Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 2 năm 2023 | 17:14

Hà Nội ban hành Kế hoạch tổng kiểm tra xử lý vi phạm trật tự ATGT, trật tự đô thị

Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố năm 2023.

Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội ban hành kế hoạch về tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn năm 2023.
 
Vỉa hè Hà Nội thành nơi trông giữ xe, người dân phải đi bộ dưới lòng đường.

Theo đó, các cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn; phát hiện, xử lý tất cả các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe.

Ban Chỉ đạo 197 đề nghị các đơn vị kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.

Ban Chỉ đạo 197 cho biết, thông qua kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, đô thị. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố.

Qua đợt tổng kiểm tra lần này, Ban Chỉ đạo 197 cũng đặt mục tiêu phát hiện sơ hở, thiếu sót để kịp thời khắc phục nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.

Theo Ban Chỉ đạo 197, để tránh tình trạng ‘‘đánh trống bỏ dùi”, các cơ quan chức năng phải thường xuyên duy trì, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng.

Ban Chỉ đạo 197 nêu rõ quan điểm làm đến đâu dứt điểm đến đó trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng.

Thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí đã phản ánh việc người dân trên các tuyến phố trung tâm, các tuyến phố ẩm thực trên địa bàn toàn thành phố có hiện tượng buôn bán tràn lan trên vỉa hè các tuyến phố ở các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… Đặc biệt, các tiểu thương chiếm dụng từng mét vỉa hè ở phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm để bày bán đủ thứ hàng hoá.

Việc nhiều hàng quán ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè thành nơi buôn bán buộc người dân, du khách phải đi xuống lòng đường trước cảnh ô tô, xe máy nườm nượp qua lại. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Nhiều người dân cho rằng, việc thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo quận, huyện thực hiện nghiêm chỉnh công tác quản lý trật tự đô thị, trong đó có việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng xem ra việc các lực lượng chức năng ra quân "rầm rộ" xong thì "đâu lại vào đấy". Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khoá XIII, cho biết, trên thực tế lực lượng chức năng các quận nội thành của TP Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi phong trào lắng xuống, người dân lại đua nhau lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán. Vì vậy, cần làm kiên quyết, kiên trì, "không đánh trống bỏ dùi”.

Còn TS. Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông cho biết, chức năng của vỉa hè là dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, cho đến nay việc quản lý, sử dụng vỉa hè không được chặt chẽ. Vì vậy, vỉa hè nhiều tuyến phố bị lấn chiếm làm nơi đỗ xe, kinh doanh buôn bán, mất đi diện tích dành cho người đi bộ.

“Nếu làm tốt công tác quản lý Nhà nước thì sẽ lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Bởi không ai có ‘sổ đỏ’ trên vỉa hè nên Nhà nước có toàn quyền đảm bảo vỉa hè được sử dụng cho mục đích gì", ông Bình nói.

Theo bà An: “Muốn đạt được mục tiêu Hà Nội là thành phố đáng sống và là đầu tàu của cả nước về mọi mặt thì người dân phải được hưởng thụ những nét đẹp của Thủ đô văn minh, cổ kính. Do vậy, thành phố không nên để người dân lấn chiếm hết vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, còn người đi bộ thì cũng chẳng có lối mà đi”.

Bà Bùi Thị An cho rằng, chính quyền các cấp của TP Hà Nội, đặc biệt là cấp quận, phường phải quyết liệt trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Bên cạnh đó cũng phải có chính sách hỗ trợ việc làm cho người dân khi không được buôn bán trên vỉa hè.

“Đối với những người mất việc làm thì cần phải tạo sinh kế cho họ. Có như vậy thì người dân mới hiểu và đồng lòng với chính quyền TP Hà Nội trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, bà Bùi Thị An cho hay.

PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ GTVT cho rằng, cơ quan chức năng của TP Hà Nội cần phải tìm hiểu những người lấn chiếm vỉa hè là ai và tại sao họ lấn chiếm.

“Nếu người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi mưu sinh thì TP Hà Nội phải có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn họ buôn bán ở nơi phù hợp. Khi thành phố đảm bảo chiến lược an sinh thì người dân sẵn sàng trả lại vỉa hè cho người đi bộ”, ông Doãn Minh Tâm nói.

Để Hà Nội thực sự là "Thành phố vì hòa bình" và luôn đẹp trong con mắt của du khách nước ngoài và nhân dân các tỉnh thành khi đến tham quan Thủ đô, rất cần việc mạnh tay xử lý tất cả các trường hợp lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán. Trả lại vỉa hè cho người đi bộ vừa bảo đảm an toàn giao thông, vừa trả lại cho bộ mặt Thủ đô được đẹp đẽ.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top