Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 30 tháng 4 năm 2023 | 10:15

Ký ức hào hùng của những người lính là niềm tự hào của thế hệ trẻ hôm nay

Chiến tranh đã lùi xa 48 năm, đối với mỗi người con đất Việt thì lịch sử ngày 30/4 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.

 Ngày 30/4/1975 ấy mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Không như lớp cha ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu để đi đến thống nhất nước nhà, chúng tôi – những người con được may mắn sinh ra trong thời bình, tuy không bị chứng kiến chiến tranh nhưng qua các trang sử được học trong trường phổ thông thì ngày 30/4 quả là một ngày trọng đại của đất nước.

Ký ức người lính trong trận chiến làm nên lịch sử

48 năm đã trôi qua kể từ ngày miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất, cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất vẫn chưa nguôi ngoai khi nhớ về chiến tích bắt sống tổng thống của chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh trong ngày lịch sử trọng đại 30/4/1975.

Cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất, nguyên là hạ sĩ, chiến sĩ thông tin Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Lên đường vào Nam chiến đấu từ năm 18 tuổi, ông Bàng Nguyên Thất khi ấy đang làm tại Đội sửa chữa nhà cửa khu Đống Đa (Hà Nội). Ông được tuyển quân bổ sung cho chiến trường miền Nam những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Bàng Nguyên Thất (trái) cùng đồng đội thăm lại chiến trường Quảng Trị.

Trận đánh đầu tiên cựu binh Bàng Nguyên Thất tham gia là tại chiến trường Quảng Đà (nay là Quảng Nam) vào cuối năm 1973 cùng Trung đoàn Bộ binh 66. Trung đoàn của ông nhận được lệnh đánh chiếm căn cứ Thượng Đức, nằm ở ngã ba sông Vu Gia và sông Thu Bồn, nơi được mệnh danh là "mắt ngọc đầu rồng". Nơi này bị địch kiểm soát chặt chẽ, gây khó khăn trong việc vận chuyển đường sông, đường bộ của lực lượng ta.

Sau nhiều tháng trời chuẩn bị kế hoạch tác chiến, ngày 29/7/1974, trung đoàn ông được lệnh nổ súng vào căn cứ Thượng Đức. Căn cứ được xây dựng bằng bê tông cốt thép, pháo nã vào tới hàng giờ đồng hồ mà vẫn còn nguyên. Sau đó, trận đánh dừng lại, bộ đội ta tiếp tục trinh sát, ngày 7/8/1974 tiếp tục tấn công lần thứ hai thì giải phóng được Thượng Đức.

Sau khi mất Thượng Đức, chính quyền ngụy quyền cay cú huy động sư đoàn dù, lực lượng tinh nhuệ của địch lúc bấy giờ, bay ra Thượng Đức hòng tái chiếm. Đồng thời, địch dùng máy bay A37 ném bom, dùng pháo dàn bắn cấp tập để hỗ trợ nhưng càng lún sâu, chúng càng thất bại.

Ngày 26/4/1975, Trung đoàn 66 của ông Bàng Nguyên Thất được cấp trên phổ biến kế hoạch, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tại rừng cao su Long Khánh. Nhận được lệnh, trung đoàn triển khai nhiệm vụ tới từng đơn vị.

Quân đội ta tiến thẳng vào dinh Độc Lập

Sau khi đánh chiếm được căn cứ Nước Trong, trường Thiết giáp huấn luyện quân thiết giáp tinh nhuệ của quân địch án ngữ ngay cửa ngõ vào Sài Gòn. Rạng sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 có xe tăng của Lữ đoàn 203 phối thuộc cùng bộ binh hành tiến ra ngã ba đường quốc lộ 15 từ Vũng Tàu tiến về Sài Gòn. Đến đầu cầu Sài Gòn, lực lượng ta gặp 2 xe tăng M48 của địch dàn hàng ngang bắn trả.

Đồng thời, ở dưới sông Sài Gòn, một số tàu chiến bắn lên gây khó khăn cho đoàn xe của quân giải phóng. Bộ đội ta phải dừng lại để bộ binh xuống triển khai chiến đấu. Trung đoàn trưởng Nguyễn Sơn Văn đi trên xe Zeep cùng lái xe Đào Ngọc Vân, trợ lý tham mưu Nguyễn Khắc Nhu, trợ lý chính trị Phùng Bá Đang, chiến sĩ truyền đạt Nguyễn Huy Hoàng, chiến sĩ thông tin Bàng Nguyên Thất.

