Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 26 tháng 11 năm 2022 | 10:33

Khai mạc Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 7

Tối 25/11, UBND huyện Cao Phong (Hòa Bình) tổ chức Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 7 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm 2022. Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm nay có hơn 200 gian hàng tham gia.

Cao Phong nhiều điều kiện để phát triển mạnh các loại cây ăn quả có múi (CAQCM), trong đó chủ lực là cây cam. Hiện nay, tổng diện tích CAQCM toàn huyện đạt trên 1.700ha, trong đó có hơn 1.300 ha cam; sản lượng niên vụ năm 2022 - 2023 ước đạt trên 20.000 tấn. Nhìn chung, cam cũng như các loại CAQCM của huyện được trồng bằng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng VSATTP, rất được thị trường ưa chuộng. Năm 2014, cam Cao Phong trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Năm 2016, sản phẩm vinh dự nằm trong "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng” và được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam.

Các gian hàng hoa quản bày lễ hội.

 

Với chất lượng đã được khẳng định, cam Cao Phong có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, trở thành nông sản đặc trưng, tiêu biểu nhất, là thế mạnh để huyện Cao Phong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp. Sau 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, huyện long trọng tổ chức Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 7 và hội chợ thương mại nhằm tiếp tục quảng bá, nâng cao giá trị của cam Cao Phong, tạo điều kiện thuận lợi để cam Cao Phong phát triển ổn định, có điều kiện tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước. Lễ hội và hội chợ được tổ chức từ ngày 25/11 đến hết ngày 02/12/2022.

Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm nay có hơn 200 gian hàng, trong đó có 70 gian hàng trưng bày và bán những sản phẩm cam, quýt, bưởi đặc sản, có đầy đủ các loại cam như: cam Lòng vàng, cam Đường canh, cam Xã đoài và 120 gian hàng thương mại tổng hợp, chia thành các khu của làng nghề truyền thống, các công ty du lịch, gian hàng ẩm thực, gian hàng giới thiệu sản phẩm thuộc chương trình OCOP của các địa phương... Bên cạnh đó, còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm nét văn hóa, như: trò chơi dân gian, hát giao duyên, thăm quan du lịch sinh thái, trải nghiệm ẩm thực các món ăn dân tộc…

Các đại biểu bấm nút khai mạc Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 7 và Hội chợ thương mại  huyện Cao Phong năm 2022.

 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, cho biết, Lễ hội Cam Cao Phong là dịp để quảng bá, bảo vệ và phát triển mạnh mẽ hơn thương hiệu cam Cao Phong. Qua đây, tạo cơ hội giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, tìm kiếm liên kết vùng cho sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có các loại cây ăn quả có múi của tỉnh và sản phẩm cam Cao Phong của huyện.

Để phát huy thế mạnh, tiềm năng của huyện Cao Phong, thời gian qua, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp, bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Riêng đối với vùng trung tâm, chủ trương của huyện tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cam, quýt, bưởi, mía…  

Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thăm gian hàng và thưởng thức chất lượng cam Cao Phong.

 

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân huyện Cao Phong trong quá trình xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Trải qua 6 lần tổ chức thành công, lễ hội cam đã thực sự trở thành dấu ấn riêng của huyện Cao Phong, là minh chứng sống động cho công tác xây dựng, giữ gìn và phát triển thương hiệu nông sản đã được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý của huyện. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nhằm quảng bá văn hóa truyền thống, đẩy mạnh phát triển du lịch của địa phương, đưa Cao Phong trở thành điểm đến hấp dẫn, lý tưởng đối với du khách trong và ngoài tỉnh.

Ông Sứ nhấn mạnh, với niềm tự hào là nơi có sản phẩm nông nghiệp đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của tỉnh được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, huyện Cao Phong cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm gìn giữ, phát triển thương hiệu cam Cao Phong, từ đó, thể hiện vai trò là địa phương tiên phong trong quá trình phát triển bền vững CAQCM của toàn tỉnh. Từ thành công bước đầu của huyện Cao Phong, các sở, ban, ngành, địa phương sẽ tích cực vào cuộc để xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc trưng của tỉnh, tạo thêm cơ hội để nông sản vươn xa đến các thị trường trong nước và quốc tế.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top