Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 5 năm 2024 | 13:58

Huy động tổng lực, quyết không lùi tiến độ đường dây 500 kV mạch 3

Sáng 23/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về việc triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, các phương án bảo đảm cung ứng điện trong thời kỳ cao điểm năm 2024, 2025 và các năm tiếp theo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về việc triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, các phương án bảo đảm cung ứng điện trong thời kỳ cao điểm năm 2024, 2025 và các năm tiếp theo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan liên quan, các địa phương có các dự án, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.

Về cung ứng điện, theo các báo cáo, 5 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, diễn biến thủy văn không thuận lợi, để tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc đã được huy động cao.

Kết hợp giải pháp tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung hỗ trợ cho miền Bắc, cung ứng điện toàn hệ thống trong các tháng đầu năm 2024 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đủ nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của cả nước.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn quốc 5 tháng ước đạt 124,2 tỷ kWh, tăng 12,1% so với cùng kỳ 2023. Điện thương phẩm 5 tháng ước đạt 110,24 tỷ kWh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670 MW (ngày 27/4), tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng điện ngày lớn nhất đạt 993 triệu kWh (ngày 26/4).

Thời gian tới, theo Bộ Công Thương, hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của nhân dân trong hầu hết thời gian trong năm 2024.

Cơ sở của điều này là việc chủ động trong chuẩn bị cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện. Tổng lượng nước hiện có trong các hồ thủy điện quy đổi ra sản lượng điện là khoảng 11,3 tỷ kWh, đây là nguồn dự phòng về điện năng cho thời gian cao điểm sắp tới.

Về cân bằng công suất, miền Trung và miền Nam đáp ứng được cân bằng công suất. Tuy nhiên, miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh, đặc biệt trong các tháng nắng nóng cao điểm (tháng 6 đến tháng 8) trong trường hợp các yếu tố bất lợi xuất hiện đồng thời.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 là công việc trọng tâm, trọng điểm, đòi hỏi huy động tổng lực các nguồn lực và phối hợp tốt giữa các lực lượng; các chủ thể liên quan cần nỗ lực để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nên mưa, nắng, giông sét thất thường gây khó khăn cho công tác thi công. Tuy nhiên các bộ ngành, địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện (EVNNPT) đang cùng với các nhà thầu nỗ lực, cố gắng khắc phục bất lợi, quyết tâm hoàn thành các dự án theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao.

Đến nay, đã bàn giao 1.177/1.177 vị trí móng cột (100%), bàn giao hành lang tuyến 478/513 khoảng néo (93%). Về cung cấp cột thép, đã bàn giao 667/1.177 vị trí cột.

Về thi công, đã hoàn thành đúc móng 1.162/1.177 vị trí, đang thi công 15/1.177 vị trí; hoàn thành lắp dựng 398/1.177 vị trí cột, đang lắp dựng 222/1.177 vị trí; hoàn thành kéo dây 10/513 khoảng néo, đang thực hiện kéo dây 7/513 khoảng néo.

EVN đang quyết liệt đôn đốc các nhà thầu xây dựng tập trung nhân lực, máy móc thi công sớm hoàn thành xây dựng móng cột, lắp dựng cột, rải căng dây theo tiến độ cam kết; đôn đốc các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị (cột thép, dây dẫn, sử, phụ kiện, cáp quang...) khẩn trương hoàn thành chế tạo và vận chuyển đến công trường để lắp dựng.

Kiểm soát tiến độ đường dây mạch 3 theo từng tuần, từng ngày

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 là công việc trọng tâm, trọng điểm, cũng là việc khó, đòi hỏi huy động tổng lực các nguồn lực và phối hợp tốt giữa các lực lượng.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong triển khai đường dây 500 kV mạch 3, nhiều công việc đã và đang làm tốt, như giải phóng mặt bằng, xây dựng móng, cột, kéo dây.