Chiến sĩ Bàng Nguyên Thất (bên trái) cùng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh ngày 30/4/1975

Ông Bàng Nguyên Thất kể: Khi xe đến ngã tư Hàng Xanh, do không thạo đường nên phải dừng lại hỏi đường đến Dinh Độc lập. Một cụ già trong nhà ngó ra, tay cầm lá cờ giải phóng nói rằng: “Chỉ đường, các anh khó đi lắm, cho tôi lên xe để tôi dẫn đi”.

Sau khi xin ý kiến chỉ huy, lực lượng ta đồng ý cho cụ lên xe đầu chỉ đường. Đến đầu cầu Thị Nghè, có lực lượng phòng ngự dùng thùng phi, bao cát án ngữ tấn công, xe tăng phải bắn trả và đi tiếp. Từ xa nhìn thấy Dinh Độc lập chúng tôi phấn khởi lắm nhưng luôn cảnh giác cao độ.

Khoảng 9 giờ 30 phút, sau khi chiếc xe tăng thứ 2 húc tan cổng chính, cả đoàn quân bộ binh đi tiến thẳng vào tiền sảnh Dinh Độc lập. Trước thế chủ động của quân giải phóng, Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn bị tước vũ khí và yêu cầu đầu hàng vô điều kiện...

Người dân Sài Gòn hoan hô ăn mừng chiến thắng

Chiến thắng miền Nam, giải phóng đất nước năm 1975 là một trong những chiến công chói lọi nhất, thu non sông về một mối. Để có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay, cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất và biết bao người con của dân tộc Việt Nam đã hy sinh tuổi thanh xuân và không tiếc cả xương máu của mình.

Niềm tự hào của người lính khi được góp sức vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc

Năm 1972, ông Đặng Quốc Cường lên đường nhập ngũ tại Sư đoàn 304B. Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nằm trong đội hình Sư đoàn 320, Trung đoàn 48, ông Cường đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh, đập tan ý đồ “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến” của kẻ thù. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn được giao nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy ở phía Tây Bắc Sài Gòn, mở đường cho Quân đoàn 3 tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Cựu chiến binh (CCB) Đặng Quốc Cường - khu 1 xã Hoàng Xá  kể lại: “Giải phóng Buôn Mê Thuật xong Sư đoàn 320 làm nhiệm vụ truy đuổi địch trên đường 7 – Cheo Reo, tiêu diệt gọn toàn bộ Quân đoàn 2 và Quân khu 2 của Ngụy dồn về “Cheo Reo”, tiếp tục truy kích những tên còn sống chạy về Tuy Hòa và giải phóng Tuy Hòa. Sau đó, ngược trở lại hành quân trên 600km về Đông Nam Bộ để làm nhiệm vụ vượt sông Sài Gòn làm nhiệm vụ đánh mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh vào tối 28 ngày 29/4/1975 để làm bàn đạp cho đơn vị bạn thọc sâu vào để đánh Bộ Tổng tham mưu và sân bay địch như kế hoạch đã định.

Cựu chiến binh Đặng Quốc Cường kể lại những ngày tháng hào hùng của chiến dịch Hồ Chí Minh.

Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước xong chúng tôi đi làm công tác dân vận để ổn định tinh thần của Nhân dân và trong đó có cả gia đình sỹ quan, hạ sỹ quan, binh lính của ngụy, nên thời kỳ đó anh bộ đội cụ Hồ đóng vai trò rất quan trọng trong công tác dân vận, giúp đỡ Nhân dân xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, thanh lọc các đối tượng đã chạy đi mà mình không phát hiện ra”.

Đất nước được giải phóng, Bắc - Nam thu về một mối nhưng khi nhắc lại những tháng ngày đó khiến ông không cầm được cảm xúc. Khi nghe tin thắng trận, cảm xúc trào dâng, vui mừng vì biết đất nước mình được độc lập, được tự do, được về đoàn tụ với gia đình, gặp người thân của mình. Miền Bắc không còn chịu gian khổ, vất vả, áp lực vì Miền Nam ruột thịt nữa. Gần 50 năm qua, kể từ ngày chiến thắng mùa xuân năm 1975, những người lính trong chiến dịch Hồ Chí Minh như ông Cường về quê hương, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương và không quên kể về quá khứ hào hùng cho con cháu nghe hay trong những buổi học ngoại khóa của các nhà trường. Những câu chuyện kể của ông là chứng nhân lịch sử để thế hệ trẻ hôm nay, mai sau tiếp nối truyền thống, tri ân những đóng góp xương máu của cha ông cho cuộc sống tự do, giàu đẹp ngày nay.

