Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phong trào thi đua yêu nước phải xuất phát từ nhân dân, đi sâu vào nhân dân, mang lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước.
Việc khen thưởng phải bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, đúng người, đúng việc, tránh hình thức và dứt khoát chống tiêu cực, "chạy chọt". Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, các phong trào thi đua cần góp phần thúc đẩy việc xóa 100.000 căn nhà dột nát tại tất cả 74 huyện nghèo trên cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ này, các phong trào thi đua cần góp phần thúc đẩy việc xóa 100.000 căn nhà dột nát tại tất cả 74 huyện nghèo trên cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 14/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng nhiệm kỳ 2021-2026.
Phiên họp tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua-khen thưởng năm 2021, những điểm nhấn quan trọng, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2022; xem xét hồ sơ, thảo luận, đề xuất khen thưởng bậc cao đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc theo quy trình, quy định của pháp luật.
Càng khó khăn càng đoàn kết, càng sáng tạo
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp nhận định, năm 2021 là năm đặc biệt. Đất nước diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.
Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: Dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi tích cực; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục được quan tâm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân được bảo đảm; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, của bạn bè, đối tác quốc tế được tăng cường và củng cố, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.
Trong năm 2021, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã đôn đốc các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, các địa phương tổ chức các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và kế hoạch 5 năm, cao điểm là các đợt thi đua chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thi đua chào mừng bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.
Bên cạnh việc phát động phong trào thi đua tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, đơn vị, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh các phong trào thi đua phòng, chống dịch bệnh, động viên các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị tham gia. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, cần tiếp tục đánh giá, tổng kết, nghiên cứu, có hình thức phù hợp để lưu giữ, tôn vinh những "chiến công", thành quả to lớn trong phong trào thi đua phòng chống dịch vừa qua. Trong đó, ông cho rằng, 58 triệu người được hỗ trợ về an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh là con số lịch sử.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dứt khoát chống tiêu cực, "chạy chọt" trong thi đua khen thưởng, tránh "vừa khen thưởng xong lại xem xét kỷ luật" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung so sánh việc phòng chống COVID-19 là một "cuộc chiến" thực sự khốc liệt và cam go, nhưng "càng khó khăn càng đoàn kết, càng sáng tạo". Chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh với các chiến lược, giải pháp phù hợp, chuyển hướng kịp thời, hạn chế tối đa những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng người dân, kinh tế và đời sống. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã hết sức quyết liệt, năng động, "không nề hà bất cứ việc gì" để thực hiện chiến lược vaccine, miễn là có vaccine để tiêm miễn phí cho nhân dân.
Theo Bộ trưởng, trong khó khăn, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ với nhiều tấm gương sáng; các chính sách an sinh xã hội được triển khai theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Bộ trưởng cho biết, bình quân các năm trước, chúng ta hỗ trợ cao nhất là 1 triệu người trong 1 năm, nhưng riêng năm 2021 hỗ trợ trên 50 triệu người với tổng kinh phí hơn 80.000 tỷ đồng đến nay
Phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết và nỗ lực vượt khó
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo các tài liệu phục vụ phiên họp; các ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, phân tích các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm và phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới để tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Thủ tướng giao các cơ quan tiếp thu các ý kiến xác đáng để hoàn thiện các báo cáo theo hướng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn.
Thủ tướng nêu rõ, trong năm 2021, chúng ta vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên; vừa triển khai các nhiệm vụ khác với các năm trước, như tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và 7 hội nghị lớn triển khai Nghị quyết Đại hội, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước; vừa giải quyết nhiều công việc tồn đọng, kéo dài, vừa xử lý các vấn đề đột xuất, phức tạp, đặc biệt là đợt bùng phát dịch COVID-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, khó kiểm soát hơn.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã đạt kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Trong thành công chung của cả nước có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Hội đồng và phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua, khen thưởng.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, hưởng ứng lời kêu gọi hết sức kịp thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ đã phát động và ban hành Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 về kế hoạch triển khai phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19".
