCCC là rất cần thiết để ngày càng có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng phó tại chỗ, nhanh chóng, kịp thời mọi tình huống, đặc biệt với các công trình cao tầng, siêu cao tầng.
Trên cơ sở này, UBND TP.Đà Nẵng đề xuất HĐND TP thông qua nghị quyết để đầu tư mua sắm trang thiết bị với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỉ đồng, bao gồm: 9 xe tiếp nước PCCC, 7 xe chở phương tiện PCCC, 5 bộ thiết bị cứu nạn trong không gian hạn chế (dây, giày, cán, ròng rọc cứu hộ…) và 1 robot chữa cháy (trang bị cho Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH).
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.