Hàng chục trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Nhiều người dân bức xúc có đơn gửi đến cơ quan chức năng yêu cầu chính quyền địa phương, chủ trang trại sớm có biện pháp khắc phục ô nhiễm.
Thực trạng ô nhiễm môi trường tồn tại nhiều năm
Theo phản ảnh, các hộ chăn nuôi lợn tại phía đê thôn Thiết Tranh – cầu Thuỵ An, cầu Vĩnh An không tuân thủ quy định về đảm bảo môi trường. Nhiều năm qua các trang trại lợn trực tiếp thải rác thải, phân lợn ra sông không qua các biện pháp xử lý đầy đủ đã bốc mùi hôi thối nồng nặc ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm hộ dân sinh sống quanh khu vực.
Đến nay, nguồn nước bên cạnh trang trại lợn có màu đen gây ô nhiễm tại các nhánh sông liền kề sau đó chảy ra sông Thái Bình và nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân sử dụng nước tại Nhà máy nước sạch số 2 Vĩnh An.
Trang trại lợn tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo gây ô nhiễm môi trường. Ảnh Vĩnh Quân
Trao đổi về nội dung nêu trên, ông Vũ Trọng Quảng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết trên địa bàn có 17 trang trại chăn nuôi lợn (từ 300 – 900 con) của 11 hộ dân đã chăn nuôi từ những năm 2012. Ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị của người dân. Địa phương đã tiến hành họp các hộ dân có trang trại lợn cần nghiêm túc khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường; yêu cầu tất các trang trại chăn nuôi lợn phải có biện pháp xử lý ngay tình trạng nước phân rò rỉ ra bên ngoài môi trường; bắt buộc phải có hệ thống phun sương, khử mùi, xử lý mùi từ chuồng trại ra bên ngoài môi trường; tự xử lý hầm Biogas; khi nhập giống lợn phải có bản kê khai hoạt động chăn nuôi gửi về UBNS xã qua cán bộ Thú y theo quy định.
Trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, hoạt động chăn nuôi lợn có từ nhiều năm, vẫn biết việc phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng bên cạnh những lợi ích đó thì tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân đã gây bức xúc trong dư luận. Hàng chục năm qua người dân sống quanh khu vực này đã từng kiến nghị với chính quyền về tình trạng ô nhiễm từ các trang trại nuôi lợn. Những trang trại này dù hoạt động nhiều năm nhưng không có giải pháp triệt để trong việc xử lý ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn A – một hộ dân sinh sống gần trang trại cho biết mùi hôi thối bốc lên cả ngày lẫn đêm, nhất là vào mùa hanh khô thì nước tại các ao cạnh khu trang trại đen ngòm, đặc quánh rất khó chịu.
Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh An, các trang trại lợn đều có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi nhưng do khối lượng chất thải lớn, hệ thống xử lý quá tải, xuống cấp không được đầu tư kịp thời đã xảy ra tình trạng ô nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Trưởng phòng TNMT huyện Vĩnh Bảo cho biết đã nhận được thông tin phản ánh của người dân, hiện cơ quan chức năng đang yêu cầu chính quyền địa phương có báo cáo về thực trạng hoạt động của các trang trại này. Đồng thời kết hợp với đơn vị có liên quan để tìm giải pháp hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường.
Được biết, để giải quyết ô nhiễm môi trường trong các trang trại lợn thì cần phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, ưu tiên nguồn lực các cơ sở xây dựng liên kết chuỗi, có công nghệ xử lý môi trường, tái chế chất thải phục vụ lại cho trồng trọt. Bên cạnh đó chính quyền địa phương cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các chủ trang trại. Chính quyền cũng cần có biện pháp mạnh để xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Đến lúc cần sự vào cuộc đồng bộ giữa địa phương, chủ trang trại cùng thực hiện đưa ra các giải pháp để các cơ sở chăn nuôi hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường trả lại cho người dân một nguồn nước không bị ô nhiễm và có cuộc sống trong lành.
Kinh nghiệm xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn thịt ở các nước phát triển
Ở nhiều nước phát triển, các trang trại chăn nuôi thường sử dụng rất ít nước để hạn chế tối đa sự phát sinh các chất thải lỏng. Các trang trại chăn nuôi lợn thịt ở Đan Mạch hầu như không sử dụng nước để tắm lợn và làm vệ sinh chuồng trại trong suốt lứa nuôi. Lợn được nuôi trên chuồng sàn có khe thoáng để phân và nước tiểu thải ra sẽ rơi xuống hệ thống bể chứa ở dưới sàn chuồng. Chất thải lỏng bao gồm nước tiểu và phân lỏng được phép sử dụng xe bồn vận chuyển ra đồng để bón cho cây trồng.
