Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 4 năm 2023 | 20:30

Hà Nội tái diễn tình trạng ô nhiễm không khí

Từ đầu năm đến nay, kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc tự động cho thấy, chỉ số AQI (chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) tại các trạm ở Hà Nội thường xuyên ở mức xấu hoặc rất xấu.

40% dân số Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi mịn PM2.5

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ô nhiễm không khí không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, mà với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, mỗi năm ô nhiễm không khí sẽ làm Việt Nam thiệt hại 10,82-13,63 tỷ USD, tương đương 4,45-5,64% GDP. Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống người dân và các hoạt động phát triển kinh tế tại Thủ đô.

Hà Nội nhiều ngày chìm trong sương mù ô nhiễm không khí. Ảnh anninhthudo.vn

Theo thống kê UBND TP Hà Nội, thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 806 làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề được công nhận; hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ôtô… Đây đều là những nguồn phát thải lượng lớn khí nhà kính gây ra ô nhiễm không khí. Khảo sát đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2015 cho thấy, 40% tổng dân số của Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi mịn PM2.5, ở ngưỡng gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia và gấp nhiều lần tiêu chuẩn thế giới.

Báo cáo của tổ chức này cũng cho thấy các nguồn phát thải bụi mịn PM2.5 chính ở Hà Nội bao gồm: 35% từ các hoạt động công nghiệp, bao gồm làng nghề; 25% từ giao thông; 20% từ phát thải amoni (phân bón, chăn nuôi); 10% từ dân sinh (đun nấu/đốt sinh khối); 7% từ đốt phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ) ngoài trời. Phần còn lại đến từ nguồn đốt rác lộ thiên không kiểm soát. Và chỉ có khoảng 1/3 bụi PM2.5 có trong không khí xung quanh đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội. Phần còn lại đến từ các vùng rộng lớn bên ngoài Thủ đô như Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh khác của Việt Nam, cũng như xuyên biên giới, nguồn từ tự nhiên và vận chuyển hàng hải quốc tế.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lý giải, các chỉ số ô nhiễm không khí đang ở mức rất cao và xuất hiện thường xuyên, thời tiết những ngày gần đây không được thuận lợi, gió lặng cộng thêm ẩm thấp làm giảm khuếch tán của không khí, các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 bụi mịn tăng cao.

Cũng theo chuyên gia, khói bụi từ các phương tiện giao thông trên đường là nguyên nhân đầu tiên gây ra bụi mịn. Các loại xe cộ xả ra ngoài môi trường các hạt sooty và oxit nitơ… góp phần làm ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong thành phố cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ của bà con cũng góp phần gây ô nhiễm không khí. Đốt rơm rạ giải phóng ra môi trường những loại khí độc hại, các hạt bụi mịn sinh ra từ những đống tro này được gió khuếch tán vào không khí…

Ô nhiễm không khí là thách thức lớn

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ đối với Hà Nội. Ông Đông cho biết, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí.

Điển hình, thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Chỉ đạo các cấp chính quyền xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện tại Nam Sơn 4.000 tấn/ngày, Xuân Sơn 1.500 tấn/ngày, tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện hiện đại.

“Việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí vừa là yêu cầu cấp thiết vừa là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững cho TP Hà Nội, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” vào năm 2050”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

Trước thực trạng không khí bị ô nhiễm nặng nề như hiện nay, TS. Hoàng Dương Tùng đưa ra một số giải pháp như phải kiểm soát phát thải khí thải từ ôtô, xe máy; tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ôtô điện, xe máy điện hiện đã xuất hiện trên thị trường. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn phương tiện công cộng như xe bus, xe điện trên cao, metro.

Một vấn đề nữa là phải kiểm soát tốt việc đốt rác trong tự nhiên, che chắn kín những công trình xây dựng và kiểm soát thật chặt quá trình sản xuất công nghiệp. TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo, đối với những ngày có chỉ số AQI cao, người dân hạn chế ra đường đi lại nếu không có công việc thật sự cần thiết. Những khung giờ cao điểm, lưu lượng xe đi lại tăng, người dân cũng cần tránh để giảm thiểu lượng bụi hít phải trong không khí. Khi cần đi ra ngoài, nên đi tranh thủ để hạn chế thời gian di chuyển, lưu lại trên đường.

 Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí?

Có thể nhận thấy rằng, ô nhiễm không khí cùng với biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề hết sức cấp bách và đáng báo động trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Điều này khiến con người phải gánh chịu một loạt ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là hệ hô hấp.

Do vậy, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã xây dựng Hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí.

Cụ thể, thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.  Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Với người hút thuốc lá: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá.

Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.  Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Những người mắc bệnh hen suyễn có thể cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn. Nhóm người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn, tránh hoạt động ngoài trời.

Ngày không khí ô nhiễm nặng, người dân tốt nhất nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh, nếu thật sự cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.

 

Thanh Xuân (Tổng Hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top