Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 1 năm 2023 | 21:35

Hà Nội công khai hơn 2.700 công trình vi phạm phòng cháy, chữa cháy

Theo UBND TP.Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại đã có 2.723 công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử.

Mục tiêu 100% cơ sở hoàn thành việc khắc phục tồn tại về PCCC trong năm 2025

UBND TP.Hà Nội vừa có công văn về việc cung cấp thông tin chấp hành các quy định về PCCC. Trước đó, hồi tháng 6.2022, UBND TP.Hà Nội ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động.

Trong kế hoạch này, Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, địa phương đăng tải công khai tên, địa chỉ, chủ đầu tư công trình vi phạm, chưa nghiệm thu về PCCC những đã đưa vào hoạt động trên cổng thông tin điện tử của Công an TP.Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên phạm vi toàn quốc, sau khi rà soát, thành phố đã tiếp tục cập nhật và đăng tải công khai các công trình có vi phạm về PCCC lên cổng thông tin điện tử. Tính đến nay, Hà Nội đã đăng công báo 2.723 công trình vi phạm.

2.723 công trình vi phạm về PCCC được Hà Nội đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử

Thời gian tới, Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thường xuyên, kịp thời đăng tải thông tin liên quan đến các công trình vi phạm về PCCC lên cổng thông tin điện tử để các đơn vị chủ động khai thác và tra cứu thông tin. Đối với lực lượng công an thành phố, cần định kỳ tổng hợp, đăng tải các công trình vi phạm về PCCC lên cổng thông tin điện tử, chủ động trao đổi thông tin đến các đơn vị để thực hiện theo quy định.

Theo thống kê, từ năm 2018 đến 2021, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 1.333 vụ cháy, trong đó 19 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ cháy trên địa bàn khiến 38 người chết, 82 người bị thương, thiệt hại khoảng 272 tỉ đồng. Riêng năm 2022, thành phố xảy ra 386 vụ cháy, làm 23 người chết, 17 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 19 tỉ đồng. Trước thực trạng nêu trên, UBND TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch xử lý dứt điểm các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC. Kế hoạch có 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (năm 2022), thành phố sẽ tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá các nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC.

Tiếp đó, thành phố sẽ phân loại đối tượng điều chỉnh theo ngành, lĩnh vực… rồi yêu cầu 100% chủ đầu tư cam kết xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện. Giai đoạn 2 (năm 2023), Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện; vận động, tuyên truyền, đôn đốc cơ sở thực hiện theo đúng kế hoạch, lộ trình đã cam kết và bảo đảm ít nhất 30% số cơ sở thuộc diện điều chỉnh hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Ở giai đoạn 3 (năm 2024), Hà Nội đặt mục tiêu ít nhất 70% số cơ sở thuộc diện điều chỉnh phải hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC.

Giai đoạn 4 (năm 2025), mục tiêu là 100% số cơ sở phải hoàn thành việc khắc phục tồn tại về PCCC và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…

Nghệ An: 2.544 cơ sở tự dừng hoạt động vì không đáp ứng điều kiện PCCC

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên phạm vi toàn quốc. Qua hơn 2 tháng triển khai, Công an tỉnh Nghệ An đã ban hành các kế hoạch chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng tổ chức đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.

Theo đó, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với các biện pháp triển khai thực hiện đợt cao điểm một cách kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, Công an tỉnh Nghệ An đã hoàn thành việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn vào ngày 5/12/2022, vượt tiến độ 10 ngày so với thời hạn Bộ Công an đề ra.

Kiểm tra hệ thống PCCC tại một cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: Đ.C

Tổng số cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 28.362 cơ sở. Theo đó, đã tiến hành kiểm tra 28.625/ 28.362 lượt cơ sở (đạt tỷ lệ 101%).

Trong đó, xử phạt 287 trường hợp (330 hành vi vi phạm, trong đó, 33 hành vi vi phạm trong công tác đầu tư xây dựng, 297 hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động), với tổng số tiền 3.022.250.000 đồng.

Đình chỉ 5 trường hợp, trong đó, có 3 cơ sở karaoke, bar; Tạm đình chỉ 206 trường hợp, trong đó, có 45 cơ sở bar, vũ trường, vì không đảm bảo an toàn PCCC. Có 2.544 cơ sở tự dừng hoạt động vì không đáp ứng được điều kiện PCCC và CNCH.

Bên cạnh đó, Công an Nghệ An đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH sâu rộng, trực tiếp đến người dân thông qua nhiều hình thức. Cụ thể, trên toàn tỉnh tổ chức được 511 buổi tuyên truyền với sự tham gia của 39.342 người. Ngoài ra, xây dựng được 137 tổ liên gia an toàn về PCCC trên địa bàn và 531 điểm chữa cháy công cộng được xây dựng.