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại phiên họp - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở"… tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú, toàn diện. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục được quan tâm, như chương trình "Sóng và máy tính cho em" được triển khai tích cực.
Các cơ quan tiếp tục hoàn thiện thể chế cho công tác thi đua, khen thưởng, nhất là đã tập trung xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2021 và đang tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2022.
Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã ban hành hướng dẫn số 2974/HD-BTĐKT ngày 29/11/2021 về các hình thức biểu dương, khen thưởng và tổ chức gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
"Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phong trào thi đua được phát động kịp thời tới toàn dân, tạo không khí người người thi đua, nhà nhà thi đua, công tác thi đua, khen thưởng được các bộ, ban, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, cuộc chiến chống COVID-19 đã khẳng định và phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của người dân ở khắp nơi trên cả nước", Thủ tướng phát biểu.
Công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, kịp thời khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất và công tác, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Xóa 100.000 căn nhà dột nát tại tất cả 74 huyện nghèo
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn bộc lộ một số hạn chế. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có nơi có lúc chưa đầy đủ, dẫn đến hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, việc khen thưởng có nơi, có lúc chưa phản ánh hết được hết tinh thần yêu nước của nhân dân.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua, công tác khen thưởng của một số cấp, ngành chưa thực sự sâu sát. Có nơi, có lúc còn lơ là, chưa bám sát tình hình, chưa quyết liệt, mạnh mẽ, việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thúc đẩy với một số phong trào, hoạt động thi đua còn có những điểm hạn chế, bất cập, nhất là trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Công tác tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, bài học, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số nơi còn hạn chế. Các hoạt động cụm, khối thi đua chưa đồng đều, đa dạng, chưa được duy trì thường xuyên...
Thủ tướng nêu rõ: Kinh nghiệm vừa qua cho thấy, tình hình càng khó khăn, thách thức, phức tạp càng phải thúc đẩy thi đua yêu nước, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chúng ta vượt qua các khó khăn, thách thức.
Năm 2022, tình hình được dự báo sẽ có khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Thủ tướng yêu cầu công tác thi đua khen thưởng phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn, sáng tạo hơn, thiết thực hơn, đi đúng trọng tâm, trong điểm, phục vụ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, của cấp ủy các cấp.
Phải tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức, là phong trào của nhân dân, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, phong trào phải xuất phát từ nhân dân, bắt đầu từ nhân dân, đi sâu vào nhân dân, mang lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước, người dân có đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, Thủ tướng nhấn mạnh.
Công tác thi đua, khen thưởng phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và tình hình thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, phát động phong trào thi đua phù hợp tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra và hoàn cảnh cụ thể từng nơi, từng lúc, có trọng tâm trọng điểm, kịp thời tổng kết, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo hiệu ứng lan tỏa.
Thủ tướng lưu ý, trong nhiệm kỳ này các phong trào thi đua cần góp phần thúc đẩy việc xóa 100.000 căn nhà dột nát tại tất cả 74 huyện nghèo bằng nguồn lực Nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa, trong đó ưu tiên cho người có công, gia đình chính sách, vùng chiến khu cách mạng, những khu vực khó khăn…
Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ như tiếp tục thúc đẩy phong trào thi đua học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hoàn thiện dự án Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản kèm theo để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Thủ tướng giao Thường trực Hội đồng xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị chuyên đề để đánh giá sâu sắc, toàn diện các phong trào thi đua năm 2021, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục củng cố, phát triển, các phong trào đã có, đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng, phát động phong trào mới có trọng tâm, trọng điểm.
Cùng với đó, tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập được chỉ ra tại phiên họp, tiếp tục kiểm tra, rà soát, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, đúng người, đúng việc, đúng đối tượng, kịp thời, dứt khoát chống tiêu cực, "chạy chọt" trong thi đua khen thưởng, tránh "vừa khen thưởng xong lại xem xét kỷ luật".
Thủ tướng yêu cầu kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng các cấp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín; tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc để triển khai tốt hơn các nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.