Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 10 năm 2024 | 10:7

Hạn chế ô nhiễm môi trường từ tái chế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp

Phụ phẩm nông nghiệp được xem là nguồn tài nguyên dồi dào, mang lại nhiều giá trị, lợi ích kinh tế nếu biết cách khai thác. Bên cạnh đó còn hạn chế ô nhiễm, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời vừa là nguồn nguyên liệu chế biến tái phục vụ sản xuất, chăn nuôi của ngành nông nghiệp.

Phế, phụ phẩm nông nghiệp đang bị lãng phí

Ngành nông nghiệp Việt Nam (nhất là lĩnh vực trồng trọt) hằng năm ước tính có hơn 45 triệu tấn rơm khô, khoảng 8 triệu tấn trấu, 30-50 triệu tấn phụ phẩm thực vật khác (lạc, ngô, đậu tương, sắn, mía, cà phê...), trong đó có tới 61% là hữu cơ có thể tái chế. Khối lượng phụ phẩm này hầu hết là xác hữu cơ như: thân, lá, vỏ, hạt, lõi... đều chứa đựng lượng dinh dưỡng rất tốt, có thể hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn phụ phẩm từ trồng trọt hiện đang đang bị bỏ ngỏ hoặc chưa khai thác hiệu quả dẫn đến lãng phí.

Đốt rơm, rạ sau thu hoạch vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường

Theo các chuyên gia, phụ phẩm nông nghiệp trong trồng trọt chủ yếu được đốt tại ruộng (chiếm 45,9%), làm thức ăn cho gia súc (chiếm 29,0%), bỏ lại tại ruộng (chiếm 8,6%), ủ phân (chiếm 5,0%), tái sử dụng cho trồng trọt (chiếm 4,1%), còn lại 7% được sử dụng cho các mục đích khác (củi trấu, nấm, độn chuồng...). Ðối với phụ phẩm của một số loại trái cây như hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng... có thể tái sử dụng để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng ngay tại những vườn xoài, thanh long, dưa hấu..., nhưng hiện đang bị bỏ đi, thậm chí không xử lý tốt còn gây ô nhiễm môi trường. Ðây được đánh giá là lãng phí trong khi sản xuất nông nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về phân bón.

Với lĩnh vực thủy sản, thống kê cho thấy, phụ phẩm từ chế biến thủy sản hiện có khoảng 1 triệu tấn (chiếm 15%-20% tổng sản lượng thủy sản chế biến). Trong đó, chế biến phi lê cá tra có tới 60%-70% là phụ phẩm; tôm phụ phẩm chiếm 35%-45% tổng khối lượng tôm nguyên liệu... Các phụ phẩm thủy sản có thể được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như collagen hay một số thực phẩm ăn liền... Do đó, giá trị từ nguồn phụ phẩm chế biến thủy sản có thể là nguồn thu đáng kể cho ngành thủy sản nếu tận dụng hiệu quả.

Riêng đối ngành trồng lúa, mặc dù rơm đã được thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán đang phát triển, nhưng vẫn không tiêu thụ hết lượng lớn hàng năm. Do đó, vẫn còn hiện tượng nông dân đốt bỏ rơm rạ tại ruộng, đây là một trong những nguyên nhân làm tăng hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Để hạn chế, các nghiên cứu phân hủy rơm rạ thành phân hữu cơ được ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước được xử lý sẽ đem lại một lượng lớn phân bón hữu cơ.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, bón liên tục phân hữu cơ rơm rạ ở mức 6 tấn/ha và bón phối hợp 60% phân NPK hóa học theo khuyến cáo thì năng suất lúa cao hơn so với bón 100% phân NPK hóa học. Như vậy, nguồn phân hữu cơ rơm rạ nếu được bón dài hạn qua nhiều năm giúp giảm được từ 40% đến 60% phân NPK hóa học theo mức khuyến cáo và cho năng suất lúa tương đương. Nếu việc phân hủy rơm rạ thành phân hữu cơ để sử dụng trong sản xuất trồng trọt được khuyến khích áp dụng rộng rãi, sẽ góp phần đáp ứng mục tiêu giảm phát thải nhà kính của Chính phủ và ngành trồng lúa có thể tham gia vào thị trường tín chỉ carbon của thế giới.

Cách làm từ Lâm Đồng

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khi nói về phát triển kinh tế tuần hoàn để tận dụng hết nguồn phụ phẩm trong ngành nông nghiệp hiện nay cũng chỉ rõ, nước ta đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp. Vậy nên tương lai nền nông nghiệp Việt cần dựa vào tri thức và công nghệ để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, việc này đã và đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Không chỉ vậy, hầu hết các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia hiện đều quy định về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải, chất thải, khí thải. Đây là tiền đề thúc đẩy nền nông nghiệp Việt tăng tốc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng đến nông nghiệp tăng trưởng xanh. Do đó, để phát huy giá trị của các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, cần giải thích cho người nông dân hiểu, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của họ trong quá trình thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Người dân dùng phế phẩm chăn nuôi làm phân hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Tại Lâm Đồng, nhiều mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững như: quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng; sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (GAP), ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; công trình khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi...; đặc biệt là triển khai Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, mang lại những chuyển biến tích cực.