Kết luận hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an đã ghi nhận Công an 63 địa phương đã chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Công an.

Nhiều địa phương đã có những mô hình cũng như cách làm hay phù hợp điều kiện địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH. Điển hình như: Sơn La, Nghệ An, Quảng Ninh, Phú Thọ, Khánh Hòa,...

Nhờ sự tuyên truyền tích cực, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên nhận thức, ý thức, trách nhiệm về PCCC của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ hộ sản xuất, kinh doanh và người dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm các địa phương phải tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Cần tiếp tục tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để triển khai, xây dựng, thực hiện các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình tại các địa phương.

Thực hiện nghiêm túc công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, đảm bảo 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC được lập hồ sơ quản lý theo quy định; xác định, lập danh sách địa bàn, khu vực trọng điểm, cơ sở khả năng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi xảy ra cháy, nổ trong khu dân cư.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH sâu rộng, trực tiếp đến người dân thông qua nhiều hình thức, nội dung dễ hiểu và phù hợp từng đối tượng. Cùng với đó, thực hiện kiểm tra an toàn PCCC đối với 100% hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở được phân cấp quản lý trong khu dân cư.

Tuyên truyền, khuyến cáo người dân đốt vàng mã vào dịp lễ, Tết đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó trưởng CAQ Tây Hồ: “Việc hoá vàng mã nhiều năm qua đã từng xảy ra nhiều vụ cháy, nổ vào những ngày người dân “đưa ông công, ông táo về trời”. Nguyên nhân dẫn đến hậu quả đã rõ, đều do ý thức của người dân thiếu cẩn trọng khi thắp hương, nến, hóa vàng mã không chú ý, tàn bay dẫn đến cháy lan, cháy lớn”.

Cũng theo chỉ huy CAQ Tây Hồ, cùng với nhiều nguy cơ tiềm ẩn hỏa hoạn vào mùa hanh khô, dịp lễ, Tết là việc đốt pháo giàn phun (pháo hoa) không quan sát khoảng cách an toàn. Ở Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ, người đông, phương tiện gia tăng nên khi đốt pháo hoa cần phải hết sức chú ý, đặc biệt không nên đốt pháo hoa trên nóc trần nhà khi chưa dọn dẹp quần áo, chăn màn phơi mắc gần đó. Pháo hoa đốt ở nơi không gian thoáng đãng, khoảng cách xa xe máy ít nhất 3m tránh lửa phung bắt vào hơi khí xăng gây cháy, nổ.

Những ngày qua, nắm được nhu cầu mua bán, sử dụng pháo hoa của người dân rất lớn, việc bảo quản, sử dụng pháo hoa không bảo đảm an toàn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Tây Hồ đã lập các tổ tuyên truyền, đến tận khu dân cư, tổ dân phố phát tờ rơi, dán tờ rơi nơi công cộng dễ nhìn để khuyến cáo người dân nâng cao ý thức PCCC đối với việc sử dụng, cất trữ pháo hoa, hóa vàng mã, thắp hương nến vào những ngày lễ, Tết.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Tây Hồ thường xuyên tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy cơ sở, để đáp ứng nhu cầu sẵn sàng xử lý sự cố hoả hoạn

Theo chỉ huy CAQ Tây Hồ, hiện tại, rất nhiều người vẫn chưa nắm rõ Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27-11-2020 về quản lý, sử dụng pháo; loại pháo hoa nào được phép đốt trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật... và sử dụng sao cho đúng luật. Do đó, cán bộ phụ trách địa bàn đã chủ động phối hợp với Công an các phường để tuyên truyền cho nhân dân nắm rõ quy định pháp luật về pháo hoa.

Theo quy định của Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì người dân bị cấm sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ (tức là pháo phát ra tiếng nổ thì cấm sử dụng).

Các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao, phát sinh các loại tội phạm về pháo nổ, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng không khí vui xuân đón Tết cổ truyền của người dân.

Thời gian qua, để hạn chế cháy, nổ xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Tây Hồ đã liên tục triển khai các biện pháp tuyên truyền kèm theo kiên quyết xử lý vi phạm. Để người dân nâng cao nhận thức, lực lượng CNCH đã tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu người trong tình huống khẩn cấp. Đây là biện pháp tuyên truyền, trực quan, sinh động, qua đó thay đổi nhận thức về công tác phòng cháy và chữa cháy tại các hộ gia đình, khu dân cư, tổ dân phố.

Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng “đốt” chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ (pháo hoa không có thuốc pháo nổ, là các sản phẩm như: Que, nến, ống châm lửa đốt phụt tia sáng nhiều màu sắc...).

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top