Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 3 năm 2023 | 14:20

Kinh tế nông thôn và hành trình 35 Xuân “Cùng bạn đọc làm giàu”

Thấm thoắt, 35 năm đã trôi qua, hơn 1.300 số báo của Kinh tế nông thôn đã đến với bạn đọc khắp mọi miền đất nước.

Ba mươi lăm năm trước, sau nhiều tháng chuẩn bị, ngày 15 tháng 3 năm 1988, Tạp chí Người Làm vườn (tiền thân của Báo Người Làm vườn, Báo Kinh tế VAC, Báo Kinh tế nông thôn và Tạp chí Kinh tế nông thôn)  – Cơ quan ngôn luận của Hội Những người làm vườn Việt Nam  ra mắt bạn đọc số đầu theo Giấy phép xuất bản số 409/BTT-GPXB ngày 28/9/1987 của Bộ Thông tin (Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Đây là sự kiện có ý nghĩa trong hoạt động của Hội Những người làm vườn Việt Nam khi đó. Nói vậy vì, đây vừa là nơi chuyển tải những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Nông nghiệp về phát triển nông nghiệp, nông thôn, những định hướng, hướng dẫn của Hội Làm vườn Trung ương đến các cấp Hội, hội viên về kỹ thuật xây dựng mô hình VAC, ô dinh dưỡng, trồng cây ăn quả, trồng rau, nuôi gia cầm, gia súc, nuôi cá, nuôi thủy sản để cải thiện bữa ăn, xây dựng tổ chức Hội và tiếp nhận những thông tin từ bạn đọc, hội viên đối với việc phát triển VAC, kinh tế vườn và những vấn đề của cuộc sống.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Báo Kinh tế nông thôn năm 2008.

Thấm thoắt, 35 năm đã trôi qua, hơn 1.300 số báo đã đến với bạn đọc khắp mọi miền đất nước. Chắc có bạn sẽ đặt câu hỏi: 35 năm mà sao chỉ có hơn 1.300 số báo?

Xin thưa: Khi mới ra đời, Người Làm vườn xuất bản 3 tháng/kỳ, sau tăng lên 2 tháng/kỳ. Đến tháng 7/1993 lên mỗi tháng 1 kỳ. Tháng 3 năm 1997 chuyển thành Báo Người Làm vườn xuất bản 2 tuần/kỳ. Tháng 4 năm 1998, kỷ niệm 10 năm ngày xuất bản số đầu, được phép của Bộ Văn hóa – Thông tin, Người Làm vườn đổi tên thành Kinh tế VAC, xuất bản 10 ngày/kỳ và sau đó 1 năm, năm 1999, Kinh tế VAC xuất bản hàng tuần. Tháng 11 năm 2002, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa – Thông tin, Báo Kinh tế VAC mang tên mới Kinh tế nông thôn. Từ tháng 4 năm 2020, thực hiện Đề án quy hoạch phát triển báo chí, Báo Kinh tế nông thôn chuyển đổi mô hình hoạt động sang Tạp chí Kinh tế nông thôn xuất bản 3 kỳ/tháng.

Trong 35 năm qua, từ khi Tạp chí Người Làm vườn ra đời cho đến Tạp chí Kinh tế nông thôn hiện nay, đơn vị đều không trong danh mục hưởng ngân sách của Nhà nước. Nhấn mạnh điều này bởi Người Làm vườn ra đời khi đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới về quản lý kinh tế, đơn vị hoàn toàn tự chủ về tài chính. Đây là một hành trình nhiều khó khăn nhưng thể hiện nỗ lực vươn lên để thực hiện khát vọng ‘Cùng bạn đọc làm giàu” của các thế hệ lãnh đạo cũng như cán bộ, phóng viên Người Làm vườn xưa và Kinh tế nông thôn hiện nay.

Đối với hành trình của lịch sử thì 35 năm là thời gian quá ngắn ngủi nhưng đối với cuộc đời một con người và lịch sử gần 100 năm của Báo chí cách mạng Việt Nam thì 35 năm cũng đủ dài để khẳng định về những đóng góp cũng như sự trưởng thành và vị thế của một cơ quan báo chí.

Trong 35 năm qua, điểm tiêu biểu nhất có thể khẳng định về Kinh tế nông thôn là hành trình kiên định với tiêu chí “Cùng bạn đọc làm giàu”, là Người bạn biết lắng nghe, thấu hiểu và Chia sẻ cùng bạn đọc.

Có thể khẳng định, 35 năm qua, trong hành trình xây dựng và trưởng thành, Kinh tế nông thôn nay và Người Làm vườn trước đây luôn kiên định với tiêu chí “Cùng bạn đọc làm giàu”.

