Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 7 năm 2023 | 9:52

Không để cháy rừng xảy ra khi thời tiết nắng nóng kéo dài

Nhiệt độ cao kéo dài nhiều ngày là điều kiện để cho cháy rừng xảy ra, vì thế, công tác tuần tra kiểm soát, giáo dục người dân có ý thức phòng chống cháy rừng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng cần phải xử nghiêm minh người dân, các đối tượng chặt phá rừng, đốt rừng làm nương trong thời điểm này, đồng thời đưa lực lượng thanh niên tham gia vào công tác phòng chống cháy rừng này.

Đã xuất hiện cháy rừng khi nhiệt độ tăng cao

Thời này này khi mà nhiệt độ không chỉ ở các trung tâm và thành phố lớn liên tục tăng cao, nhiều nơi nhiệt độ ban ngày ngoài trời đã trên 40 độ C. Ở các địa phương có rừng nhiệt độ cũng không phải là thấp, nắng nóng kéo dài và không có mưa trong nhiều ngày qua đã làm cho thảm thực vật ở dưới những tán rừng khô, rất dễ bắt lửa nếu như người dân khi lên rừng không cẩn thận, chỉ cần một đốm lửa nhỏ từ mẩu thuốc lá cháy chưa hết vứt xuống cũng có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.

Vào lúc khoảng 13h ngày 5/7 tại khu vực rừng phi lao phòng hộ ven biển ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã xảy ra cháy.

Chính quyền và người dân địa phương nỗ lực dập lửa, khống chế đám cháy rừng.

Ngay sau khi phát hiện đám cháy, lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn đã cố gắng hết sức để dập lửa, tránh tình trạng đám cháy lan ra diện rộng và đặc biệt khống chế để đám cháy không lan đến nhà các hộ dân sống gần khu vực xảy ra cháy rừng. Đến 18h chiều, đám cháy đã cơ bản được khống chế, lực lượng chức năng trên địa bàn đang tiếp tục tạo những đường băng xung quanh nơi xảy ra cháy rừng để phòng tàn tro trong thực bì bắt lửa bùng phát trở lại.

Nguyên nhân xảy ra vụ cháy rừng bước đầu được xác định là do ngọn lửa xuất phát ở một đám cháy do người dân đốt rác vào thời điểm giữa trưa. Sau đó, tàn tro đã bị gió thổi bay gặp thực bì khô nên tạo những đám cháy lan rộng.

Trước đó, vào lúc 11h30 ngày 4/7 vừa qua, người dân phát hiện đám cháy bùng phát tại rừng keo thuộc tiểu khu 43, địa bàn thôn Bình Thủy, xã Kim Hoa. (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã xảy ra một vụ cháy rừng gây thiệt hại gần 2ha rừng keo lâu năm.

Khu vực rừng keo bị cháy

Đến khoảng hơn 13h cùng ngày, đám cháy cơ bản được khoanh vùng, khống chế, dập tắt. Lực lượng chức năng cử người trông coi, chủ động phòng tránh nguy cơ lửa bùng phát trở lại.

Ông Lê Ngọc Danh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn cho biết, khu vực rừng bị cháy là rừng cây keo được trồng từ năm 2016. Đây là rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ sông Ngàn Phố giao khoán cho hộ dân sản xuất. Nguyên nhân gây ra vụ cháy rừng vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, các tỉnh miền Trung, nắng nóng dự báo kéo dài đến khoảng 16/7. Từ 17/7, nắng nóng suy giảm dần. Trọng tâm của nắng nóng là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế với nhiều ngày xuất hiện nắng nóng đặc biệt gay gắt trên 39 độ, vì thế nguy cơ cháy rừng là rất cao nếu như chúng ta không cảnh báo và có những biện pháp quyết liệt để phòng chống cháy rừng.

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm và cấp cực kỳ nguy hiểm

Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 cho biết, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết khu vực tỉnh Nghệ An cường độ nắng nóng tiếp tục kéo dài, trời nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao, nền nhiệt độ phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi hơn 39 độ C.

Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 đã có cảnh báo cấp cháy rừng trên các khu vực rừng địa bàn tỉnh Nghệ An từ cấp IV - cấp nguy hiểm, đến cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Cùng với đó, triển khai tốt công tác cảnh báo cháy rừng tại chòi canh lửa trên địa bàn tỉnh, theo dõi hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); làm tốt công tác cảnh báo, dự báo cấp cháy rừng sớm đến chính quyền địa phương, chủ rừng và nhân dân để nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phù hợp để phòng cháy và chữa cháy rừng. Các địa phương chủ động tổ chức việc ký kết hiệp đồng lực lượng và phương tiện với các đơn vị quân đội, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn để thống nhất cơ chế huy động lực lượng trong các tình huống cháy rừng lớn xảy ra; không để xảy ra tình trạng đốt nương, rẫy, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng; làm giảm vật liệu cháy trong rừng trên địa bàn vào những ngày có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV và cấp V.

Khi cháy rừng xảy ra, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh phải có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy. Đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xảy ra cháy, phải chủ động có phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và các lực lượng khi tham gia chữa cháy rừng.