Điều này có được nhờ sự vào cuộc rất tích cực của bí thư, chủ tịch UBND các địa phương; sự tham gia, ủng hộ của nhân dân, nhất là đã nhường nơi ở, nơi sản xuất kinh doanh cho dự án; sự nỗ lực của EVN và EVNNPT; các bộ, ngành liên quan cũng vào cuộc tích cực; tinh thần làm việc hăng say của 8.000-10.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trên công trường.

Thủ tướng chỉ ra 6 bài học kinh nghiệm: (1) Nắm chắc yêu cầu, nhiệm vụ, diễn biến tình hình để có giải pháp phù hợp thúc đẩy nhiệm vụ được giao, kịp thời phản ứng chính sách, giải quyết các vấn đề đột xuất, bất ngờ, xử lý các vướng mắc; (2) làm việc phải khoa học, thiết kế, hoàn thiện hồ sơ chặt chẽ, tổ chức thực hiện bài bản, lớp lang, đúng quy định của pháp luật; (3) huy động nguồn lực con người, tài chính, vật chất phù hợp, đáp ứng yêu cầu từng thời điểm, từng giai đoạn; (4) phải dựa vào nhân dân, bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; (5) chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và phát động các phong trào thi đua, đề cao các giá trị tích cực, điển hình tiên tiến, cách làm hay, kinh nghiệm tốt; (6) phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ ngành, địa phương, cơ quan.

Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, các chủ thể liên quan cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án về cột, khoảng néo, nhân lực và thông quan thiết bị.

Theo đó, các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên còn nhiều khoảng néo (mỗi tỉnh có từ 3-9 khoảng néo) chưa bàn giao, phải khẩn trương hoàn thành.

EVN tập trung làm việc, đôn đốc các nhà thầu sản xuất để bảo đảm cung ứng đầy đủ cột; rà soát lại việc nhập khẩu trang thiết bị, làm việc với các đối tác để thúc đẩy, phù hợp yêu cầu tiến độ, chất lượng.

Về nhân lực kéo dây, dựng cột, EVN tính toán, làm việc, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có năng lực và kinh nghiệm như PVN, Viettel, VNPT… các đơn vị này hỗ trợ tối đa về nhân lực, thiết bị theo đề nghị của EVN.

Với các vướng mắc liên quan đến thông quan hàng hóa là trang thiết bị cho dự án, EVN tổng hợp thông tin cụ thể (cửa khẩu thông quan, thời điểm thông quan), trao đổi, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải để giải quyết; Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải làm việc với các cơ quan chức năng của các nước; Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan các cửa khẩu để tạo thuận lợi, thúc đẩy việc thông quan.

Thủ tướng yêu cầu EVN rà soát, xây dựng lại đường găng tiến độ dự án, kiểm soát theo ngày, tuần, tới ngày 20/6 phải hoàn thành việc kéo dây dây, sau đó thí nghiệm, nghiệm thu và đóng điện chậm nhất ngày 30/6.

Việc triển khai dự án phải bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, nhất là khi thi công trên nhiều địa hình trong mùa nắng nóng, mưa lũ, nguy cơ sạt lở cao; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các bộ, cơ quan, chủ đầu tư, nhà thầu, người lao động phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thông báo cụ thể yêu cầu cho nhau.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và EVN khẩn trương tổ chức thẩm định, hoàn thiện khung chính sách bồi thường cho dự án, chậm nhất trong tuần này phải hoàn thành.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan sớm hoàn tất thoả thuận biện pháp thi công các vị trí giao chéo giữa đường dây với đường bộ, đường sắt.

Bộ Công Thương tiếp tục duy trì họp kiểm điểm hàng tuần về dự án; chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại những nước mà EVN nhập khẩu thiết bị để thúc đẩy việc này, coi đây là việc trọng tâm trong tháng 5 và 6.

Bí thư cấp ủy các địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai dự án trên địa bàn; chủ tịch UBND các địa phương thực hiện các công việc theo thẩm quyền. Các địa phương tiếp tục phối hợp các bộ ngành, nhất là EVN và EVNNPT để huy động nguồn lực, nhân lực thực hiện dự án, trong đó có lực lượng đoàn viên thanh niên; bảo đảm quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của người dân nơi có dự án đi qua, khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng với yêu cầu "còn 1 hộ cũng phải đến vận động", bàn giao mặt bằng, bảo đảm mặt bằng thi công, kéo dây.

