Chiều 27/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Vừa qua, tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Indonesia, Thủ tướng đã có cuộc gặp với Ngài Ajay Banga, Chủ tịch WB và gần đây, hai bên đã có thư trao đổi; qua đó, thảo luận về những giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Việt Nam và WB, một số lĩnh vực hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.
Tại buổi tiếp bà Carolyn Turk, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn coi WB là người bạn tốt, đối tác phát triển rất quan trọng; đánh giá cao sự hỗ trợ, đóng góp tích cực của WB vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam từ năm 1993 đến nay thông qua hoạt động tư vấn chính sách và tài trợ tài chính cho các dự án ODA, vốn vay ưu đãi; cảm ơn sự chia sẻ, đóng góp của bà Giám đốc cùng các đồng sự với Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị WB có nhiều phương thức, mô hình cung cấp và quản lý vốn tài trợ linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu sử dụng vốn đa dạng của Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng và Giám đốc Quốc gia WB đã trao đổi các vấn đề cụ thể, đổi mới tư duy, phương pháp luận, phương thức triển khai, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn để thúc đẩy, triển khai những dự án quan trọng, quy mô lớn có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, dẫn dắt, kích hoạt, huy động các nguồn vốn khác; cũng như triển khai dứt điểm, hiệu quả các dự án đang triển khai, tránh dàn trải và kéo dài.
Về định hướng hợp tác giai đoạn tới, Thủ tướng đề nghị WB có nhiều phương thức, mô hình cung cấp và quản lý vốn tài trợ linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu sử dụng vốn đa dạng của Việt Nam; ưu tiên thực hiện những dự án lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đường sắt TPHCM-Cần Thơ, đường sắt kết nối Hà Nội-Khu công nghệ cao Hòa Lạc; năng lượng tái tạo; nông nghiệp thông minh, phát thải carbon thấp; chuyển đổi số; ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện Việt Nam còn nhiều dư địa cho các khoản vay ODA mới do nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước đang được Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt, trong ngưỡng cho phép.
Về phần mình, Giám đốc WB tại Việt Nam Carolyn Turk nhất trí cao với Thủ tướng về định hướng triển khai các dự án có trọng tâm, trọng điểm, đạt mục tiêu đề ra.
Bà Carolyn Turk đánh giá cao tầm nhìn, định hướng phát triển và các cam kết của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải; đồng thời chia sẻ những nhận định về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và những vấn đề cần quan tâm thời gian tới, như yêu cầu bảo đảm năng lượng trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng rất nhanh; khai thác tiềm năng bán tín chỉ carbon; yêu cầu chuyển đổi số; ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long; triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp… Bà cho rằng nếu chương trình 1 triệu ha lúa được triển khai thành công, Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.
Giám đốc WB tại Việt Nam cũng nêu các đề xuất cụ thể, trong đó có các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn khi triển khai các dự án, nhất là các dự án quy mô lớn và khẳng định sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan phía Việt Nam, đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đã có ý kiến trao đổi.
Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành phản hồi về từng vấn đề WB nêu, Thủ tướng nhất trí hai bên sẽ thành lập tổ công tác để phối hợp, rà soát về quy định, quy trình để sửa đổi theo hướng tinh giản và hài hòa thủ tục giữa hai bên, bảo đảm tháo gỡ các vướng mắc, rút ngắn thời gian triển khai, nâng cao hiệu quả các dự án, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thủ tướng cho biết đã giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo trong việc tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án và giải ngân nguồn vốn WB.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.