Người ta nói “nghề chọn người” quả đúng với tôi. Mơ ước trở thành cô giáo nhưng lại học báo với tôi đó là một cơ duyên nhưng để cơ duyên thành cơ hội, được dấn thân, đó thực sự là bước đi dài mà tự thân phải nỗ lực không ngừng.
Nhà báo Trà Giang
Mỗi chuyến đi - một kỷ niệm
Những ngày đầu bước vào nghề báo, những người làm báo trẻ như chúng tôi không thể tránh khỏi những khó khăn về nghiệp vụ, cách xử lý thông tin và tìm tòi những kiến thức phù hợp cho công việc. Vì thế, sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của Ban biên tập những đàn anh, đàn chị vừa là nguồn động viên, khích lệ, vừa khơi gợi nguồn sáng tạo và đam mê nghề nghiệp trong chúng tôi.
Bản thân rất vinh dự khi được cùng đội ngũ những người làm báo có mặt trên địa bàn Hà Tĩnh kịp thời đưa tin, viết bài qua mỗi sự kiện, những gương người tốt việc tốt bởi chính họ là những nhân tố đóng góp rất lớn vào thành quả xây dựng và phát triển của tỉnh nhà. Nhiều bài viết mang đậm dấu ấn, được ghi nhận, đoạt giải tại các cuộc thi.
Tôi đã đồng hành cùng phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh ngay từ những ngày đầu, nhanh chóng nhập cuộc để cung cấp cho độc giả cái nhìn sinh động, toàn diện trên nhiều lĩnh vực tại địa phương.
Làm báo ở nơi “chảo lửa túi mưa”, nắng lắm mưa nhiều, luôn bị thiên tai đe dọa như Hà Tĩnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, có những bài viết mang hơi thở của cuộc sống, tôi đã không quản khó khăn bám cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để tác nghiệp. Ngoài phản ánh không khí thi đua sôi nổi, những tín hiệu tích cực, những mô hình thành công, bài học kinh nghiệm, tôi cũng mạnh dạn phản ánh những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, từ đó nêu hướng giải quyết cho một số vấn đề.
Áp lực không chỉ là về đề tài, giờ giấc mà còn là sự sáng tạo, đổi mới phương thức thể hiện. Vất vả không chỉ bởi những chuyến đi cơ sở hàng chục kilômét giữa trời nắng hay mưa rét, những đêm sang canh con nhỏ nhưng vẫn miệt mài trên bàn phím mà còn phải trăn trở: Viết cái gì và viết như thế nào, thể hiện ra sao cho hấp dẫn? Suốt những năm tháng gắn bó với nghề, điều may mắn nhất là được làm việc và dìu dắt bởi những đồng nghiệp thật sự cháy hết mình với công việc.
Mỗi bài viết, tôi luôn muốn mang trọn tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như chính kiến của một người làm báo và sự đóng góp ý kiến, sự tiếp thu cầu thị của địa phương. Sau hơn 7 năm gắn bó, cơ sở đã “phong” cho tôi là phóng viên “nông thôn mới” sau rất nhiều bài viết về đề tài nông thôn mới ở Hà Tĩnh để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.
Nhà báo Trà Giang (bên phải) tác nghiệp tại vùng lũ Hà Tĩnh.
Dấu ấn Kinh tế nông thôn
Tôi vẫn thường chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp rằng, cứ yêu đi, cứ đam mê dấn thân và hết mình với nghề đi, ắt hẳn có một ngày duyên nghề sẽ đến, nghề sẽ ban tặng những “quả ngọt” cho những nỗ lực của chúng ta.
Và “quả ngọt” ở đây với tôi không chỉ là sự tôn vinh trên những diễn đàn, những giải thưởng trong các cuộc thi nghiệp vụ, mà hơn hết đó là sự phản hồi, niềm vui của bạn đọc, sự ủng hộ của Ban biên tập, đồng nghiệp, lan tỏa những giá trị nhân văn và hoàn thành trách nhiệm với xã hội.
Nghề báo cho tôi tiếp xúc với nhiều người. Cho tôi được gặp các cô bác nông dân chân lấm tay bùn, anh công nhân trong hầm lò, chị lao công…, cho đến những người giữ vị trí cao trong xã hội. Tôi gọi đó là trải nghiệm, là thanh xuân, đầy vinh dự và tự hào.
Không thể nhớ hết kỷ niệm vui, buồn trong những lần tác nghiệp, sau những chuyến đi, ngoài trách nhiệm thông tin, sự kiện, bắt gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, khi trở về tôi rất trăn trở và đã mạnh dạn làm nhiệm vụ kết nối các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức cùng chung tay giúp đỡ họ.
Tôi luôn tâm niệm, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, mình phải cố gắng làm lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn, để cuộc sống thêm phần thú vị và ý nghĩa hơn. Mỗi một hoạt động từ thiện không phải vì bất cứ thứ gì, đó chỉ đơn giản là sự đồng cảm của người làm báo với những hoàn cảnh khốn khó. Và chính những công việc đó cũng phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nghề báo, có cái nhìn thiện cảm hơn với những nhà báo của nhà nông.
Những năm tháng lăn xả, sống hết mình với đam mê đã dạy cho tôi những bài học về tinh thần trách nhiệm, dám đứng mũi chịu sào và ít nhiều cả tinh thần biết sợ để giữ bản lĩnh nghề nghiệp và để không cho phép mình dừng lại trong việc học hỏi.
“Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người!” - tôi vẫn luôn tâm niệm điều đó khi nghĩ về Kinh tế nông thôn, bởi với tôi, tòa soạn không chỉ là nơi tôi gắn bó công việc mà đó là một chốn thân thương mà tôi muốn gắn bó lâu dài. Nơi ấy với tôi như một gia đình, có những người chỉ huy thấu hiểu, động viên, có những đồng nghiệp thân tình chia sẻ khiến lửa nghề trong tôi cháy mãi.
Mừng Xuân Qúy Mão 2023, Kỷ niệm 35 năm Tạp chí Kinh tế nông thôn xuất bản ấn phẩm đầu tiên, chúc những người làm báo Kinh tế nông thôn luôn Tâm sáng, bản lĩnh và Tạp chí ngày càng có chỗ đứng vững vàng, tin yêu trong lòng bạn đọc.
Tiếp nối ngọn lửa nghề của các thế hệ đi trước, chúng tôi, những phóng viên trẻ sau này cũng khát khao sáng tạo, cống hiến, trăn trở, tìm tòi, đầu tư nghiêm túc, trách nhiệm trên mỗi tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân và cũng là thương hiệu của Kinh tế nông thôn.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.