Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cải cách tư pháp phải kế thừa những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp Việt Nam XHCN, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ, những kinh nghiệm quý của các nước, phù hợp với điều kiện Việt Nam...
Sáng nay (17/1), tại Thành phố Đà Nẵng, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng chủ trì hội thảo.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng chủ trì còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nhà nước pháp luật.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, thì xây dựng chiến lược cải cách tư pháp là một trong những nội dung trọng tâm và là vấn đề có tính cấp thiết.
Sau 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị (ban hành năm 2005), nền tư pháp nước ta đã có một bước tiến dài trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của các tổ chức…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án phát biểu khai mạc Hội thảo
Bên cạnh nhiều thành tựu khác của nền tư pháp nước ta, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác cải cách tư pháp thời gian qua vẫn còn không ít những hạn chế và bất cập, như còn có cách hiểu chưa thống nhất về nội hàm tư pháp, quyền tư pháp, cơ quan tư pháp, độc lập tư pháp, kiểm soát quyền lực tư pháp; một số nhiệm vụ giải pháp cải cách tư pháp đề ra trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả. Do đó, nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân vừa là yêu cầu cấp bách vừa là mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài của cải cách tư pháp.
Nêu nhiều ý kiến tâm huyết tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, khi xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta phải bám sát vào các đặc trưng của nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội thảo
Về công tác cải cách tư pháp ở nước ta thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, phục vụ phát triển đất nước, các nhà khoa học cũng đề nghị cần đánh giá được từng giai đoạn cải cách tư pháp để đánh giá các kết quả đạt được. Công tác cải cách tư pháp cần đặt trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động của cuộc cách mạng 4.0, để đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác cải cách tư pháp phải vừa đổi mới nhưng lại phải đảm bảo ổn định để phục vụ phát triển.
Trong cải cách tư pháp cũng cần tập trung cao cho hoạt động bổ trợ tư pháp; cải cách tư pháp mang lại hiệu quả cao hơn trong phòng chống tham nhũng. Nhấn mạnh cải cách tư pháp là hoạt động cần nguồn lực đầu tư tốn kém, các đại biểu cho rằng, Đảng, nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư thích đáng để nước ta có nền tư pháp văn minh, hiện đại, nền tư pháp điện tử, công nghệ số. Các đại biểu cũng nêu một số vấn đề về vai trò của cơ quan Tòa án, của Viện kiểm sát và một số cơ quan khác trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đại biểu nêu nhiều ý kiến tâm huyết, làm sáng tỏ những vấn đề cần giải quyết của chiến lược cải cách tư pháp mới, một trong những vấn đề trọng tâm của Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tán thành với các đại biểu phát biểu, Chủ tịch nước cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, kinh tế số, xã hội số và tác động sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến mọi mặt đời sống xã hội, yêu cầu cấp thiết đặt ra là tiếp tục cải cách mạnh mẽ nền tư pháp Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu này, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương và quyết tâm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, hướng tới các giá trị dân chủ, công bằng, công lý, tự do, nhân đạo, bảo đảm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN. Đây chính là trọng trách của nền tư pháp nước ta. Do vậy, cải cách tư pháp cần phải được tiếp tục đẩy mạnh, phải được nâng lên một tầm cao mới.
Các đại biểu dự hội thảo.
Từ các ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, về trọng tâm của cải cách tư pháp, đây là vấn đề được nhiều tham luận và ý kiến thảo luận đề cập rất sâu, khoa học. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đặt trọng tâm của cải cách tư pháp lấy Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm và tranh tụng là khâu đột phá.
Một số ý kiến cho rằng, trong Chiến lược cải cách tư pháp mới cần tiếp tục chọn cải cách Tòa án là khâu đột phá trong cải cách tư pháp. Bởi vì, trong hệ thống cơ quan tư pháp, Tòa án có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp đã được Hiến định, là biểu tượng của công lý, công bằng, lẽ phải, là nơi thể hiện rõ nét nhất bản chất của nhà nước pháp quyền. Phán quyết của Tòa án thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Do đó, trọng tâm của cải cách tư pháp vẫn nên tập trung cải cách tổ chức và hoạt động của Tòa án để Tòa án thực sự là trung tâm thực hiện quyền tư pháp.
Đối với nhóm ý kiến về đổi mới mô hình tổ chức các cơ quan tư pháp, Chủ tịch nước cho biết, một số ý kiến cho rằng việc duy trì các cơ quan kiểm sát, điều tra trong hệ thống các cơ quan hoạt động tư pháp hiện nay là cần thiết, nhưng cần phải có sự cải cách về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, thẩm quyền theo hướng phục vụ hoạt động xét xử của Tòa án.
Các ý kiến đều thống nhất quan điểm cần phải tiếp tục cải cách tổ chức hệ thống tư pháp và có lộ trình phù hợp, để bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Cải cách các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp là một bộ phận không thể tách rời của cải cách tư pháp để thu hút, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động bổ trợ tư pháp, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính điều hành phần thảo luận tại hội thảo
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ với các đại biểu cho rằng, Chiến lược cải cách tư pháp đề ra trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị có nhiều nội dung có tính chiến lược cao và phù hợp xu thế thời đại, nên cần nghiên cứu, kế thừa, kết hợp vận dụng sáng tạo những tiến bộ của nền tư pháp thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để thực hiện thành công chủ trương, đường lối cải cách tư pháp nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Qua thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm thống nhất về cải cách tư pháp thời gian tới. Cụ thể, thứ nhất, cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo; phải có quyết tâm chính trị cao để vượt qua thách thức, loại bỏ định kiến, rào cản nhận thức và tư tưởng cục bộ, kiên quyết, kiên trì cải cách vì một nền tư pháp công bằng, công lý, phục vụ Nhân dân.
Thứ hai, cải cách tư pháp phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới công tác lập pháp và cải cách hành chính để bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thứ ba, cải cách tư pháp hướng tới bảo đảm độc lập của tư pháp để bảo vệ và bảo đảm tốt hơn dân chủ, công bằng, công lý, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, thượng tôn pháp luật, ngăn ngừa những tác động không đúng đắn vào hoạt động tư pháp.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, cải cách tư pháp phải kế thừa những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp Việt Nam XHCN, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ, những kinh nghiệm quý của các nước, phù hợp với điều kiện Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Cùng với các ý kiến góp ý tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch nước đánh giá, hội thảo cho thấy một không khí phấn khởi, sự tin tưởng và kỳ vọng vào quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc xây dựng một chiến lược cải cách tư pháp mới. Chủ tịch nước đề nghị Tổ Biên tập Đề án tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa ý kiến của tất cả đại biểu để hoàn thiện Đề án.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.