Từ ngày 15/10 đến 15/12, chính quyền Hà Nội sẽ tổ chức tổng rà soát, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Siết chặt công tác PCCC
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội ngày 17/10, việc tổng kiểm tra nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an. Lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm, cháy nổ cao như: Khách sạn, nhà trọ, quán karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất...
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an TP Hà Nội, cho biết qua đợt kiểm tra, Phòng sẽ đề xuất xây dựng biểu đồ điện tử về phòng cháy chữa cháy theo vùng. "Ví dụ quận A qua rà soát có tính chất nguy hiểm, cháy nổ cao thì sẽ vào vùng đỏ, quận B tình hình sai phạm giảm xuống rõ rệt thì có thể vào vùng cam... Việc phân vùng này không đơn giản, song phải làm để như một lời cảnh báo", đại tá Hiếu nói.
Lực lượng chức năng lập chốt trước một quán karaoke vi phạm tại phường Cổ Nhuế, tháng 9/2020. Ảnh: Phạm Chiểu
Theo đại tá Hiếu, việc kiểm tra được triển khai toàn diện, đảm bảo tất cả cơ sở phải được kiểm tra, xử lý; cơ sở đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động phải được giám sát chặt chẽ; không để tồn tại lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Trước đó sau vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, Hà Nội đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh loại hình này. Kết quả 58% trong số gần 1.400 cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong đó, 425 cơ sở có khả năng nhưng chưa khắc phục nên đã bị kiến nghị tạm dừng hoạt động. 326 cơ sở không có khả năng khắc phục, đã bị đình chỉ hoạt động.
Liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn
Cũng liên quan đến công tác PCCC, chiều 17/10, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn có rừng tổ chức tuyên truyền, tăng cường dự báo nguy cơ cháy rừng, huy động lực lượng sẵn sàng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản...
Theo đó, do thời tiết nắng nóng kéo dài, trong 4 ngày qua (từ ngày 14 đến 17/10), trên địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 3 vụ cháy rừng liên tiếp. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, các đám cháy gây thiệt hại khoảng 8ha cây rừng và thảm thực bì.
Vụ cháy rừng thứ nhất xảy ra trên địa bàn xã Nam Sơn. Thời gian xảy ra cháy từ 14h40 ngày 14/10, tại lô 95+97 khoảnh 2; diện tích rừng bị cháy là 0,67ha, chủ yếu là rừng thông, keo cấp độ tuổi II.
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy huyện tham gia dập đám cháy rừng tại xã Tiên Dược.
Vụ thứ hai xảy ra từ 12h30 ngày 16/10 trên địa bàn xã Minh Phú, tại lô 1+2+4 khoảnh 11; lô 1+ 2 khoảnh 12 (bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn năm 2008). Ước diện tích cháy khoảng 7,8ha, chủ yếu cháy thảm thực bì dưới tán rừng thông, keo cấp tuổi V.
Tuy nhiên, do thời tiết hanh khô, gió to, thảm thực bì dày gây khó khăn cho công tác chữa cháy. Đến 16h30 cùng ngày, đám cháy được lực lượng chức năng dập tắt, nhưng bùng phát trở lại vào lúc 23h30 cùng ngày, phải đến 5h30 ngày 17/10, lực lượng chức năng mới dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Vụ cháy thứ ba xảy ra lúc 15h15 ngày 17/10 trên địa bàn xã Tiên Dược, tại lô 17.1 khoảnh 21, trên diện tích 0,1ha rừng thông cấp tuổi V. Do đám cháy nhỏ, phát hiện kịp thời nên đến 15h45 đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, không để cháy lan, cháy lại.
Cả 3 khu vực xảy ra cháy đều do Ban Quản lý Rừng phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội quản lý.
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh trực tiếp chỉ huy công tác chữa cháy tại hiện trường cho biết: Mặc dù trong 4 ngày vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra 3 đám cháy nhưng công tác chữa cháy diễn ra khẩn trương, an toàn.
Khi nhận được thông tin báo cháy, UBND huyện đã huy động hơn 700 người gồm: Lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ của Ban quản lý Rừng phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội; lực lượng quân đội, cảnh sát PCCC, Kiểm lâm và nhân dân xã Minh Phú, Minh Trí, Nam Sơn, Tiên Dược tham gia chữa cháy.
Đến nay, các đám cháy đã được dập tắt, tuy nhiên, UBND huyện vẫn phân công các lực lượng ứng trực tại khu vực xảy ra cháy để phòng tái cháy do thời tiết nắng nóng. Đồng thời, UBND huyện cũng giao Công an huyện phối hợp với lực lượng kiểm lâm và các xã điều tra nguyên nhân gây cháy để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Khuyến cáo các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa hành khô
Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra trong mùa hanh khô, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội vừa đưa ra khuyến cáo:
Đối với các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở, cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và CNCH tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh và khách hàng.
Thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy; xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra; tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
Khuyến cáo các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa hành khô
Đối với các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; nên trang bị thiết bị cảnh báo cháy sớm, thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy… và biết cách sử dựng những phương tiện này.
Các hộ gia đình nên có các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm… Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, UBND địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu để nắm nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC; tổ chức thành lập và vận động quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư; tổ chức cho đội dân phòng tham gia thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy; xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng, các cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác chữa cháy.
Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh biết; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (như bình chữa cháy xách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…) để dập tắt đám cháy đồng thời gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH số điện thoại 114 hoặc App Báo cháy 114 và tích cực tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.