Theo thống kê, tỉnh Nghệ An có 962.230,49 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên có 789.933,97 ha và rừng trồng có 172.296,52 ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 173 khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, trong đó có 15.476 ha rừng trồng thông nhựa, 720 ha rừng hỗn giao bạch đàn, hơn 42.900 ha rừng tre nứa và 173.867,34 ha rừng hỗn giao gỗ - tre nứa. Từ ngày 3/8/2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy rừng.

Kiểm lâm tích cực tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các vụ chặt phá rừng

Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm ở Hà Tĩnh đã tập trung tham mưu, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, toàn lực lượng đã chủ động vào cuộc, tăng cường tuần tra, kiểm tra (khoảng 300 lượt/tháng) để bảo vệ rừng tại gốc, giám sát việc sử dụng rừng của chủ rừng, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp và phối hợp cùng chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Cán bộ kiểm lâm Hương Khê kiểm đếm tang vật thu giữ được trong các vụ vi phạm lâm luật.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh Nguyễn Đình Lưu cho biết: “Ngoài đảm bảo phòng cháy, chữa cháy rừng, thời gian vừa qua, chúng tôi đã tập trung tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để làm tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, nhất là sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ sẻ phát, lấn chiếm rừng tự nhiên. 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 7 vụ phá rừng trái pháp luật tại xã Kỳ Tây, Kỳ Sơn, Kỳ Lạc, Kỳ Khang, xử phạt hành chính 110 triệu đồng”.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh - Hoàng Quốc Huấn cho biết: “6 tháng đầu năm nay, lực lượng Kiểm lâm Hà Tĩnh đã phát hiện và xử lý 104 vụ vi phạm; trong đó khởi tố hình sự 1 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 103 vụ, tịch thu hơn 41 m3 gỗ các loại, 56 cá thể động vật hoang dã, xử phạt hành chính hơn 995 triệu đồng. Các vụ vi phạm đã được ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm đúng người, đúng hành vi và không để xẩy ra khiếu nại, tố cáo”.

Vừa qua lực lượng Kiểm lâm huyện Hương Khê phát hiện Nguyễn Thanh Huân (SN 1990, trú xã Lộc Yên) chặt phá rừng trái phép để trồng keo ở khoảnh 8, tiểu khu 227 (xã Lộc Yên). Kiểm tra cho thấy, từ cuối năm 2022 đến giữa tháng 5/2023, ông Huân đã chặt 69 cây rừng, thuộc nhóm 7 và nhóm 8. Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với Công an xã Lộc Yên lập biên bản, xử phạt hành chính gần 12 triệu đồng, tịch thu số cây bị chặt và thực hiện các biện pháp răn đe, giáo dục khác.

Ngoài việc tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các vụ chặt phá rừng, đốt rừng làm nương gây cháy, các địa phương còn phát động phong trào bảo vệ rừng, đưa lực lượng thanh niên vào công tác này.

Đoàn viên thanh niên tham gia phòng, chống cháy rừng

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An. Hiện tại, tỉnh này đang có diện tích rừng lớn nhất cả nước với trên 1.160.000 ha rừng. Tại đây, phong trào trồng rừng khá mạnh khi mỗi năm, địa phương này trồng mới được 15.000 - 19.000 ha rừng, theo đó sản lượng khai thác rừng trồng hàng năm đạt khoảng 1.659.000 m3.

Hơn 250 đoàn viên, thanh niên cùng các cán bộ kiểm lâm tham gia phát quang, thu gom thực bì tại khu vực rừng huyện Nam Đàn.

Với diện tích rừng lớn kết hợp với vị trí địa lý thường xuyên bị ảnh hưởng của gió lào nên hàng năm khi mùa nắng nóng tới, địa phương này dễ xảy ra hiện tượng cháy rừng. Hiện tại, tỉnh này đang đứng trước đợt cao điểm dễ sảy ra cháy rừng nhất khi có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao với cấp độ IV-V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng cháy, chữa cháy rừng và phát quang, thu gom thực bì, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan đã tổ chức hoạt động cao điểm phòng cháy, chữa cháy rừng và phát quang, thu gom thực bì.

Sáng 9/7 vừa qua, tại huyện Nam Đàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan đã tổ chức hoạt động cao điểm phòng cháy, chữa cháy rừng và phát quang, thu gom thực bì đợt 1 - năm 2023.

Tại buổi lễ này, có sự tham gia của 250 đoàn viên, thanh niên đến từ Tỉnh đoàn, huyện Nam Đàn và các chiến sĩ lực lượng vũ trang. Ngay sau buỗi lễ, các đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang đã nhận công cụ và thực hiện phát đường băng cản lửa, thu dọn thực bì tại với 9 điểm ở các cánh rừng trên địa bàn huyện Nam Đàn, chủ yếu tập trung tại khu vực mộ Vua Mai Hắc Đế, núi Đụn...

Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân cần nâng cao nhận thức hơn nữa trong việc tham gia bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt là trong thời điểm các vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra trong thời gian quà qua trong địa bàn tỉnh Nghệ An do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Thời tiết còn diễn biến phức tạp, nhiệt độ cao, nắng nóng còn kéo dài nhiều ngày nguy cơ cháy rừng là rất cao nếu chúng ta không có những biện pháp phòng ngừa. 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top