Nói vậy vì trong hơn 1/3 thế kỷ qua, các thế hệ Kinh tế nông thôn luôn bám sát cuộc sống để đáp ứng thông tin kịp thời, chính xác các sự kiện, chính sách, những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp nói chung, kinh tế VAC - kinh tế vườn, kinh tế trang trại, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, tiến bộ, văn minh nhưng vẫn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; định hướng, hướng dẫn hội viên và các tầng lớp xã hội phát trển kinh tế trang trại, kinh tế VAC- kinh tế vườn, những cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện đất đai, tiền vốn, nguồn nhân lực, giải đáp những vấn đề của kỹ thuật nuôi – trồng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, hỗ trợ kiến thức tổ chức, quản lý trang trại, gia trại cũng như việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để đạt hiệu quả kinh tế cao, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, vươn lên khá – giàu. Đồng thời là cầu nối giữa hội viên, nông dân và người dân với các cơ quan chức năng của Nhà nước các cấp, các cơ quan chuyên môn, các viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học để kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và tổ chức  cuộc sống, góp phần truyền lửa khát vọng làm giàu chính đáng, lan tỏa những cách làm mới sáng tạo,…

Đại diện Tạp chí Kinh tế nông thôn, nhà tài trợ, lãnh đạo huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), xã Lâm Hợp trao tặng nhà Nhân ái cho chị Nguyễn Thị Toại ở thôn Hải Hà.

Trong 35 năm qua, sự nỗ lực của các thế hệ Kinh tế nông thôn được bạn đọc ghi nhận, được hội viên, bà con nông dân, người làm trang trại, gia trại coi như cẩm nang trong tổ chức, quản lý, mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế đối với cây trồng, vật nuôi. Đó chính là Niềm tin yêu mà bạn đọc dành cho Kinh tế nông thôn. Đó là niềm tự hào của các thế hệ người làm báo - tạp chí Kinh tế nông thôn.

Có được điều đó bởi Kinh tế nông thôn luôn là người bạn biết lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của nhà vườn, chủ trang trại, gia trại trong sản xuất, kinh doanh để kịp thời tư vấn, hướng dẫn….  Bởi Kinh tế nông thôn hiểu, muốn làm giàu, ngoài ý chí thì kỹ thuật phải giỏi, nắm chắc yêu cầu thị trường, thực hiện sản xuất trong sự hợp tác và có mối liên kết chặt chẽ, cùng chia sẻ lợi ích với với doanh nghiệp.

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm xã hội của mình trước khó khăn, mất mát của người dân vùng bị bão lũ, lụt cũng như hoàn cảnh của những gia đình khó khăn do thiên tai, bệnh tật, Kinh tế nông thôn đã vận động những người bạn, những nhà hảo tâm, nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành trong nhiều chương trình Nhân ái: Tặng quà Tết Nhân ái mỗi dịp Tết đến – Xuân về, tặng Nhà Nhân ái cho nhứng hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, phân bón cho những vùng gặp thiên tai, hỗ trợ xe đạp cho các cháu học sinh nghèo, tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con vùng sâu, vùng xa,…

Với những nỗ lực xuyên suốt hành trình “Cùng bạn đọc làm giàu”, Kinh tế nông thôn được nhiều bộ, ngành, địa phương, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng nhiều Bằng khen. Năm 2006, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2008, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nhận thức sâu sắc những khó khăn, thách thức của chặng đường phía trước, những người làm Tạp chí Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục đoàn kết, nâng cao trính độ, rèn Tâm, nâng Tầm để “viết thật khỏe, thật hay và thật đúng” để Kinh tế nông thôn có nội dung ngày càng đa dạng hơn, phong phú hơn, hấp dẫn hơn trong việc chuyển tải kiến thức đa dạng trong sản xuất, kinh doanh, tổ chức sản xuất và cuộc sống nhằm giúp bà con nâng cao kiến thức kinh tế nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng nông thôn hiện đại và hình thành nên đội ngũ nhà nông, nhà vườn thông minh. Đồng thời định hướng, hướng dẫn, động viên, lan tỏa những mô hình kinh tế năng động, sáng tạo, hiệu quả ra diện rộng để cùng nhau khá lên, giàu lên, thực hiện Mục tiêu: Đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp. Đến năm 2050, Việt Nam nằm trong TOP 10 nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện đại nhất thế giới. Và khát vọng của Dân tộc mà Đại hội XIII của Đảng đã thông qua: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Tuổi 35, tuổi đủ chín để Kinh tế nông thôn vững vàng cùng bạn đọc thực hiện khát vọng Làm giàu của từng người dân, từng gia đình, của Dân tộc để Đất nước vươn lên tầm cao mới, hòa cùng nhịp bước của những quốc gia hàng đầu. 

Trong hành trình đó, Kinh tế nông thôn mong được sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các cấp Hội và hội viên Hội Làm vườn Việt Nam, những người bạn, những doanh nhân, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm để hành trình “Cùng bạn đọc làm giàu” đạt được những thành tựu mới đóng góp vào sự thịnh vượng của Dân tộc, sự Hùng cường và phát triển của đất nước.

 

 

Nguyễn Anh Tuấn (Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top