Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 12 năm 2022 | 14:9

Khai mạc Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII

Sáng 9/12, tại Trung tâm hội nghị của tỉnh 25B, TP Thanh Hóa, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã khai mạc Kỳ họp thứ 11.

Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII sẽ nghe, thảo luận và thông qua các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023. Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023, Báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh về công tác xét xử, thi hành án hình sự năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc tổ chức và hoạt động của hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh.

                         

                                                                Các đại biểu tham dự kỳ họp

Tại kỳ họp, các đại biểu cũng sẽ xem xét quyết định 39 tờ trình của UBND tỉnh về những vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, chủ trương đầu tư các dự án, các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, tiến hành các thủ tục bãi nhiệm đại biểu HĐND, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026, tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi, đan xen không ít khó khăn, thách thức.

                               

                                 Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khai mạc kỳ họp

Từ đầu năm 2022 đến nay, với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, trách nhiệm cao, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 1 kỳ họp thường kỳ và 5 kỳ họp chuyên đề, thông qua 113 nghị quyết. Các nghị quyết được thông qua đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh. Trong đó có những nhiệm vụ mang tính đột xuất, cấp thiết, quan trọng liên quan đến đầu tư công, việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Tại kỳ họp cuối năm quan trọng này, thực hiện chức năng cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định những vấn đề lớn thuộc thẩm quyền, gồm: HĐND tỉnh sẽ xem xét các báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm 2022, dự toán và phương án phân bổ ngân sách năm 2023, tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, các đại biểu HĐND tỉnh tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng, ngắn gọn có trọng tâm. Chất vấn đúng và trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm.

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; song tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Nổi bật là, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tỷ lệ số ca mắc Covid-19 và tử vong thuộc nhóm thấp của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra, đứng thứ 7 cả nước. Sản xuất công nghiệp- xây dựng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước đạt 16,31% và có 22/25 sản phẩm tăng so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ, thành lập mới doanh nghiệp vượt 20% kế hoạch.

                               

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế của tỉnh với HĐND tỉnh.

Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách xã hội và cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tai nạn giao thông chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.

Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ rõ 10 khó khăn, hạn chế và chỉ rõ những nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế. Báo cáo cũng đã nêu lên mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023.

Theo đó, năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham gia góp ý vào 49 dự thảo luật, văn bản của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh. Đồng thời, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 986 hội nghị phản biện xã hội đối với các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ các cấp được thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra và đi vào nề nếp, có chất lượng, tập trung giám sát những vấn đề được nhân dân quan tâm, đã chủ trì thực hiện 1.488 cuộc giám sát, các ban thanh tra nhân dân giám sát 718 vụ việc, kiến nghị giải quyết 225 vụ việc.

Trong kỳ họp lần này cử tri gửi ý kiến, kiến nghị đến HĐND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để mở rộng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tăng khả năng cạnh tranh nông sản, hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến nông, lâm sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của từng vùng trên địa bàn tỉnh.

Cũng trong kỳ họp lần này HĐND tỉnh tiếp tục xem xét thông qua nghị quyết về thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023- 2025, các nghị quyết và chủ trương đầu tư các dự án về cung cấp nước sạch, điều chỉnh các dự án di dân, sắp xếp dân cư, an toàn thông tin mạng, giám sát an ninh và truyền thanh thông minh.

Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh dự kiến diễn ra từ ngày 9 - 11/12. Kỳ họp lần này dự kiến chất vấn và trả lời chất vấn các nội dung ở lĩnh vực an ninh trật tự, nông nghiệp và xây dựng.

 

 

Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top