Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 6 năm 2023 | 14:48

Hơn 8.000 công trình chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động

Cả nước còn hơn 8.000 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động, riêng Hà Nội có 1.545 công trình.

1.545 công trình tại thủ đô chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy

Liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, mới đây, Bộ Xây dựng nhận được văn bản của Bộ Công an về giải pháp khắc phục các vi phạm đối với công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Số liệu do Bộ Công an rà soát cho thấy, đến nay toàn quốc vẫn còn 8.114 công trình tại 51 địa phương chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng, chưa khắc phục đầy đủ các yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo QCVN 06:2022/BXD của Bộ Xây dựng.

Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ cháy nhà xưởng Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vào tháng 8/2019

Trong đó, riêng địa bàn TP.Hà Nội đã có 1.545 công trình, cơ sở, nhà xưởng hiện hữu chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn đưa vào sử dụng. Về loại hình công trình vi phạm rất đa dạng, tập trung đông người: siêu thị, trường học, khách sạn, trụ sở công ty, nhà xưởng, chung cư, tòa nhà văn phòng…

Đơn cử, tại Q.Đống Đa (Hà Nội) có: siêu thị Vinmart Trúc Khê của Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce; Bệnh viện Lão khoa T.Ư; tòa nhà Capital Garden của Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô; siêu thị Media Mart Việt Nam…

Tại Q.Ba Đình (Hà Nội) có các công trình: Kho bạc Nhà nước Ba Đình; chung cư 15 - 17 Ngọc Khánh; tòa nhà văn phòng Hà Nội Group của Công ty CP Phát triển nhà Hà Nội; khách sạn A25 của Công ty TNHH quốc tế Hương Anh; khách sạn Hồng Ngọc của Công ty TNHH Hồng Ngọc; Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc của Công ty TNHH BV Hồng Ngọc; Bệnh viện Medlatec của Công ty Công nghệ và xét nghiệm y học…

Tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) có các công trình: tòa nhà Discovery của Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy; Công ty TNHH tập đoàn thang máy thiết bị Thăng Long; Trường liên cấp Dewey School của Công ty CP Diên Hồng; siêu thị nội thất Rico của Công ty CP thương mại Bình Phát; Viện KSND Q.Cầu Giấy; nhà điều trị khối ngoại (Bệnh viện 19-8)…

Tại Q.Hoàng Mai (Hà Nội) có các công trình: tòa nhà chung cư Rice City của Công ty CP BiC Việt Nam; siêu thị điện máy Trần Anh Giải Phóng của Công ty CP Thế giới di động; Công ty CP Ford Thủ Đô; bến xe Nước Ngầm; Trường ĐH Thăng Long; chợ Mai Động…

Tại H.Đan Phượng (Hà Nội) có các công trình: Trường mầm non Liên Trung, Trường THCS Liên Trung, Trường tiểu học Hồng Hà, Trường tiểu học Phương Đình, Trường THCS Phương Đình của UBND H.Đan Phượng; Trường tiểu học Liên Hồng, Trường THCS Liên Hồng, Trường tiểu học Thọ Xuân, Trường THCS Thọ Xuân, Trường THPT Hồng Thái của Sở GD-ĐT Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tiến Thành; nhà xưởng sản xuất của Công ty CP XDTM sản xuất và dạy nghề Tân Tiến; nhà máy gạch Tuynel của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Alpha; hộ kinh doanh Đào Văn Tiến…

Theo Bộ Công an, khó khăn, vướng mắc của các công trình tại Hà Nội và nhiều địa phương khác thuộc 8.114 trường hợp vi phạm chưa được khắc phục chủ yếu liên quan đến các vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng của công trình đã thi công.

Cụ thể, đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình, khoảng cách phòng cháy, chữa cháy của công trình đến đường ranh giới khu đất, đến các công trình lân cận không được đảm bảo; chưa đảm bảo số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn, cầu thang trong nhà để hở…

Bộ Công an đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, nghiên cứu, thống nhất giải pháp, hướng dẫn áp dụng luận chứng theo các nhóm khó khăn, vướng mắc kể trên để xem xét theo từng công trình cụ thể để các cơ quan, tổ chức có cơ sở thực hiện thiết kế bổ sung, sau đó gửi hồ sơ đến cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

Bộ Công an giao Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an là đầu mối phối hợp với các đơn vị của Bộ Xây dựng để nghiên cứu, thống nhất.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ quản lý phòng cháy, chữa cháy

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng nhận được yêu cầu của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phối hợp với Bộ Công an xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.

Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu rà soát, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình cho phù hợp với mục đích, loại hình, công năng của công trình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công nghệ để đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, an toàn tính mạng, tài sản, không gây lãng phí nguồn lực xã hội, có tính khả thi.

Hà Nội có nhiều công trình tập trung đông người, chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động

Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất sửa đổi luật Phòng cháy, chữa cháy, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tăng cường phân cấp trong thực hiện công tác quản lý nhà nước, thẩm duyệt, cấp phép phòng cháy, chữa cháy.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ký quyết định hỏa tốc giao nhiệm vụ đột xuất cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng. Đồng thời, rà soát nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình để xác định rõ các vướng mắc, nguyên nhân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng giao nhiệm vụ biên soạn sửa đổi QCVN 06:2022/BXD đảm bảo các cơ sở khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.

TPHCM chỉ đạo khẩn gỡ vướng cho công tác phòng cháy chữa cháy

Văn phòng UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi các sở, ngành, Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức về việc thực hiện các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Trong đó, Công an TPHCM cần rà soát chính sách pháp luật về PCCC để kiến nghị UBND TP đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC cần được cải cách, cắt giảm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cơ quan này chịu trách nhiệm phân loại cụ thể cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau đợt tổng kiểm tra, rà soát. Công an TPHCM cần chủ động, kịp thời giải đáp, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ chi tiết các quy định và giải pháp để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu và đưa ra hướng xử lý.

UBND TPHCM giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Công an TPHCM và các đơn vị liên quan rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Cơ quan này cần làm rõ nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp với cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất, xây dựng. Đặc biệt, các thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết cần được nghiên cứu để kiến nghị cắt giảm.

Các sở, ngành khác có liên quan và UBND TP Thủ Đức, quận, huyện căn cứ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ xác định vai trò, trách nhiệm và xử lý ngay hạn chế, bất cập, cản trở trong quản lý Nhà nước về PCCC. Đồng thời, các đơn vị phải có giải pháp cụ thể, chi tiết để xử lý dứt điểm vi phạm về PCCC để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục vụ hiệu quả các hoạt động trên địa bàn.

UBND TPHCM chỉ đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo các bên cần kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc và các vấn đề vượt thẩm quyền về UBND TPHCM.

 

 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top