Ngày 17/12, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) tổ chức 'Hội nghị Quốc gia lần thứ XXV về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin' (REVECIT).
Với chủ đề Hạ Tầng Số - Chìa khóa tăng tốc Chuyển đổi số Việt Nam, Hội nghị Quốc gia lần thứ XXV về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin đã diễn ra với nhiều phiên hội thảo chuyên đề, bên cạnh các phiên báo cáo khoa học bao phủ toàn bộ các lĩnh vực về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin.
Hội nghị "Diễn đàn trao đổi về Hạ tầng số - Chìa khóa tăng tốc Chuyển đổi số Việt Nam" là trọng tâm cốt lõi của sự kiện lần này. Tại đây, các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ đều có bài chia sẻ, trao đổi về thực trạng và cách giải quyết các vấn đề trong việc phát triển hạ tầng số, phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số tại Việt Nam.
Sự kiện thu hút rất nhiều đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin.
Toàn cảnh diễn đàn
TS Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện thừa ủy quyền của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị. TS Trần Mạnh Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao việc Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam đã duy trì thường xuyên 2 sự kiện khoa học lớn hàng năm, đó là Hội nghị Quốc tế về Công nghệ tiên tiến trong truyền thông ATC và Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin REV-ECIT. Đây là các diễn đàn để các nhà khoa học, các viện, học viện, các trường và các cơ sở nghiên cứu về điện tử truyền thông công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu, đào tạo và đóng góp các ý kiến kho học, công nghệ có giá trị cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử viễn thông. Đây cũng là hoạt động mang tính đặc trưng và rất có ý nghĩa của Hội Vô tuyến, Điện tử Việt Nam.
Theo đó, hội nghị REV-ECIT đã được khẳng định vị thế là một trong những sự kiện khoa học thường niên lớn nhất trong lĩnh vực Điện tử, truyền thông, có bề dày lịch sử trên 30 năm với mục đích nhằm tập hợp và công bố các báo cáo, các công trình khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin tại Việt Nam
Ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cho biết: "REV-ECIT 2022 nhận được 130 báo cáo và công trình khoa học của 408 tác giả đến từ 11 quốc gia, đề cập đến các vấn đề chính yếu của lĩnh vực Điện tử - Truyền thông. REV-ECIT năm nay, hướng tới chiến lược chung của Chính phủ, Hội đã đặt ra chủ đề " Hạ tầng số - chìa khóa tăng tốc chuyển đổi số quốc gia".
Ông Trần Đức Lai – nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Ban tổ chức và Ban chương trình của sự kiện đã nhận được 96 công trình khoa học đến từ 64 trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu khoa học trên toàn quốc. Sau quá trình xét duyệt nghiêm túc với sự tham gia của hơn 150 phản biện, Ban tổ chức đã chấp nhận 79 công trình khoa học tiêu biểu để trình bày và đăng trên kỷ yếu".
"Năm 2022 là năm có nhiều biến động, khi vừa trải qua đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến nền kinh tế, song cũng là năm ngành thông tin và truyền thông đã nỗ lực hết mình nhằm đưa những tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực điện tử - viễn thông – công nghệ thông tin, đã đề xuất và thực thi nhiều quyết sách, giải pháp nhằm phục hồi sự phát triển kinh tế - xã hội với nhiều định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển, đó là tiếp tục chiến lược "make in Việt Nam", chiến lược xây dựng, phát triển hạ tầng CNTT – TT số và đặc biệt là chiến lược chuyển đổi số quốc gia như Nghị quyết của Hội nghị BCH TW lần thứ 6, khóa XIII (ngày 17/11/2022) đã chỉ rõ: Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ông Lai chia sẻ.
Sự kiện ghi nhận bài chia sẻ với chủ đề "Hệ sinh thái lưới điện thông minh trong xu thế chuyển đổi số (CĐS)" của bà Trần Cẩm Linh, Phó trưởng ban Viễn thông và CNTT, Tổng công ty Điện lực Hà Nội và bài "Thực tế ảo tăng cường và vai trò ứng dụng trải nghiệm trong các nền tảng số" của TS Lê Xuân Chiến - Chuyên gia phòng nghiên cứu sản phẩm - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển MobiFone- Tổng công ty viễn thông Mobifone.
Kết thúc diễn đàn, Chủ tịch Hội Tần số - Vô tuyến điện kỳ vọng diễn đàn Hạ tầng số - chìa khóa tăng tốc chuyển đối số quốc gia với sự tham gia của các diễn giả từ các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty, tập đoàn và các Viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong cả nước sẽ là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các nhà khoa học trao đổi, thảo luận để tìm ra những giải pháp tối ưu, kiến nghị để phát triển thông tin và truyền thông nói chung và các giải pháp để phục vụ cho phát triển hạ tầng một số nội dung quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nói riêng.
Trước đó, chương trình Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (REV-ECIT) được chia làm 6 phiên vào buổi sáng 17/12, mỗi phiên đều được chia thành các chủ đề riêng biệt.
Hội nghị REV chính thức được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1988, ngay sau khi Hội Vô Tuyến chính thức được thành lập. Hội nghị REV được tổ chức thường kỳ 2 năm 1 lần, và đến năm 1990 Hội nghị REV lần thứ 3 đã chính thức được tổ chức vào mỗi dịp cuối năm.
Không chỉ được tổ chức bởi Hội Vô Tuyến, REV-ECIT còn được đăng cai tổ chức bởi rất nhiều các đơn vị thành viên như Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Cục Tần số Vô tuyến Điện…
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.