Trong nhiều năm tham gia chiến đấu, rèn luyện, cống hiến trong quân ngũ đến khi về hưu theo chế độ Nhà nước, Thượng tá Đặng Quốc Cường đã vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng 3 Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng: Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tuổi trẻ và niềm tự hào về chiến thắng 30/4

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, anh Vi Tuấn Bảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La, cho biết: Với thế hệ trẻ hôm nay, được sống trong những ngày tháng hòa bình không có nghĩa là lãng quên lịch sử dân tộc và niềm tự hào về chiến thắng 30/4. Vào dịp này, các tổ chức đoàn trong tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt truyền thống, cuộc thi, chương trình đến với địa chỉ đỏ, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, văn hóa... thu hút đông đảo ĐVTN và thiếu nhi tham gia. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào, trách nhiệm, tinh thần xung kích, khát vọng của thế hệ trẻ, tích cực tham gia xây dựng, phát triển quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Anh Vi Tuấn Bảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La chia sẻ về tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ...

Trong tiềm thức của nhiều người trẻ, chiến thắng 30/4/1975 sẽ mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Dù không được sống trong thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy, nhưng lòng mỗi người luôn rộn ràng mỗi lần nghe những lời ca hào hùng ngợi ca chiến thắng, bồi hồi, xúc động khi được nghe, đọc những câu chuyện và xem những thước phim tài liệu, hay qua những bài học lịch sử về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Là một giáo viên trẻ, khi đi sâu tìm hiểu các tác phẩm lịch sử hay những lần trải nghiệm từ câu chuyện thực tế của các cựu chiến binh, cô giáo Đinh Thị Việt Phương, giáo viên môn Lịch sử tại Trường THPT Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu luôn đưa vào trong bài giảng của mình về niềm tự hào, hãnh diện về lịch sử dân tộc cho học trò. Cô Phương chia sẻ: Tôi và những đồng nghiệp, nhất là những đồng nghiệp trẻ, luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, nhiệm vụ “trồng người” cao cả. Hơn thế, trong mỗi bài giảng của mình, chúng tôi đều lồng ghép các nội dung giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ học sinh, nhắc nhở các em về chiến thắng 30/4/1975, giúp các em có thêm niềm tự hào với lịch sử dân tộc và truyền lửa để lớp lớp thế hệ học sinh trân trọng quá khứ, viết tiếp tương lai, dựng xây quê hương, đất nước.

Giáo dục truyền thống cho ĐVTN tại Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Là những chủ nhân tương lai của đất nước, những ĐVTN luôn biết ơn các thế hệ cha ông đi trước và có ý thức kế thừa, phát huy những giá trị đó trong cuộc sống, trong học tập và việc làm hằng ngày. Em Bùi Anh Đức, học sinh Trường THPT chuyên Sơn La, cho biết: Chúng em tự hào về quá khứ và lịch sử dân tộc, chiến thắng 30/4 nói riêng và những chiến thắng oanh liệt của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước nói chung. Mặc dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường, bản thân em luôn tự hứa sẽ không ngừng cố gắng thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm người đoàn viên, học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, phát huy năng lực của mình, với quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn.

Còn ở nơi biên cương của Tổ quốc, những người lính trẻ vẫn đang ngày đêm tiếp nối truyền thống hào hùng của thế hệ cha ông, góp thanh xuân, chắc tay súng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, đảm bảo bình yên cho nhân dân. Trung úy Đinh Quốc Tuấn, Đồn Biên phòng Chiềng On, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, chia sẻ: Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ Biên phòng thực hiện tốt “3 bám, 4 cùng” với đồng bào các dân tộc, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Chúng tôi quyết tâm dùng kiến thức, sức trẻ để phụng sự quê hương, Tổ quốc.

Với phương châm “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tuổi trẻ Sơn La đã và đang tiếp bước truyền thống cha ông, viết tiếp những trang sử hào hùng năm xưa; luôn phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, khả năng sáng tạo của thanh niên tham gia thực hiện các công trình thanh niên, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, góp phần xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024 với hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách, nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng được giới thiệu đến nhân dân thành phố Cảng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn-ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Top