EVN thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu, tập trung cao độ triển khai dự án với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc cả ngày nghỉ, xuyên lễ, xuyên Tết… đồng thời bảo đảm khả năng tái tạo sức lao động và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; giải quyết các thủ tục thanh quyết toán kịp thời, quyết tâm hoàn thành dự án, đóng điện vào ngày 30/6 tới.

Cung ứng điện: Vượt thử thách trong tháng 4 nóng nhất lịch sử

Về cung ứng điện, Thủ tướng chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh trong quý I và tháng 4, 5 năm 2024 với chuyển biến tích cực của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, địa phương kéo theo nhu cầu điện năng tăng cao. Theo dự báo, nhu cầu điện cả năm tăng khoảng 9%, nhưng mấy tháng vừa qua đã tăng 13%, nhu cầu điện miền Bắc lúc cao điểm tăng tới 17% so cùng kỳ.

Đến thời điểm này, nhờ rút kinh nghiệm của năm 2023, các cơ quan đã điều hành tốt hơn, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu điện, nhất là vượt qua được thử thách trong tháng 4 nóng nhất trong lịch sử vừa qua.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, phải nỗ lực hơn nữa, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, dự báo sát tình hình, chuẩn bị phương án cao nhất, sẵn sàng với khả năng xấu nhất có thể xảy ra để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thời gian tới, đặc biệt là trong tháng 6/2024 khi dự kiến cuối tháng 6 đường dây 500kV mạch 3 mới hoàn thành.

Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể liên quan nguồn điện, tải điện, sử dụng điện, phân phối điện, sử dụng điện, giá điện; giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các cơ quan thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa các nguồn điện, kể cả nhập khẩu, nhưng tận dụng tối đa khả năng trong nước; điều phối thật tốt, phù hợp, hiệu quả các nguồn, gồm nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối… các nhà máy điện phải tính toán thời điểm bảo dưỡng, bảo trì thích hợp, không dừng hoạt động cùng lúc các nhà máy.

Tập đoàn Than-Khoáng sản và Tổng công ty Đông Bắc khai thác, đáp ứng tối đa nhu cầu than, hạn chế tối đa nhập khẩu than, về việc này phải tính lợi ích tổng thể chứ không vì lợi ích cục bộ; các cơ quan chức năng làm tốt việc phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi khai thác lậu, buôn lậu than.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan, EVN cân nhắc, tính toán, vận hành phù hợp, hiệu quả nhất các hồ chứa thủy điện, bảo đảm uyển chuyển, linh hoạt, không "giật cục", nếu tình hình thuỷ văn thuận lợi thì tranh thủ khai thác tối đa nguồn thuỷ điện, tránh lãng phí.

Về tải điện, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành các đường dây đang xây dựng, trong đó có đường dây 500 kV mạch 3 và có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư vào truyền tải điện với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành, trình ban hành các nghị định liên quan mua bán điện trực tiếp; khuyến khích điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG trên cơ sở lắng nghe ý kiến các bên liên quan để chính sách đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phát sinh các vấn đề phức tạp.

Thủ tướng cũng lưu ý phân phối điện phù hợp, hiệu quả, cân đối giữa các vùng miền; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện, làm tốt công tác truyền thông về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; giá điện cần phù hợp khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp, khả năng của nền kinh tế và khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực cần ưu tiên, huy động nguồn lực xã hội.

Thủ tướng cho ý kiến cụ thể về các đề xuất, kiến nghị tại cuộc làm việc, giao các cơ quan xử lý khẩn trương, kịp thời.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng yêu cầu EVN, Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời công bố thông tin chính thống, chính xác, bác bỏ các thông tin không chính xác về cung ứng điện để người dân, doanh nghiệp yên tâm, như vừa qua đã khẳng định thông tin kêu gọi một số doanh nghiệp ở phía Bắc tự nguyện giảm 30% mức sử dụng điện là không chính xác.

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top