Sáng 14/12, thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự, phát lệnh khởi công và phát biểu tại buổi lễ. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong xúc tiến thu hút đầu tư đồng bộ cảng Liên Chiểu - dự án được kỳ vọng mang đến diện mạo mới cho khu Tây thành phố, mở ra cơ hội phát triển logistics, thương mại, dịch vụ cho vịnh Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung.
Nằm ở vị trí kín gió, nước sâu, kết nối với nhiều tuyến hạ tầng giao thông huyết mạch quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển Việt Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây (nối Việt Nam, Lào, Thái Lan…), cảng Liên Chiểu theo khảo sát, đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là hoàn toàn đủ điều kiện để đầu tư thành cảng quốc tế với quy mô ngang với Tân Cảng (TP.HCM) và Lạch Huyện (Hải Phòng)…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là có vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh của đất nước. Việc thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta năm 1858 chính ở cửa biển Đà Nẵng này đã cho thấy vai trò chiến lược của Cảng Đà Nẵng như thế nào".
Tận dụng lợi thế này, từ nhiều năm trước, Đà Nẵng đã ấp ủ một kế hoạch dài hơi để đầu tư khu vực cảng này với nhiều lĩnh vực: đô thị cảng biển, logistics… Đến nay, qua nhiều năm nghiên cứu, Dự án đã cơ bản chín muồi, đủ điều kiện khởi công xây dựng phần hạ tầng dùng chung và thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực đi kèm.
Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 25/3/2021; TP. Đà Nẵng phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng biển Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu trên tổng diện tích gần 470 ha ngày 18/4/2022. Theo đồ án quy hoạch đã điều chỉnh, tổng diện tích khu cảng biển Liên Chiểu là 450 ha.
Dự án được kỳ vọng mang đến diện mạo mới cho khu Tây thành phố Đà Nẵng, mở ra cơ hội phát triển logistics, thương mại, dịch vụ cho vịnh Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung.
Tháng 6/2022, UBND Thành phố phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, với quy mô đầu tư gồm xây dựng: xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa 6.000 - 8.000 TEU. Đây là công trình giao thông, dự án nhóm A với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP. Đà Nẵng).
Cảng biển Liên Chiểu được quy hoạch làm cảng loại 1 và trong tương lai sẽ là cảng đặc biệt. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và là 1 trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cảng Liên Chiểu có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải tỏa giao thông nội đô, qua đó giúp đưa cảng Tiên Sa sớm thành cảng du lịch. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, cảng Liên Chiểu không chỉ là điểm đột phá về hạ tầng giao thông, logistics, mà sẽ kéo theo ngành du lịch và dịch vụ của Đà Nẵng cùng phát triển.
Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng đánh giá, khởi công xây dựng cảng Liên Chiểu là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ cảng Liên Chiểu - cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung nhằm tăng cường kết nối vùng và liên vùng, là đòn bẩy góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và khu vực trong thời gian tới. Đồng thời, việc khởi công Dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Đà Nẵng.
Cuối tháng 11/2022, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án. Theo đó, Liên danh Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO - Công ty CP Xây dựng Xuân Quang trúng thầu với giá 2.945,63 tỷ đồng (giảm 208,25 tỷ đồng so với giá gói thầu).
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.