Lâm Đồng có điều kiện khí hậu đặc thù, 4 vùng sinh thái riêng biệt rất thuận lợi để phát triển đa dạng hóa các loại nông sản đặc trưng như rau, hoa ôn đới, cây ăn quả và các đối tượng cây công nghiệp chè, cà phê… với hàng ngàn các loại sản phẩm khác nhau. Nhằm “đánh thức” tiềm năng đó, những năm gần đây, việc phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đã được địa phương chú trọng, triển khai. 

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, khối lượng chất thải từ chăn nuôi của tỉnh Lâm Đòng ước khoảng trên 1 triệu tấn mỗi năm. Trong đó chất thải từ chăn nuôi trâu khoảng 72 nghìn tấn, chăn nuôi bò 400 nghìn tấn, chăn nuôi lợn khoảng 321 nghìn tấn, chăn nuôi tằm khoảng 225 nghìn tấn... Thời gian qua, có khoảng trên 70% khối lượng chất thải rắn như phân, chất độn chuồng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm được thu gom, ủ vi sinh nhằm làm phân bón cho cây trồng. Đồng thời, có khoảng khoảng 80% lượng nước thải từ chăn nuôi gia súc được thu gom vào hệ thống hầm biogas để xử lý tạo khí đốt, một phần được thải vào các bể sinh học để nuôi cá và tưới cho cây trồng, đặc biệt là đồng cỏ để phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Hiện, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số mô hình theo hướng tuần hoàn. Tiêu biểu như, Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã triển khai Mô hình Thu gom, xử lý phế phụ phẩm từ trồng hoa, rau của trang trại tại xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) với quy mô trên 200 ha nhà kính. Công ty đã tái chế khoảng 35.000 - 36.000 m3 phụ phẩm hàng năm, tạo ra sản lượng phân Compost từ 24.000 - 25.000 m3/năm, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm công lao động, hiện đại hóa sản xuất thân thiện với môi trường.

Hay như Hợp tác xã phụ nữ Trùn quế Đơn Dương được thành lập năm 2019, có quy mô 1.000 m2: Sử dụng phân bò, các phế phẩm nông nghiệp (rau, củ, quả, thân cành,…) làm thức ăn cho trùn; công suất phân trùn quế đạt 140 tấn/năm cung cấp phân bón trung bình 14 ha cây trồng. Doanh thu 1 tỷ đồng/năm/1.000 m2. Đặc biệt, Lâm Đồng là địa phương sản xuất cà phê lớn, thông qua các mô hình do ngành Nông nghiệp triển khai, hiện nay, cơ bản toàn bộ vỏ cà phê thải ra trong quá trình sơ chế, chế biến đều đã được sử dụng làm phân bón (khoảng 145.000 tấn phân hữu cơ) tái phục vụ cho sản xuất.

Hướng tới nền kinh tế xanh 

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, việc sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp thời gian qua đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi, trồng trọt, góp phần hạn chế sử dụng các loại vật tư nông nghiệp và tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, sạch. Đặc biệt, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nắm bắt được các ưu điểm của nông nghiệp tuần hoàn, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai các mô hình theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, ngành Nông nghiệp tỉnh đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với hiện trạng nguồn nguyên liệu và tiềm năng phát triển, vẫn còn nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương, tình trạng lãng phí các phế phụ phẩm cây trồng, vật nuôi vẫn còn khá phổ biến.

Ông Nguyễn Văn Châu cho rằng, để phát huy những tiềm năng, lợi thế và nền tảng cơ bản về sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững trong đó chủ trương phát triển nông nghiệp tuần hoàn được đặc biệt quan tâm. 

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 với mục tiêu chung: Phát triển kinh tế tuần hoàn đảm bảo tính đồng bộ gắn kết giữa các trang trại, các doanh nghiệp, góp phần ổn định bền vững trong chuỗi sản xuất và môi trường hướng tới nền kinh tế xanh để cải thiện năng suất lao động, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hướng đến phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại. 

Cụ thể, trong trồng trọt đặt mục tiêu đạt 30% phụ phẩm trên cây rau được xử lý thành phân hữu cơ vi sinh; 100% phụ phẩm từ cây lương thực được xử lý làm phân bón hữu cơ và làm thức ăn chăn nuôi; 30% lượng phụ phẩm từ cây đậu các loại được xử lý làm phân bón hữu cơ vi sinh; 100% phụ phẩm từ các nhà máy chế biến nông sản được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi; 100% phụ phẩm từ các vườn ươm cây giống rau được ủ tái sử dụng làm giá thể ươm cây giống các loại; 100% phụ phẩm vỏ quả cà phê được xử lý làm phân bón hữu cơ vi sinh cao cấp.

Trong chăn nuôi khoảng 90% khối lượng chất thải được tái tạo làm phân bón sử dụng hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp (làm khí sinh học, ủ phân). Số lượng cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các hình thức tiên tiến khác đạt tỷ lệ khoảng 85%.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra giải pháp về nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ và phế phẩm nông nghiệp thông qua việc thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, bổ sung danh mục các dự án sản xuất phân bón từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Đồng thời, địa phương tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp. Đào tạo nghề nâng cao cho các hộ nông dân để có thể tiếp cận và vận hành các thiết bị nông nghiệp mới trong sản xuất,...

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ QDND, Congan, Baolamdong...)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top