Trên địa bàn Hà Nội, hoạt động chăn nuôi lợn quy mô lớn ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, các trang trại lợn cũng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, nhưng các địa phương chậm vào cuộc xử lý, gây bức xúc trong dư luận.
Nhiều trại lợn gây ô nhiễm
Hơn 8 năm nay, hàng trăm hộ dân ở 3 xã: Đông Xuân, Phú Mãn, Phú Cát (huyện Quốc Oai) nằm ven dòng suối Vai Réo đã kiến nghị với các cấp chính quyền về tình trạng ô nhiễm nguồn nước của dòng suối. Thủ phạm chính là nước thải từ một trại lợn của Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) xả ra môi trường. Ngày 17-10, dẫn phóng viên Báo Hànộimới tiếp cận khu vực xả thải, Trưởng thôn 7 xã Phú Cát Ngô Văn Tuấn cho biết, vào buổi sáng và chiều tối, đơn vị này rửa chuồng trại là nguồn nước thải lại ào ào chảy ra suối và gây ô nhiễm kéo dài hơn 5km dọc con suối. Vào mùa khô, ít mưa, nước suối đen ngòm, đặc quánh, hôi thối, rất khó chịu.
Các ao chứa chất thải đen kịt, đặc sánh của trại lợn ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đức Duy
Tương tự, một số hộ dân thôn Lập Thành (xã Đông Xuân) cũng phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường của khu chăn nuôi này làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Ngày 5-6-2023, UBND xã Đông Xuân đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng và Trung đoàn 102, đề nghị sớm có biện pháp khắc phục, hạn chế xả nước thải ra môi trường…
Tại huyện Chương Mỹ cũng có hàng loạt trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường, như: 20 trại lợn trên địa bàn xã Phú Nghĩa, 4 trại lợn ở xã Lam Điền và trại lợn của gia đình ông Phạm Văn Tuân ở thị trấn Xuân Mai… Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, các trại lợn này đều có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng do khối lượng chất thải lớn, hệ thống xử lý quá tải, xuống cấp… nên vẫn xảy ra ô nhiễm. Đặc biệt, khu xử lý chất thải của trại lợn gia đình ông Phạm Văn Tuân lộ thiên, gần khu dân cư, trên khu đồi cao, nên cứ mưa là nước thải tràn vào nhà dân phía dưới, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả phân tích nước thải của trại lợn này cho thấy, hàm lượng Coliform vượt quy chuẩn 222 lần, chất rắn lơ lửng vượt 3,33 lần, chỉ số BOD5 vượt 1,5 lần…
Trên đây chỉ là 2 địa phương trong số nhiều quận, huyện, thị xã của Hà Nội có hoạt động chăn nuôi nói chung, trại nuôi lợn nói riêng xả nước thải ra môi trường. Tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1,64 triệu con, mỗi ngày thải ra hơn một triệu tấn chất thải, nước thải. Trong số này, chỉ có khoảng 20% chất thải được xử lý, tái sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế. Khoảng 80% chất thải còn lại được xử lý thủ công, rồi xả ra môi trường, gây ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh...
Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do phương thức chăn nuôi ở Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, nên việc xả thải chưa được quản lý tốt. Hơn nữa, các trang trại chưa quan tâm đến việc đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải…
Chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ Nguyễn Như Vân cho biết, khi nhận được phản ánh về các trang trại chăn nuôi lợn xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác minh, làm rõ từng trường hợp vi phạm. Trong đó, ngày 5-10-2023, UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ trang trại lợn ở thị trấn Xuân Mai với tổng số tiền 70 triệu đồng do xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường và yêu cầu chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm. Ngoài ra, huyện còn kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu nước thải của 20 cơ sở chăn nuôi lợn ở xã Phú Nghĩa để có căn cứ xử lý.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, do khu vực chăn nuôi, tăng gia sản xuất nằm trong Trung đoàn 102 không phải là cơ sở bí mật nhà nước về quốc phòng, nên huyện đã đề nghị đơn vị phối hợp kiểm tra và có các biện pháp quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi đạt tiêu chuẩn. Trước phản ứng quyết liệt, nhiều lần của cử tri 3 xã và yêu cầu của UBND huyện, Trung đoàn 102 đã lắp đặt máy ép phân lợn, hệ thống biogas và xây dựng bể lắng cặn chất thải, nước thải chăn nuôi. Tuy nhiên, sau xử lý, nước thải xả ra môi trường vẫn chưa bảo đảm, còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn chỉ rõ, giải pháp căn cơ để xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động của các trang trại lợn là phải phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, ưu tiên nguồn lực cho các doanh nghiệp chăn nuôi xây dựng liên kết chuỗi, có công nghệ xử lý môi trường, tái chế chất thải phục vụ lại cho trồng trọt. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi, nhằm tạo chuyển biến rõ nét về việc tuân thủ pháp luật, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quyết liệt vào cuộc kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiên quyết không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi chất lượng môi trường.
Khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ các trang trại chăn nuôi lợn cùng vào cuộc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nguồn thải trong chăn nuôi sẽ được kiểm soát, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Ứng dụng hầm biogas: Hạn chế ô nhiễm, mầm bệnh trong chăn nuôi và nuôi thủy sản
Ông Trần Văn Đực, ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết: trước đây, nuôi heo số lượng ít, nên sử dụng hầm biogas bằng composite; từ năm 2020 chuyển sang sử dụng hầm biogas bằng túi ni-lông, với 02 hầm biogas (thể tích 1.000m3/hầm) đảm bảo lượng heo nuôi trong trang trại luôn đạt từ 350 con heo nái và hơn 1.000 con heo thịt trở lên. Sử dụng biogas trong xử lý chất thải vừa đảm bảo môi trường và hạn chế thấp nhất mùi hôi thải ra ngoài không khí cũng như các mầm bệnh trong quá trình chăn nuôi.
Được biết Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh triển khai từ năm 2007 đến nay; qua đó, triển khai thực hiện được 13.093 hầm biogas (trong đó, giai đoạn 2007 - 2015: với 3.921 hầm biogas, mỗi công trình được trợ giá 1,2 triệu đồng sau khi nghiệm thu cho hộ xây dựng công trình; giai đoạn 2016 đến nay được 9.172 công trình khí sinh học KT2 và Composite; mức hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/công trình/01 hộ).
Nguồn nước thải trong khu vực nuôi thủy sản cần được xử lý triệt để hạn chế ô nhiễm, mầm bệnh trước khi đưa ra môi trường (hệ thống nước thải trong khu vực nuôi tôm ở ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang).
Đồng chí Lưu Văn Phúc, Trưởng Phòng Chăn nuôi của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh cho biết: Dự án “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp” do Tổ chức Phát triển Hà Lan hỗ trợ; cùng với đó, ngành nông nghiệp còn thực hiện nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, tọa đàm, tư vấn trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; mô hình chăn nuôi heo cái sinh sản… để khuyến khích người nuôi tái đàn, đồng thời hướng dẫn người nuôi cách xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học.
Bên cạnh “tiên phong” trong lĩnh vực xử lý chất thải trong chăn nuôi; những năm gần đây, biogas đang dần được phát triển và ứng dụng rộng rãi vào xử lý chất thải trong các ao nuôi thủy sản (tôm) trước tình hình ô nhiễm môi trường và dịch bệnh đang tăng. Do đó, các hộ nuôi tôm theo hướng thâm canh mật độ cao, đòi hỏi lượng chất thải phải được xử lý triệt để (chủ yếu phân tôm, thức ăn thừa, vỏ tôm…) trước khi đưa nguồn nước trở lại môi trường bên ngoài.
Ông Nguyễn Hoàng Kim Định, ấp Giồng Dài, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang cho biết: năm 2022, gia đình được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ mô hình xử lý chất thải trong nuôi tôm theo hướng thâm canh mật độ cao bằng hầm biogas composite (16m3/02 hầm). Việc xử lý chất thải trong nuôi tôm qua biogas tiết kiệm hơn so với xử lý bằng ao trữ, sau đó đưa cloramin vào để diệt khuẩn…
Biogas trong xử lý các chất thải từ nuôi tôm còn quản lý được nguồn mầm bệnh không để lây lan ngoài môi trường và các hộ nuôi tôm xung quanh cũng an tâm hơn khi mật độ ao nuôi tôm dày đặt, làm cho nguồn nước thải và cấp vào ao luôn bị ô nhiễm, dịch bệnh lây nhiễm…
Cũng theo đồng chí Lưu Văn Phúc, hiện nay dự án đã kết thúc, tỉnh tiếp tục vận động người nuôi tự xây lắp biogas để đưa vào tham gia dự án, phấn đấu giai đoạn từ 2022 - 2026, sẽ tập trung xây dựng, lắp đặt và vận hành 4.000 công trình khí sinh học trên địa bàn tỉnh (800 công trình/năm). Đây là cơ hội tốt cho người nuôi ở tỉnh nhà với mục tiêu chung là khai thác lợi ích của việc xây dựng các công trình khí sinh học đóng góp trong lĩnh vực chăn nuôi phát thải thấp.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.