Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024 | 14:35

Khánh Hòa: Bàn giải pháp phát triển du lịch xanh và bền vững

Ngày 26/4, tại TP. Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn chính sách địa phương chuyên đề “Phát triển du lịch xanh và bền vững”.

Tại diễn đàn, hơn 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư, lãnh đạo địa phương đã trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng, tiềm năng, thế mạnh của du lịch Khánh Hòa; từ đó bàn giải pháp, cơ chế, định hướng để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển du lịch xanh và bền vững trên địa bàn tỉnh.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết: Du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới hiện nay, phát triển với tốc độ cao, mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội. Với sự tăng trưởng liên tục trong nhiều thập kỷ qua, du lịch đã và đang khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh nhất và lớn nhất trên bình diện quốc tế, góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng chung của các quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu khai mạc.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, thời gian qua, du lịch Khánh Hòa đã có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, làm tiền đề tiếp nối thành công của giai đoạn trước. Hình ảnh du lịch Khánh Hòa ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn và nhận được sự yêu mến của bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. 

Năm 2023, tổng số lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 7,2 triệu lượt khách, tăng 181,6% so với năm 2022; trong đó 2,4 triệu lượt khách quốc tế, gấp 8 lần so với năm 2022. Doanh thu du lịch ước thực hiện cả năm đạt ước đạt hơn 33.000 tỷ đồng, tăng 143% so với năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ngành du lịch hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên..., những vấn đề trong quản lý môi trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng…

Vì thế, để du lịch phát triển bền vững, điều tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh. Bên cạnh đó, phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.

Ngành du lịch là ngành mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

Theo định hướng chung của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển. 

“Vì vậy, tôi hy vọng rằng, thông qua diễn đàn này chúng ta sẽ đưa ra được những giải pháp, định hướng để xây dựng du lịch Khánh Hòa là một ngành du lịch xanh và phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng trong tương lai”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương

Khánh Hòa là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, có ưu thế nổi trội về tài nguyên du lịch biển và với hệ thống đảo, quần đảo, vịnh ven bờ nổi tiếng (Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang) cùng với các bãi tắm đẹp, vùng biển, đảo với đa dạng sinh học, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển… Khánh Hòa còn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế biển, có thể tiếp cận thuận lợi bằng đường bộ, đường không, đường biển, đường sắt.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho rằng: Trong nhiều năm qua, Khánh Hòa đã trở thành trung tâm du lịch biển, đảo tầm cỡ của cả nước và khu vực với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch chất lượng cao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển hiệu quả, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và du lịch cả nước. 

Tuy nhiên, những kết quả chung đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của trung tâm du lịch biển đảo có nhiều ưu thế nổi trội; đại dịch Covid-19 xảy ra cho thấy khả năng thích ứng với biến động bất thường, khủng hoảng còn thấp, tính mùa vụ và phụ thuộc vào một số thị trường còn khá rõ rệt, đặc biệt thách thức về bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển. 

“Chính vì vậy, phát triển du lịch xanh và bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, lợi thế kinh tế biển để đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng thích ứng linh hoạt với biến động kinh tế, xã hội và môi trường, đưa Khánh Hoà trở thành trung tâm du lịch biển chất lượng cao của khu vực và thế giới là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Phát triển du lịch gắn với tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng

Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia, để phát triển du lịch xanh và bền vững, thời gian tới, tỉnh Khánh Hoà cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, quản lý môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh. Khuyến khích áp dụng các giải pháp sản xuất du lịch “xanh”, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động du lịch…

Xây dựng du lịch Khánh Hòa thành ngành du lịch xanh, phát triển bền vững.

Tỉnh cũng cần đa dạng sản phẩm du lịch hướng tới đa dạng thị trường khách du lịch. tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao, hướng tới đáp ứng nhu cầu đa dạng thị trường khách du lịch. 

Ông Nguyễn Trùng Khánh lưu ý tỉnh cần đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện, bảo vệ môi trường biển, thích ứng với biển đổi khí hậu, khai thác văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương. Phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển, đảo và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. 

Địa phương phải tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tương xứng với trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đồng thời ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điểm đến du lịch xanh, phát triển điểm đến du lịch thông minh, kiểm soát hoạt động du lịch nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, kiểm soát chất lượng môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để xúc tiến, quảng bá du lịch.

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cần nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng, du khách và doanh nghiệp về du lịch xanh và bền vững. Công tác tuyên truyền, giáo dục về du lịch xanh, bền vững cần được tiến hành thường xuyên cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt cho cộng đồng, du khách và doanh nghiệp với các hình thức đa dạng, hiệu quả, thực chất, hướng tới hình thành lối sống “xanh” và tiêu dùng du lịch “xanh”.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, để phát triển du lịch biển Khánh Hòa theo hướng xanh và bền vững, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp theo 6 yêu cầu cơ bản sau gồm: Duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển du lịch; Bảo tồn được thiên nhiên biển, bao gồm các hệ sinh thái và cảnh quan biển, ven biển và đảo; Bảo vệ được môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái.

Cùng với đó là phát triển hiệu quả du lịch biển dựa trên nền tảng của chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực thi nghiêm túc pháp luật về biển, về du lịch và môi trường; Truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức về du lịch biển xanh và bền vững cho du khách, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top