Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 10 năm 2024 | 14:22

Hỗ trợ tái sản xuất nông nghiệp sau thiên tai cần linh hoạt, hiệu quả

Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã tham mưu thành phố nhiều giải pháp đồng bộ để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân. Trong đó, có 220 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại và bổ sung 1.200 tỷ đồng cho các quỹ cho vay. Đề xuất xuất hỗ trợ này rất cần thiết cho người nông dân, nhưng cần hỗ trợ như thế nào để tái sản xuất nhanh nhất, đúng nhất là vấn đề cần được đặt ra.

Triển khai các biện pháp hỗ trợ cho nông dân

Để khắc phục những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra đối với ngành nông nghiệp của Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã  chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hướng dẫn người dân ở quận Bắc Từ Liêm khôi phục vườn cây ăn quả bị thiệt hại do bão lũ. Anh: Hương Giang

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, trong khi chờ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ hạt giống rau, vật tư phân bón và chế phẩm sinh học xử lý môi trường đối với các hộ bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại 4 huyện: Thường Tín, Ứng Hòa, Quốc Oai, Đan Phượng. Số lượng là 8 tấn phân hữu cơ sinh học Thần nông 888HP02; 1.300 gói 200g chế phẩm vi sinh Emuniv xử lý ruộng đất và chuồng nuôi; 72 lít hóa chất xử lý môi trường Cleaashrim AP và 123,2kg hạt giống rau các loại (su hào, bắp cải, đậu trạch…) đã cấp phát toàn bộ cho người dân ở các huyện trên. “Việc hỗ trợ giống, vật tư cho bà con lúc này là rất cần thiết, nhằm chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng bão. Trung tâm và các doanh nghiệp mong muốn các hộ nhận được giống, vật tư sớm bắt tay sản xuất để tạo sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình”, bà Vũ Thị Hương nói.

Bên cạnh hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã thành lập các tổ công tác phối hợp với các địa phương xuống tận cơ sở giúp nông dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, khôi phục sản xuất. Ngoài ra, Trung tâm in 7 loại tờ gấp hướng dẫn phục hồi sau bão lũ với số lượng 18.000 tờ, giao các tổ công tác phối hợp với các địa phương cấp phát tận tay, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nông dân điều kiện, thủ tục vay vốn Quỹ Khuyến nông thành phố một cách nhanh nhất để người dân sớm có vốn khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở ban hành 6 văn bản chỉ đạo công tác khôi phục sản xuất trồng trọt sau bão lũ. Các địa phương đang cùng nông dân tích cực khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất tại các vùng rau, cây ăn quả, chăn nuôi…

Chủ trương đã có

Tại phiên thảo luận về Nghị quyết Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông góp phần khắc phục hậu quả của bão Yagi trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa diễn ra, đại biểu quận Tây Hồ đã đề xuất cơ chế hỗ trợ cho người trồng đào, quất bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão.

Với đề xuất này của đại biểu quận Tây Hồ, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết đề xuất của quận Tây Hồ là xác đáng và đề nghị sớm xem xét cơ chế để quận kịp thời hỗ trợ người dân.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết cần xem xét trình cơ chế đặc thù so với nghị quyết của Chính phủ và quyết định của UBND thành phố. "Tại kỳ họp lần này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình hỗ trợ cây vụ đông, không có hỗ trợ cây đào, quất", ông nói.

Theo Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết các đại biểu đã thống nhất danh mục cây trồng được hỗ trợ cần đa dạng hơn, bao gồm cả các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam canh, phật thủ, đào, quất, bưởi... bên cạnh các loại cây đã được Sở Nông nghiệp đề xuất. Vì vậy, bà đề nghị UBND thành phố tiếp tục rà soát và tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền.

"Thành phố tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình HĐND thành phố muộn nhất tại kỳ họp chuyên đề tháng 11 để kịp thời hỗ trợ người dân ổn định sản xuất", bà nói.

