Trong hai ngày 11 - 12/8, tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành (Đồng Tháp), Ngày hội khoai lang với chủ đề "Bừng sáng từ chính nơi được vun trồng" đã diễn ra.
Nông dân bày bán khoai lang trong Ngày hội khoai lang.
Đây là lần đầu tiên Ngày hội được tổ chức trên địa bàn nhằm từng bước xây dựng thương hiệu khoai lang Châu Thành; thể hiện sự quyết tâm của chính quyền và nông dân trong việc nâng cao chất lượng khoai lang của huyện; quảng bá, giới thiệu các loại khoai, hình ảnh địa phương đến các doanh nghiệp, người dân trong và ngoài huyện.
Tại Ngày hội, nhiều hoạt động được tổ chức như: Trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện Châu Thành; Hội thi chế biến món ăn từ khoai lang; Tọa đàm về tiềm năng xuất khẩu và kết nối tiêu thụ khoai lang… Đến đây, người dân và du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn ngon và đẹp mắt được chế biến từ khoai lang Châu Thành như bánh xèo, bánh bao, bánh đúc…
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Phan Thanh Dũng cho biết, huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả và hoa màu, trong đó có cây khoai lang. Đây là một trong những loại cây đặc trưng của vùng đất này, gắn bó với người dân từ rất lâu. Khoai lang là cây lương thực với nhiều giá trị dinh dưỡng, vừa làm thức ăn, vừa làm nguyên liệu chế biến cho một số ngành công nghiệp.
Khoai lang được trồng tập trung trên địa bàn 3 xã của huyện Châu Thành là Tân Phú, Hòa Tân và Phú Long. Trước năm 2018, diện tích gieo trồng khoai lang hàng năm của địa phương đạt trên 3.300 ha. Từ năm 2019 - 2022 do ảnh hưởng của COVID-19, thị trường tiêu thụ khoai lang gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận thấp... nên diện tích gieo trồng giảm mạnh. Năm 2022, diện tích trồng khoai làn trên địa bàn chỉ còn 710 ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết thêm, để lấy lại vị thế, nâng cao giá trị cây khoai lang, các cấp chính quyền nói chung, ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành nói riêng đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ tháng 11/2022, khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đây là tín hiệu vui. Từ đó, bà con trồng khoai lang bắt đầu tái đầu tư sản xuất.
Khoai lang của huyện Châu Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Khoai lang Châu Thành - Đồng Tháp". Toàn huyện có 22 mã số vùng trồng khai lang và 1 cơ sở đóng gói khoai lang đã được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Địa bàn có 3 hợp tác xã canh tác khoai lang (hơn 170 thành viên) với diện tích khoảng 219 ha; trong đó, 23 ha đạt chứng nhận VietGAP, 187 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo nhiều nông dân trồng khoai lang ở huyện Châu Thành, việc được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc giúp đầu ra của cây khoai lang ổn định hơn, các hợp tác xã đã liên kết tiêu thụ với công ty. Trước đây, nông dân bán khoai lang cho thương lái bên ngoài, giá cả bấp bênh. Từ khi ký kết với công ty, nông dân trồng khoai rất an tâm khi thu hoạch, với giá 600.000 đồng/tạ, trừ các khoản chi phí còn thu lãi trên 100 triệu đồng/ha.
Nhựt An (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/lan-dau-tien-to-chuc-ngay-hoi-khoai-lang-tai-dong-thap-20230811143253077.htm
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.