Một số quy định cụ thể áp dụng cho việc sử dụng chất thải lỏng bón cho cây trồng như không được vận chuyển chất thải từ các trang trại có dịch bệnh, chỉ được bón cho cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, không được bón cho các cây rau quả sử dụng làm thức ăn cho người, khi bón cho đồng cỏ thì phải có thời gian cách ly trước khi cho gia súc ăn… Một số thiết bị bơm phân lỏng vào đất để làm phân bón được khuyến khích sử dụng để giảm ô nhiễm mùi.
Trang trại lợn tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo gây ô nhiễm môi trường. Ảnh Vĩnh Quân
Do chăn nuôi sử dụng ít nước nên nhiều trang trại chăn nuôi ở các nước phát triển cũng không tránh khỏi mùi hôi phát sinh trong quá trình chăn nuôi, đặc biệt do sử dụng các công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước. Tuy nhiên, do thiết kế chuồng trại có hệ thống thông khí tốt nên các chất thải khí gây hại cho sức khỏe con người và vật nuôi được nhanh chóng phát tán. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn, bò ở Đan Mạch, Áo và một số nước phát triển khác có mùi hôi trong trang trại nặng hơn các trang trại ở Việt Nam khá nhiều nhưng đa số là mùi hôi của vật nuôi, ít gây hại cho sức khỏe. Các trang trại chăn nuôi ở Đức, Áo… xử lý chất thải chăn nuôi lỏng qua các hầm biogas rất tốt và khí mê tan sinh ra được sử dụng để phát điện đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các chủ trang trại, tạo động lực cho các chủ trang trại vận hành hệ thống hầm biogas rất hiệu quả. Chất thải sau biogas cũng được sử dụng để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Ngoài ra, nhiều nước phát triển trên thế giới khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân bón. Một số nước châu Âu và Nhật Bản quy định phân động vật cần phải được xử lý nhiệt hoặc ủ hoai để tiêu diệt mầm bệnh trước khi đem bón cho cây trồng. Nhiều trang trại chăn nuôi ở châu Âu trang bị máy tách ép phân để tách chất thải rắn ra khỏi phân lỏng. Chất thải rắn sau tách ép được sử dụng làm phân bón hữu cơ đem lại nguồn thu đáng kể cho chủ trang trại.
Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hướng đi của chăn nuôi hiện đại
Lâu nay, lời giải cho bài toán xử lý môi trường chăn nuôi luôn làm khó các địa phương. Để giải bài toán môi trường trong chăn nuôi, trước hết cần rà soát, quan tâm hơn đến các chế độ chính sách về môi trường để đảm bảo tính khả thi, phù hợp tổ chức triển khai đồng bộ hiêu quả. Song song với đó, cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi về việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo xử lý môi trường, an toàn dịch bệnh khi tham gia vào quá trình chăn nuôi hoặc xây dựng cơ sở sản xuất giết mổ, sơ chế, chế biến.
Theo định hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp.
TS. Võ Trọng Thành đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng: “Với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác dộng nhất định đối với môi trường. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng ta xử lý vấn đề môi trường”.
Theo đó, một số yêu cầu đối với ngành chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn bao gồm: Hoạt động chăn nuôi cần tạo ra hiệu quả kinh tế, giảm phát thải; phải có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư; Kết nối được các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông sản; phải có công cụ đánh giá việc sử dụng, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp...
TS Võ Trọng Thành đã chia sẻ một số giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đến năm 2030. Thứ nhất, hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Thứ hai, nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông chăn nuôi. Thứ ba, đào tạo, phát triển nguồn lực và năng lực cán bộ ngành chăn nuôi. Thứ tư, triển khai các dự án ưu tiên như sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nuôi côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi lợn.
Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn áp dụng mô hình này và cho kết quả tích cực. Trong đó, có thể kể đến như trang trại chăn nuôi của Công ty T&T 159 tại Hoà Bình (sử dụng toàn bộ chất thải phân bò để tái chế phục vụ cây trồng); các cơ sở chăn nuôi lợn lớn (như Dabaco, CP, Mavin…) sử dụng chất thải dùng làm khí ga, tái chế các loại sản phẩm phụ (lông da, sừng móng …) phục vụ trong chăn nuôi và tiết kiệm chi phí; Hợp tác xã Hoàng Long, Hợp tác xã Hoà Mỹ (Hà Nội) gần như tạo chuỗi khép kín và sử dụng phần lớn các chất thải để tái sản xuất phục vụ ngay trong chăn nuôi, vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Hiện Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 2020 và Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan đã có nhiều Thông tư, văn bản hướng dẫn về phát triển chăn nuôi gắn với xử lý môi trường rất cụ thể, sẽ là cơ sở để các địa phương quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tuân thủ theo quy định của Pháp luật.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1520/QĐ/TTg (ngày 6/10/2020) phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó có yêu cầu phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi. Đây là cơ sở để các địa tập trung triển khai thực hiện, sẽ mở ra một hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, trong đó có việc vận hành tái chế chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.