Như vậy về chủ trương HĐND thành phố đã thống nhất việc hỗ trợ cho người nông dân không chỉ bó hẹp phạm vi cây vụ đông, mà đã mở rộng đối với các loại cây trồng khác. Đây là một chủ trương rất đúng, phù hợp với thực tế và nguyện vọng của nhân dân, bởi không chỉ có người trồng lúa, trồng rau, màu mà nhiều bà con nông dân chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, hoa, cây cảnh cũng bị thiệt hại rất nghiêm trọng. Nếu chỉ hỗ trợ cho cây vụ đông mà không mở rộng các loại cây trồng khác, gia súc, gia cầm là chưa đảm bảo sự công bằng, khách quan.

Hỗ trợ cho bà con nông dân cần sự linh hoạt

Thiệt hại cho bà con nông dân và ngành nông nghiệp là rất lớn, ngay lúc này bà con nông dân đang trông chờ từng ngày vào sự hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng.

Quất cảnh ở Tàm Xá (Đông Anh) thiệt hại lên đến 90%

Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho bà con nông dân cần phải hết sức linh hoạt và thủ tục cần phải gọn nhẹ, không nên phức tạp và việc hỗ trợ không quá ít để bù đắp lại phần nào thiệt hại cho bà con.

Theo chị Hoàng Thị Ngọc ở thôn Đông, xã Tàm Xá (Đông Anh) cho biết, để có được những cây quất trưởng thành cho thu nhập phải mất từ 2 đến 3 năm chăm sóc, đợt thiên tai vừa qua người nông dâ trồng quất tại đây bị thiệt hại lên đến 90%.

“Sau bão số 3, các ngành chức năng và huyện Đông Anh có về xem xét, đánh giá thiệt hại, nhưng số tiền hỗ trợ cho bà con trồng quất tại đây lại rất ít, chỉ 2 triệu đồng/ha, hơn nữa thủ tục lại khá phiền hà. “Để nhận được khoản tiền hỗ trợ, chúng tôi phải kiểm đếm, chụp ảnh toàn bộ cây quất chết, kê khai và có xác nhận của chính quyền xã… Chúng tôi thấy phức tạp quá, nên cũng chưa ai làm”, chị Ngọc nói.

Việc hỗ trợ cho bà con nông dân lúc này là rất cần thiết, tuy nhiên cần linh hoạt trong việc hỗ trợ vì nếu không lại không thế phát huy được hiệu quả của sự hỗ trợ này.

Hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp cho các đối tượng chăn nuôi, rau màu để khôi phục lại ngay sản xuất là đúng. Nhưng đối với những người nông dân trồng hoa, cây cảnh, đặc biệt là quất và đào thì cần phải tính toán lại xem phương thức hỗ trợ sao cho hợp lý và hiệu quả nhất.

“Với bà con nông dân trồng quất cảnh như chúng tôi, việc nhà nước hỗ trợ cần thiết nhất ngay lúc này đó là tiền mặt, vì có tiền chúng tôi mới có thể tìm mua cây quất giống ở những nơi nào có, có tiền người làm nông nghiệp công nghệ cao mới cải tạo lại nhà xưởng, chứ hỗ trợ những thứ mà không đúng hoạt động sản xuất của chúng tôi sẽ rất khó khăn để tái sản xuất lại. Bên cạnh đó cũng chúng tôi cũng cần được ngân hàng khoanh nợ và cho vạy nợ mới để tái sản xuất” chị Ngọc nói.

Ý kiến của chị Ngọc ở Tàm Xá (Đông Anh) không phải không có cơ sở, bởi thiệt hại đối với nông nghiệp không chỉ ở lúa, hoa màu mà còn là nhà xưởng, là cây ăn quả có giá trị cao, là cây hoa cảnh. Vì vậy cần sự linh hoạt trong việc hỗ trợ để bà con nông dân khôi phục ngay được sản xuất, có như vậy chủ trương của thành phố Hà Nội mới thực sự đi vào trong cuộc sống của bà con nông dân.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top