Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 2 năm 2023 | 14:30

Hướng đi bền vững cho nông nghiệp đồng bằng

Xây dựng nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần hoàn… sẽ mở ra nhiều triển vọng và được xem là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, ở một số địa phương vùng ÐBSCL các mô hình nông nghiệp sạch đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo yếu tố môi trường…

 

Mô hình nuôi tôm sạch, siêu thâm canh ở Bạc Liêu cho hiệu quả kinh tế cao.

Tín hiệu lạc quan

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan có chuyến thăm những nông dân trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi vịt và nuôi cá tự nhiên ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông (Ðồng Tháp). Mô hình lúa - cá - vịt tại xã Phú Thành A thời điểm đầu có 8 thành viên, sản xuất khoảng 20ha lúa theo hướng hữu cơ. Trong mùa lũ 2022, 8 hộ dân này đã trữ cá đồng vào ruộng nuôi tự nhiên, đến kỳ thu hoạch bán được hàng trăm triệu đồng. Ðối với sản xuất lúa, các nông dân sử dụng giống ST25, bón vùi phân hữu cơ trước khi gieo sạ; đồng thời kết hợp thả nuôi vịt nhằm giảm bớt các loại sâu rầy và tăng thêm nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích… Các nông dân tham gia mô hình cho biết: "Lâu nay huyện Tam Nông là một trong những nơi sản xuất lúa khá lớn của tỉnh; tuy nhiên trong giai đoạn chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy chất lượng thay cho số lượng, nên nông dân phải thích nghi với cách làm mới. Và mô hình lúa - cá - vịt bước đầu cho thấy phù hợp vùng đất trũng như Tam Nông; vì vậy sẽ mở rộng sản xuất trong thời gian tới". Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao tính sáng tạo và cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của nông dân xã Phú Thành A. Việc sản xuất lúa hữu cơ, kết hợp nuôi vịt và nuôi cá tự nhiên là theo quy trình tuần hoàn, giảm phát thải; đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập, tăng lợi nhuận. "Mô hình này rất khả quan, do đó địa phương và ngành Nông nghiệp cần tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân mở rộng quy mô, nghiên cứu nhân rộng ở những vùng có điều kiện tương tự…", Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.

Ở xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) có anh Nguyễn Ðông Thái, mạnh dạn áp dụng công nghệ trồng dưa lưới trong nhà kính, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm trên vùng đất phèn mặn. Anh Thái cho biết, để tăng thêm thu nhập, anh đã tìm hiểu việc trồng dưa lưới trong nhà kính; sau khi học hỏi công nghệ, anh đi vay 300 triệu đồng từ Hội Nông dân, cộng với số tiền tích góp của gia đình hơn 400 triệu đồng để đầu tư khu nhà kính rộng 1.000m2 đất nhằm trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản. Ngoài ra, anh còn tìm tòi cách làm riêng là tạo cho trái dưa có màu vàng hồng, ngọt, mùi thơm nhẹ, nên dễ tiêu thụ. Với quy trình áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, bình quân một vụ dưa thu được khoảng 4-4,6 tấn/1.000m2. Trong một năm canh tác 4 vụ dưa lưới đã cho thu hoạch hơn 16 tấn dưa, sau khi trừ chi phí còn lời từ 250-300 triệu đồng/năm. Tới đây, anh Thái mở rộng quy mô canh tác nhằm phấn đấu tăng doanh thu lên gần 1 tỉ đồng mỗi năm; ngoài ra phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng thương hiệu dưa lưới Vĩnh Thuận.

Tại Bến Tre nhiều mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GAP được các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân nhân rộng nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ông Ðàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre) cho hay: "Cơ sở chúng tôi đang tiêu thụ bưởi da xanh ở thị trường nội địa và xuất khẩu hàng đầu tại ÐBSCL. Thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm khuyến khích sản xuất sạch, hữu cơ… bởi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới ngày càng khắt khe về chất lượng. Ðến nay, nhiều nơi đã chuyển đổi sang sản xuất sạch, chất lượng… khá tốt; cụ thể lô bưởi da xanh ở Bến Tre được xuất khẩu sang thị trường khó tính Hoa Kỳ vào cuối tháng 11-2022 vừa qua là kết quả của sự thay đổi đáng
mừng này".

Tiếp tục chuyển đổi theo hướng chất lượng

Năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Ðồng Tháp xuất khẩu nông thủy sản đạt gần 1,4 tỉ USD, đây là kết quả mà nhiều năm qua tỉnh tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng chất lượng, bền vững. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, cho biết, mục tiêu đến năm 2025 tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh". Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng lợi thế từng ngành, địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, sinh thái...

Ở Bạc Liêu, sản xuất lúa gạo chất lượng cao và nuôi tôm công nghệ cao đóng vai trò chủ lực trong tăng trưởng ngành Nông nghiệp. Ðặc biệt, vài năm nay, Bạc Liêu dồn sức xây dựng tỉnh trở thành "thủ phủ tôm" của cả nước. Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, trong đó, khẩn trương hình thành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Ðây là dự án quan trọng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện; đồng thời nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Khi dự án này hoàn thành sẽ còn góp phần phát triển du lịch bởi mô hình du lịch gắn với tham quan Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi tôm, đến nay chưa có tỉnh nào làm được…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thời gian qua và nhất là trong năm 2022 tư duy về kinh tế nông nghiệp đã có những chuyển biến rõ nét. Cũng từ sự thay đổi trong nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất đã dần dần hình thành các vùng nguyên liệu có liên kết chặt giữa doanh nghiệp và nông dân; điển hình như ở An Giang có những doanh nghiệp như Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn Lộc Trời… đã xây dựng vùng nguyên liệu lúa đáp ứng cho từng thị trường xuất khẩu. Bộ NN&PTNT luôn khuyến khích và đánh giá cao các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, đóng vai trò "dẫn dắt" cùng liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm.

Năm 2022, dù xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước đạt con số ấn tượng 53,22 tỉ USD, tăng hơn 9,3%; nhưng chúng ta không thể đi tiếp con đường sản xuất nông nghiệp lấy sản lượng, số lượng để phấn đấu nữa, mà cần mạnh dạn thay đổi theo hướng kinh tế nông nghiệp, làm sao tạo ra được giá trị gia tăng nhiều hơn. Ðiều đáng mừng là nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp, cũng như tư duy phát triển nông nghiệp đã chuyển sang một tư duy mới, mô hình mới, tăng trưởng tích hợp đa giá trị… Vì vậy, việc xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần hoàn rất cần các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới…

 

Phước Bình/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top