Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 23 tháng 10 năm 2022 | 11:38

Kim Ngọc cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa

Cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp đang được Kim Ngọc (Bắc Quang - Hà Giang) thực hiện khá thành công.

Từ chỉ có 1 hộ nuôi ốc nhồi  (năm 2021) thì nay đã có 25 hộ tham gia. Diện tích trồng ngô sinh khối từ 8ha tăng lên 25ha. Diện tích chuyển đổi rừng kinh tế trồng quế là 250 ha; đàn trâu trên 1.200 con, đàn lợn 3.300... 

Ốc nhồi có giá 65 - 70 ngàn đồng/kg 

Thôn Mâng (xã Kim Ngọc) là một trong những địa phương có nhiều hộ triển khai mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm và đạt được những thành công trong bước đầu thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hoá.

Nhiều gia đình đã có thu nhập hàng chục triệu đồng nhờ nuôi ốc nhồi thương phẩm

Tính theo mỗi sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ruộng khi chuyển đổi sang nuôi ốc, người nông dân thôn Mâng đã thu lãi hàng chục triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Anh Nguyễn Văn Bẩy vui vẻ: Năm ngoái chỉ có gia đình tôi chuyển ao nuôi ốc nhồi, được xã đánh giá cao, để người dân trong thôn học hỏi. Năm nay, mô hình nuôi ốc nhồi đã lan rộng, có 25 hộ tham gia. Mỗi gia đình một ao, mỗi ruộng được đắp bờ kỹ rồi cày bừa cải tạo lại, sau đó đem phân lợn, phân trâu ủ tại ruộng cho hoai mục; sau thời gian ngắn cày lên, bừa lại cả phân ủ lẫn bùn cho thật nhuyễn và khi thấy nước trong lại thì đem thả ốc giống vào nuôi. Thả ốc giống nuôi khoảng 3 tháng sẽ có ốc thương phẩm bán ra thị trường. Giá bán ốc nhồi tại nhà ngay trong thôn Mâng dao động  65 – 70 ngàn đồng/kg. Ốc nhồi của thôn Mâng chủ yếu được bán buôn cho thương lái đặt hàng ở các nơi tìm về, số còn lại được người dân bày bán ngay trục đường Quốc lộ 279 cho khách qua đường. Ốc nhồi thôn Mâng mang ra tới đâu, người dân bán hết tới đó. Cứ đà ốc bán được giá và đắt hàng như năm nay thì người dân thôn Mâng sẽ còn mở rộng diện tích nuôi. Nuôi ốc nhồi khá dễ, ít rủi ro lại bán lãi gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa thông thường.  

Các hộ đã tự sản xuất được ốc giống

Trồng cỏ nuôi trâu, bò vỗ béo

Tại thôn Tân Điền, ông Nguyễn Ngọc Luân cho biết: Gia đình chuyển đất trồng lúa sang trồng cỏ nuôi trâu vỗ béo. Mỗi lứa nuôi 7 – 15 con. Bình quân nuôi vỗ béo khoảng 3 tháng là xuất chuồng. Lãi mỗi con trâu nuôi vỗ béo sau 3 tháng ít nhất 3 – 3,5 triệu đồng, bằng hơn nửa tấn thóc. Ba tháng nuôi, bán một lứa trâu khoảng chục con đã có lãi ít nhất bằng 6 tấn thóc. Nuôi trâu vỗ béo mỗi năm được 3 – 4 lứa, người nông dân “nhàn” hơn làm ruộng rất nhiều.

Nông dân thôn Tân Điền nuôi trâu vỗ béo.

Chuyển ruộng cấy lúa để trồng cỏ, trồng ngô sinh khối nuôi trâu, bò vỗ béo được bà con nông dân ở thôn Tân Điền áp dụng hiệu quả. Cách làm trên đang được UBND xã Kim Ngọc đánh giá tổng kết và khuyến khích nhân rộng. Hiện tại, diện tích trồng ngô sinh khối để chăn nuôi đại gia súc tại Kim Ngọc đã là 25 ha, cao hơn cùng kỳ là 18 ha. Tổng đàn trâu, bò của xã đạt trên 1.250 con. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, lợi nhuận từ chăn nuôi chiếm phần lớn lợi ích trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tận dụng triệt để diện tích ao, đập nuôi cá. Chuyển một phần diện tích những thửa ruộng chằm cải tạo nuôi ốc nhồi, nuôi trai. Kim Ngọc đang chuyển mạnh tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo xu hướng thị trường tiêu dùng có nhu cầu. Sự chuyển dịch được cân nhắc thận trọng, phù hợp điều kiện tự nhiên của xã.

Kim Ngọc chuyển 25 ha đất sản xuất trồng ngô sinh khối chăn nuôi trâu, bò.

Chuyển đổi cơ cấu lâm nghiệp

Đối với sản xuất lâm nghiệp, diện tích xã Kim Ngọc đang quản lý là trên 1.800ha. Mục tiêu, chuyển phần lớn diện tích rừng keo đến chu kỳ khai thác sang trồng quế. Sau gần 2 năm thực hiện, Kim Ngọc đã trồng được gần 255ha quế (tính đến tháng 10.2022). Phong trào trồng quế đang lan rộng ở các thôn Tân Điền, Nậm Vạc, Mâng, Minh Tường, Quý Quân... Kim Ngọc phấn đấu đến hết năm 2025, sẽ đưa diện tích trồng quế đạt trên 90% tổng diện tích đất trồng rừng khoảng 1.700 ha. Tiến tới thành lập làng nghề chế biến các sản phẩm từ cây quế để xuất khẩu mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Mới đây, nhận thấy tiềm năng từ cây trẩu, xã cũng đã đưa vào cơ cấu trồng rừng kinh tế. Trồng trẩu vừa thu hoạch quả, lại vừa thu hoạch gỗ. Cây trẩu dễ trồng, khả năng sinh khối lớn; quả trẩu được thu hoạch ép dầu dùng trong sản xuất công nghiệp đang có thị trường mở rộng đầy tiềm năng.

Đánh giá tổng quan nhận thấy, Kim Ngọc đang thận trọng chuyển đổi lại cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp. Sự chuyển đổi gắn liền với nhu cầu tiêu dùng và thị hiếu xã hội đang ngày một thay đổi. Các mô hình được chuyển đổi, tái sản xuất bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Để tổ chức phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Hà Giang mang lại hiệu quả, từng bước khắc phục những hạn chế, tỉnh đã và đang rà soát, hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, quy hoạch phát triển ngành: Chăn nuôi, thủy sản, phát triển rừng, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, ngành nghề nông thôn, vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở giết mổ gia súc... Đặc biệt, các giải pháp và những vấn đề đặt ra để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường nông sản, tỉnh cần xem xét tổng thể từ khâu tìm kiếm thị trường, quy hoạch sản xuất, tổ chức sản xuất, giám sát, lưu thông thị trường; huy động sự tham gia và phát huy vai trò tiên phong của thành phần kinh tế tư nhân, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn để có thể tập hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế thành phần kinh tế cá thể; tăng hàm lượng tri thức, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản, nâng cao giá trị kết tinh theo chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là trong khâu chế biến và lưu thông; đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng và duy trì thị trường sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tham gia chuyển đổi số. Đồng thời, tỉnh tiếp tục bố trí nguồn lực thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top